"21 tuổi mẹ vẫn nắm chặt tay tôi và hét: Nó chẳng biết gì cả" - Lời chia sẻ gây tranh cãi về cách dạy con quá khắt khe của các bậc cha mẹ người Á Đông

Dẫu xã hội đang dần tiến tới một thế giới phẳng với sự giao thoa văn hóa ở phạm vi toàn cầu, nhưng xét cho cùng văn hóa Á Đông và phương Tây từ trước đến nay vẫn có nhiều điểm khác biệt rõ rệt, đến mức gây ra nhiều tranh cãi. Một trong số đó nằm ở phương pháp nuôi dạy con.

Dẫu xã hội đang dần tiến tới một thế giới phẳng với sự giao thoa văn hóa ở phạm vi toàn cầu, nhưng xét cho cùng văn hóa Á Đông và phương Tây từ trước đến nay vẫn có nhiều điểm khác biệt rõ rệt, đến mức gây ra nhiều tranh cãi. Một trong số đó nằm ở phương pháp nuôi dạy con.

Khác với xã hội phương Tây, người Á Đông không coi việc nuôi dạy con đến năm 18 tuổi là hết nghĩa vụ. Họ sẽ lo cho con cả những con đường kế tiếp: học lên cao, xin việc, thăng tiến, dựng vợ gả chồng... Đổi lại, con cái phải đặt chữ hiếu lên làm đầu, có nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ khi về già.

Tuy nhiên, vấn đề gây tranh cãi cũng nằm ở sự bao bọc này. Đôi khi sự quan tâm, bảo vệ con quá mức vô tình trở thành khắt khe, khiến con cái mất đi sự tự do và dần hình thành tâm lý ỷ lại. Thậm chí là ảnh hưởng đến tính cách và phương hướng khi ra đời, giống như câu chuyện của cô gái sau đây.

*Câu chuyện được Việt hóa từ bài chia sẻ của một cô gái trẻ người Úc gốc Hoa, được BBC đăng lại từ một nhóm cộng đồng người châu Á.

Chào mọi người,

Tôi đang cần một vài lời khuyên. Tôi mất phương hướng quá, chẳng biết nên làm gì nữa. Chuyện là cha mẹ tôi đã quan tâm, bao bọc tôi một cách quá mức từ bé đến giờ. Tôi còn chẳng nhớ nổi hồi nhỏ có lần nào được sang nhà bạn chơi một mình chưa nữa.

Là người Úc gốc Hoa, và tôi có cảm giác phông văn hóa của Trung Quốc đã khiến cha mẹ nuôi dạy chúng tôi một cách quá khắt khe, đặc biệt là khi tôi là con gái.

Đừng hiểu lầm. Tôi vẫn thương yêu và kính trọng cha mẹ mình. Nhưng thực sự tôi nghĩ họ đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến con người và tính cách của tôi bây giờ. Một đứa con gái hướng nội, hay ngượng ngùng, và chẳng kết bạn được với ai quá lâu.

Mà tôi lại cực kỳ muốn có bạn.

Tôi đã rất cô đơn khi đến tuổi dậy thì, và có lẽ cảm giác ấy ngày càng lớn hơn khi trưởng thành. Bạn biết đấy, càng lớn tuổi, chúng ta càng khó kết thân với người khác, vì ai cũng có cho mình những mối quan hệ đủ vững chắc rồi.

Về trước 9h, nếu không mẹ gọi cảnh sát

Năm ngoái tôi quyết định dọn ra ở riêng, nhưng gần như chẳng biết tý gì về cuộc sống. Tôi không biết gì về cách xã hội vận hành, cách để "sinh tồn" chốn công sở, hay thậm chí là cả chuyện hẹn hò.

Tôi 25 tuổi, mà cảm giác tâm hồn non nớt còn hơn mấy đứa sinh viên 20. Một đứa con gái 25 tuổi mới lần đầu tiên được bước ra đời. Tôi muốn thay đổi, nhưng chẳng biết bắt đầu từ đâu.

Trước khi dọn ra ở riêng, giờ giới nghiêm của tôi là 9h tối. Muốn đi chơi ư? Hãy trả lời cho hết một loạt các câu hỏi dạng: "Đi với ai? Đến đấy như thế nào? Ai sang đón?". Và trước khi ra khỏi nhà, mẹ tôi sẽ gài theo một câu kiểu như: "Về trước 9h, nếu không mẹ gọi cảnh sát."

Sát giờ giới nghiêm, mẹ sẽ bom hòm thư của tôi bằng vài chục tin nhắn. Bố thì không làm thế, mà bố gửi email. Bố sẽ gửi mấy câu đại loại là "Tại sao chưa về!" - khi bố dùng dấu chấm cảm cuối câu tức là ông đang rất cáu rồi. Lần khác thì nhẹ nhàng hơn, kiểu "Cơm chín rồi," để nhắc tôi đã đến giờ về.

Ban nãy tôi có nói mẹ tôi dọa sẽ gọi cảnh sát nếu tôi không về nhà trước 9h. Thực ra đó không phải dọa, mà bà đã làm thật rồi, hồi tôi 21 tuổi.

Khi ấy tôi rời nhà lên Sydney để thực tập khoảng 3 tháng. Tất nhiên, 2 bậc lão thành đầy lo lắng chẳng cho tôi đi yên ổn đâu. Họ bắt tôi ở cùng gia đình một người bạn (của bố) cho an toàn, và cũng nhằm để mắt đến giờ giấc đi lại của tôi thế nào. Giờ giới nghiêm thì vẫn cứ là 9h tối.

Cuối kỳ thực tập, tôi dự một buổi tiệc chia tay của công ty nên có về hơi muộn. Bác bạn kia làm đúng phận sự, báo liền cho bố mẹ tôi, và tôi phải nhận vô số tin nhắn kiểu "Tại sao chưa về? Về ngay đi."... Tôi nhắn lại là mình đang dự tiệc công ty và ở đó rất ồn, nhưng mẹ vẫn cứ liên tục gọi không ngớt.

Tôi buộc phải nhấc máy, và thứ chào đón tôi là một tràng la mắng. Mẹ thậm chí còn không tin tôi đi tiệc. Bà bảo: "Làm sao mẹ biết mày không bị bắt cóc, và bọn bắt cóc tự trả lời tin nhắn?" Tôi bảo mình ổn nhưng bà vẫn không thể kiểm soát, hét tướng lên "Ai đó bắt cóc mày mất rồi!".

Đó là lần tôi thấy mẹ giận dữ nhất sau ngần ấy năm sống trên đời. Bà giận đến mức gọi luôn cho cảnh sát. Cảnh sát bảo chịu không giải quyết được, vì tôi 21 tuổi rồi và lúc đó mới có 9h tối.

15 tuổi, mẹ vẫn dắt tay tôi qua đường

Tết Dương lịch năm ngoái cũng vậy, tôi ra đường chơi còn ba mẹ ở nhà dọa gọi cảnh sát. Họ lo lắng đến mức gọi cho tất cả những người tôi có thể đi cùng.

Phải nói thật rằng tôi rất hiếm khi đi chơi, cực hiếm khi dự tiệc, vậy mà mỗi lần đi đều không thấy thoải mái vì phụ huynh cứ gọi không ngừng. Chẳng phải, tôi đã đủ lớn, thậm chí là đủ "già" để câu chuyện này tiếp tục diễn ra?

Tôi thực sự tin rằng cách cha mẹ quản thúc mình đã khiến tôi trở nên khó kết bạn hơn. Hồi tiểu học, mẹ chẳng cho tôi đến nhà bạn bao giờ, vì cho rằng con gái đi chơi la cà, ở ngoài đường muộn là không tốt, là "hư".

Ba mẹ đòi hỏi phải biết mọi thông tin về bạn bè cũng lớp. Họ chỉ tin tưởng cho tôi chơi cùng một cô bạn vì họ quen cha mẹ cổ. Ngoài ra còn một cô bé khác người Lebanon, vì họ thấy cô bạn này chăm học. Và quy tắc bất di bất dịch: tất cả bạn bè của tôi phải là con gái.

Năm 13 tuổi, ba mẹ theo dõi tất cả mọi người tôi trò chuyện trên mạng. Có lần họ vào đọc toàn bộ hòm thư của tôi, rồi xóa đi hàng trăm email mà họ cảm thấy không cần thiết.

Năm 15 tuổi, mẹ vẫn dắt tay tôi mỗi khi băng qua đường.

Năm 21 tuổi, mẹ nắm chặt tay tôi và hét với mọi người: Nó có biết làm gì đâu, mới 21 tuổi thôi à...

Em gái tôi học cách nói dối để có thể tự do hơn. Nó giống như đã "tiến hóa" để kiểm soát ngược lại bố mẹ, dựa trên cách mà họ đã đối xử với anh chị nó.

Trong nhà tôi, có lẽ anh cả là chịu ảnh hưởng nhiều nhất vì cách hành xử của họ. Anh đã 30 tuổi mà chưa từng đi làm ở bất kỳ đâu, cũng chẳng cần ra khỏi nhà. Anh chơi điện tử từ sáng đến tối, ngày nào cũng vậy.

Anh đổ lỗi cho bố mẹ, rằng họ đã đặt quá nhiều kỳ vọng lên anh chỉ vì là con cả. Anh có thể đạt 96/100 điểm trong một bài kiểm tra mà vẫn bị trách mắng, chỉ vì họ thấy nó chưa đủ tốt. Anh đậu vào một trường đại học có tiếng, lấy được bằng thạc sĩ, nhưng quá tự cao để chấp nhận một mức lương bèo bọt. Mẹ tôi, vì nhiều lý do, cũng ủng hộ thái độ ấy.

Bố thì cố gắng tìm cho anh bất kỳ công việc nào có thể, từ lái xe, chở hàng, bán hàng, đến công việc bán thời gian. Còn mẹ, chỉ vì "Nó có bằng Thạc sĩ" mà luôn phản đối. Mẹ thà để anh sống dựa vào mình cả đời, hơn là để anh lăn lộn ra đường kiếm tiền qua những công việc không tương xứng với trình độ.

Anh tôi cũng không phản đối, để rồi từ đó đến nay anh chẳng làm bất cứ điều gì. Năm nay anh 30 tuổi, không có bất kỳ kỹ năng giao tiếp nào phù hợp với xã hội hiện tại. Mà nực cười hơn là khi bố mẹ đi du lịch họ cũng mang anh theo, cứ như trẻ lên 5 vậy.

Anh thứ của tôi thì khác. Anh học kém hơn, nên luôn bị bố mẹ lạnh nhạt và thờ ơ. Anh không vào đại học mà bắt đầu đi làm từ năm 16 tuổi. Giờ đây anh 27 tuổi, là một chuyên gia phân tích tài chính với mức đáng mơ ước, và gần như chẳng về thăm nhà bao giờ.

Còn cô em út của tôi, nó rất biết cách làm hài lòng bố mẹ bằng những lời đường mật, học cách nói dối để cuộc sống có chút tự do hơn. Con bé giống như đã tiến hóa để thích nghi và "kiểm soát" lại cha mẹ, dựa trên những gì họ đã làm 3 anh chị của nó vậy.

Một ngày nọ, tôi hỏi thẳng mẹ: "Đến bao giờ mẹ mới thôi kiểm soát con?"

Mẹ trả lời, với một thái độ cực kỳ nghiêm túc: "Mày có 40 tuổi đi nữa thì mẹ vẫn sẽ làm thế!". Có lẽ, mẹ nghĩ tôi sẽ độc thân và phải ở với mẹ cả đời.

Tham khảo: BBC

 

Theo Trí thức trẻ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU