22 cơ quan phụ trách vấn đề trẻ em mà vẫn rộ lên nạn xâm hại trẻ!

Có nơi thống kê nói chúng ta có đến 17 cơ quan, có nơi nói là 22 cơ quan phụ trách vấn đề trẻ em. Vậy các cơ quan ấy đang làm gì?” - Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội - đặt câu hỏi.

Ngày 25/4, Ủy ban về các vấn đề xã hội (Quốc Hội khóa XIV) tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 12 kéo dài 3 ngày (24/4 - 26/4) tại TPHCM. Trong phiên họp sáng 25/4, Ủy ban đã tiến hành cho ý kkiến về tình hình triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và đề xuất chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và các năm tiếp theo đối với các dự án, đề xuất thuộc lĩnh vực y tế - dân số; Xem xét Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước 4 tháng và ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2019 thuộc trách nhiệm quản lý của bộ Y tế; Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017 của Bộ Y tế...

Trong phiên họp chiều 25/4, Ủy ban về các vấn đề xã hội tiếp tục xem xét Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước 4 tháng và ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2019 thuộc trách nhiệm quản lý của bộ Lao động - Thương binh & Xã hội; Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017 của Bộ LĐ-TB&XH.

Ngày 25/4, phiên họp toàn thể lần thứ 12 của Ủy ban về các vấn đề xã hội (Quốc Hội khóa XIV) bước vào ngày làm việc thứ 2.

Trong phần báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, vấn đề xâm hại tình dục trẻ em được các đại biểu Quốc hội quan tâm góp ý với nhiều ý kiến bức xúc trong khi đơn vị quản lý vấn đề này là Bộ LĐ-TB&XH lại thiếu thông tin về tình trạng này. Trong bài báo cáo dài 20 phút của mình, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp chỉ nhắc 1 câu duy nhất về vấn đề này trong danh sách các vấn đề còn tồn tại của ngành: “Tình trạng xâm hại trẻ em gia tăng, nhiều vụ gây bức xúc dư luận xã hội”.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi đánh giá cao các thành tựu của Bộ LĐ-TB&XH trong năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019, tuy nhiên ông cũng nêu rõ 5 vấn đề còn tồn tại trong lĩnh vực mà bộ quản lý. Trong số đó, các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm còn rất phức tạp; số xã nghèo, huyện nghèo thoát khỏi khó khăn hầu như không có; tình trạng thất nghiệp của thanh niên thành thị còn ở mức cao...

Đặc biệt, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh tình trạng xâm hại tình dục trẻ em “đang trở thành vấn đề rất nhức nhối được cả xã hội quan tâm”. Ông dẫn 1 số liệu cho thấy trong giai đoạn 2013 - 2018, toàn quốc xảy ra đến 14.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Điều này đặt ra vấn đề xử lý tội phạm trẻ em như thế nào cho đủ sức răn đe, giải quyết vấn nạn này.

Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh tình trạng xâm hại tình dục trẻ em “đang trở thành vấn đề rất nhức nhối được cả xã hội quan tâm”.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội, càng quyết liệt hơn khi thể hiện thái độ về vấn đề này: “Bản thân tôi rất đau lòng về vấn đề này! Trong thời gian qua, câu chuyện xâm hại trẻ em đã rộ lên rồi. Trước đây có thể là vấn đề gì đó nên những thông tin xâm hại trẻ em bị ém nhẹm, giờ rộ lên. Điều đau đớn nhất là thủ phạm xâm hại trẻ em còn có cả những người thầy. Đau đớn vì trường học đáng ra là nơi an toàn nhất, bảo vệ trẻ em tốt nhất lại xảy ra những việc như thế!”.

Ông đặt ra vấn đề trách nhiệm của các cơ quan chức năng thuộc lĩnh vực này: “Có nơi thống kê nói chúng ta có đến 17 cơ quan, có nơi nói là 22 cơ quan phụ trách vấn đề trẻ em. Vậy các cơ quan ấy đang làm gì? Có giúp Chính phủ đánh giá chính xác vấn đề này để có giải pháp phù hợp hay không?”.

Đồng thời, ông đề nghị Quốc hội nên xem xét lại quy định xử lý các loại tội phạm đối với trẻ em từ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi, tránh tình trạng không có căn cứ pháp luật để xử lý các loại hình tội phạm xâm hại trẻ em, không có chế tài đủ sức răn đe các loại tội phạm này.

Đại biểu Trần Thị Hằng, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Bắc Ninh, cũng đồng tình với ý kiến của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. Bà dẫn ra nhiều khó khăn của ngành chăm sóc và bảo vệ trẻ em như: Một phần nguyên nhân do con người, ở cấp cơ sở thiếu người làm công tác trẻ em; kinh phí truyền thông cho công tác này còn chưa thường xuyên mà theo từng đợt dự án nên công tác tuyên truyền còn yếu...

Tuy nhiên, bà cũng chỉ ra thiếu sót của các đơn vị quản lý lĩnh vực này là “không làm gì cụ thể, không có chương trình, giải pháp để giải quyết vấn đề một cách cụ thể”.

Nhiều đại biểu cho là hoạt động của các cơ quan có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ trẻ em chỉ mang tính chất tổng hợp chung, chưa có giải pháp tổng thể và cụ thể, chưa có chiều sâu.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam mở rộng: “Bạo lực nơi làm việc, bạo lực và quấy rối nơi công cộng hiện xảy rất nhiều mà chúng ta chưa xử lý được, với các quy định hiện hành thì rất khó!”.

Bà lấy ví dụ vụ người đàn ông sàm sỡ cô gái trong thang máy vừa xảy ra ở Hà Nội: “Theo quy định thì hành vi bạo lực, quấy rối bị phạt hành chính trong khung 100.000 - 300.000 đồng nên xử phạt 200.000 là không sai, nhưng rất bất cập. Hiện các quy định xử lý các hành vi dâm ô, quấy rối của chúng ta rất bất nhất. Người dân chất vấn chúng tôi, đó là hành vi sàm sỡ hay tấn công tình dục cũng rất khó xác định. Tôi cho là nên có các quy định lại cho thống nhất các khái niệm này để dễ thực thi pháp luật”.

Bà cũng đồng tình với ý kiến của đại biểu Trần Thị Hằng là công tác trẻ em còn thiếu nhân lực khi tiến hành tinh giản chức danh ở cơ sở, hiện địa bàn ấp - thôn chỉ còn 3 chức danh là Bí thư chi bộ, trưởng thôn và trưởng ban mặt trận; hầu hết các chân rết của ngành trẻ em, dân số, y tế như chi đoàn, chị hội phụ nữ... đã bỏ hết.

Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt mà đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà chỉ ra là hoạt động của các cơ quan có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ trẻ em chỉ mang tính chất tổng hợp chung, chưa có giải pháp tổng thể và cụ thể, chưa có chiều sâu.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà nói: “Tôi có cảm giác hình như chúng ta chỉ làm công tác thống kê chứ không làm được gì. Chúng ta cần điều chỉnh cho có chiều sâu trong vấn đề phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Nếu cứ để thế này, chúng ta chỉ tổng hợp không thì tình hình sẽ càng phức tạp hơn, cần có giải pháp cụ thể cho vấn đề này!”.

Tùng Nguyên

Theo www.phapluatplus.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU