Ảnh minh họa
1. "Không sao đâu, ba/mẹ sẽ cùng con giải quyết"
Một cô bé sau khi tan học về nhà, mẹ gọi điện báo sẽ về muộn và nhắc cô bé tự làm bài tập trước.
Cô bé thấy mẹ rất vất vả, mỗi ngày đều phải tăng ca, và nghĩ rằng mình đã là học sinh lớp ba, đủ lớn để giúp mẹ làm bữa tối. Cô bé bắt chước cách mẹ nấu ăn, đổ dầu vào chảo. Nhưng không may, bình dầu quá nặng, cô bé lỡ tay làm đổ cả bình dầu ra sàn nhà. Dầu loang khắp nơi trong bếp. Cô bé sợ hãi và ngồi khóc trong góc bếp, không biết phải làm gì.
Khi mẹ cô bé về nhà, nghe thấy tiếng khóc của con, mẹ liền chạy vào bếp. Nhìn thấy cảnh tượng hỗn loạn, mẹ nhẹ nhàng nói: "Vừa bước vào nhà, mẹ đã ngửi thấy mùi thơm rồi, hóa ra là do dầu chảy ra".
Cô bé ngạc nhiên nhìn mẹ, vì nghĩ mẹ sẽ mắng mình. Mẹ tiếp tục: "Con yêu, không sao đâu, chúng ta cùng nhau dọn dẹp nhé". Sau khi dọn dẹp xong, dưới sự hướng dẫn của mẹ, cô bé đã nấu được một bữa tối ngon lành.
Nhiều đứa trẻ khi gặp khó khăn không dám nói với cha mẹ, và khi lớn lên cũng ít gần gũi với cha mẹ, vì trong quá trình nuôi dạy, chúng thiếu đi câu nói "Không sao đâu".
Gia đình là nơi trú ẩn của tâm hồn trẻ, là nơi chúng có thể tìm thấy sự an ủi và sức mạnh khi mệt mỏi, bối rối. Khi trẻ phạm lỗi, điều chúng cần là sự thấu hiểu và khích lệ từ cha mẹ, chứ không phải sự trách mắng hay chế giễu.
Một mối quan hệ lành mạnh giữa cha mẹ và con cái nên mang lại sự thoải mái và chữa lành, chứ không phải khiến trẻ cảm thấy căng thẳng hay sợ hãi. Mỗi sự bao dung và chỉ dẫn sẽ giúp trẻ mạnh mẽ và tự tin hơn khi đối mặt với thử thách.
2. "Ba/mẹ tin con"
Một cư dân mạng chia sẻ: Khi còn nhỏ, cha mẹ cô ấy không bao giờ tin tưởng cô. Có lần, cô bé mua một chiếc đồng hồ điện tử mới, rất háo hức mang đến trường. Hôm đó cô mặc một chiếc áo len cổ tròn rất chật, và khi cởi áo ra để ngủ trưa, cô vô tình bấm nhầm nút trên đồng hồ, khiến giờ giấc bị loạn.
Về nhà, cô bé kể lại với cha mình. Nhưng cha không tin, khăng khăng rằng cô đã lén chơi đồng hồ trong giờ học, làm loạn giờ giấc.
Không quan trọng cô bé giải thích ra sao, cha cô không tin, thậm chí còn nói cô nói dối và đánh cô. Cô bé lúc đó cảm thấy rất oan ức. Cô không hiểu vì sao cha lại không tin lời mình?
Khi lớn lên, cô cũng không còn tin tưởng người khác nữa, chỉ tin vào chính mình.
Nhà tâm lý học Joyce Brothers từng nói: "Bằng chứng tốt nhất của tình yêu là sự tin tưởng. Tin tưởng lẫn nhau chính là tình yêu tốt nhất dành cho trẻ". Những đứa trẻ ưu tú đều trưởng thành trong sự tin tưởng. Niềm tin này chính là nền tảng cho sự tự tin của trẻ.
Câu nói "Ba/mẹ tin con" là sự thấu hiểu và công nhận, và trẻ sẽ dễ dàng mở lòng, sẵn sàng giao tiếp với cha mẹ, giúp mối quan hệ giữa hai bên ngày càng tốt hơn.
3. "Dù thế nào đi nữa, ba/mẹ vẫn luôn yêu con"
Một người kể lại một câu chuyện nhỏ: Có một hôm, anh đã la mắng con mình vì con gây rối, nhưng sau đó anh không kìm lòng được, ôm chầm lấy con. Không ngờ con trai anh bỗng bật khóc nức nở trong vòng tay cha.
Anh vừa vỗ nhẹ lưng con, vừa nói: "Con làm sai không có nghĩa là con không tốt, và nó cũng không ảnh hưởng đến tình yêu của ba dành cho con". Con trai nghe thấy vậy, ôm anh chặt hơn nữa. Những lời nói của cha đã làm con hoàn toàn yên tâm và cảm nhận được tình yêu cùng sự chấp nhận của người lớn.
Là cha mẹ, chúng ta cần nói với con cái rằng: "Dù thế nào đi nữa, ba/mẹ vẫn luôn yêu con". Điều này sẽ giúp trẻ cảm nhận sâu sắc rằng cha mẹ yêu chúng vì chính bản thân chúng, chứ không phải vì những nhãn mác hay thành tựu. Thành tích học tập không ảnh hưởng đến tình yêu của cha mẹ dành cho chúng.