3 kiểu người trông có vẻ phúc thiên mệnh đại nhưng thực tế cực kỳ vô phúc

Cổ nhân có câu: "Vận mệnh là do mình tự tạo, phúc đức là do mình tự tích lũy". Con người sống ở đời luôn chú trọng việc "tích lũy phúc báo" để mưu cầu cuộc sống bình an thuận lợi. Nhưng 3 kiểu người dưới đây nếu không biết tiết chế trong cuộc sống, cuối cùng lại hại mình hại người.

01

Người phóng túng, nuông chiều dục vọng

Trang Tử từng nói: "Người có nhiều ham muốn, dục vọng là những người hiểu biết nông cạn".

Người không biết kiềm chế dục vọng sẽ đánh mất linh tính trong cuộc sống, phúc phận trời cho tự nhiên cũng bạc mỏng.

Vui nhưng không được vui quá, vui quá hóa không vui;

Dục vọng không thể phóng túng, phóng túng dục vọ họa. Bởi dục vọng là canh bạc nhân tính.

Dục vọng vừa phải là động lực để tiến bộ, nhưng nếu nuông chiều dục vọng một cách thái quá sẽ biến dục vọng thành con mãnh thú, bất thình lình thôn tính nhân tâm.

Ngọn nguồn của mọi đau khổ trên thế gian này đều đến từ dục vọng vô tận, nó kiểm soát nội tâm con người một cách chặt chẽ.

Từng có một vị Hành Giả đến chùa bái kiến Thiền Sư, hy vọng Thiền Sư có thể giúp ông ta giải đáp khúc mắc.

Hành giả hỏi Thiền Sư:

"Xin hỏi Thiền Sư dục vọng của con người là gì?"

Thiền Sư không hề trả lời trực tiếp mà chỉ nói với ông ta rằng:

"Hôm nay về nhà ông đừng ăn cơm, đừng uống nước, rồi trưa mai quay lại tìm tôi".

Hành Giả mặc dù không hiểu dụng ý của Thiền Sư, nhưng vẫn làm theo.

 

Ngày hôm sau, Thiền Sư nhìn thấy Hành Giả liền nói:

"Ắt hẳn hiện giờ ông đang rất đói, hãy đi theo ta".

Thiền Sư đưa Hành Giả đi một đoạn đường khá xa, đến trước một vườn hoa quả, rồi đưa cho Hành Giả một cái bao to:

"Đi đi, ông có thể hái hoa quả trong vườn một cách thỏa thích, nhưng phải mang về chùa đã rồi mới được ăn".

Mãi đến khi mặt trời xuống núi, Hành Giả mới vất vả vác về chùa một bao đầy hoa quả.

Thiền Sư nói với Hành Giả:

"Bây giờ thì ông có thể bắt đầu ăn được rồi".

Hành Giả vội vàng chộp lấy hai quả táo to rồi nhai ngấu nhai nghiến. Hành giả ăn hết hai quả táo to chỉ trong chốc lát, khiến bụng no chướng tới mức không thể ăn những thứ khác được nữa.

Thiền Sư hỏi:

"Giờ ông còn đói khát nữa không?"

Hành Giả đưa tay sờ vào cái bụng no chướng của mình rồi đáp:

"Không, giờ tôi không thể ăn được gì nữa".

Thiền Sư hỏi lại:

"Vậy ông tốn công tồn sức vác một đống hoa quả về nhưng lại không ăn đến thì có tác dụng gì?"

Hành Giả đột nhiên ngộ ra dụng ý của Thiền Sư: Nuông chiều dục vọng một cách thái quá đối với chúng ta mà nói là một gánh nặng dư thừa. 

Hủy hoại con người không phải là nỗi đau căm hận mà là phóng túng, nuông chiều dục vọng. Phóng túng dục vọng, cuối cùng sẽ bị dục vọng thôn tính.

Nếu không muốn trở thành nô lệ của dục vọng, chúng ta phải luôn nhắc nhở bản thân tiết chế. Không phải chỉ có nuông chiều dục vọng mới được thực sự mãn nguyện.

Nhà văn đương đại Trung Quốc Phùng Ký Tài từng nói: "Cuộc sống không bao giờ đối xử tệ với bất cứ ai, nó luôn cho bạn nếm chút mật ngọt nhất vào những lúc bạn cay đắng đau khổ nhất".

Cứ mãi phóng túng, thỏa mãn dục vọng cá nhân, cuộc sống trước mắt có thể trơn trư như mật nhưng thực ra sẽ khiến chúng ta có thói quen tham lam vô độ, những người như vậy, dĩ nhiên không thể có phúc.

Vì vậy, hãy tiết chế dục vọng để bắt đầu tu tạo phúc báo.

02

Người lương thiện thái quá

Cổ nhân thường răn dạy chúng ta rằng: "Một điều nhịn là chín điều lành", thiệt thòi là phúc. Nhưng chúng ta lại thường bỏ qua một chân tướng sự thật tàn khốc: Lương thiện một cách thái quá, cũng là một tội ác.

Lã Khôn trong "Thân Ngâm Ngữ" có viết: "Khuyên người hướng thiện, cũng phải xem người đó như thế nào. Nếu người đó có thể khuyên bảo được, hãy khuyên bảo bằng những lời thiện. Trong quá trình khuyên bảo cũng nên chú ý sử dụng biện pháp phù hợp".

Ngay cả việc khuyên bảo người hướng thiện cũng phải xem người đó là người như thế nào.

Lương thiện bất chấp đối tượng, không có giới hạn như các Đông Quách Tiên Sinh hay Người nông dân trong truyện "Đông Quách tiên sinh và Sói", "Người nông dân và Rắn" là tự rước họa vào thân, là tự mình hại mình, là vô phúc.

Dirk Stroeve trong cuốn sách "Mặt trăng và đồng 6 xu" chính là một người quá đỗi chất phác và lương thiện.

Chủ động giúp đỡ Charles Strickland cả về cuộc sống lẫn công việc khi Charles khốn khó. Thậm chí bất chấp sự phản đối của vợ, Stroeve một mực đưa Charles về nhà chăm sóc chu đáo khi Charles nguy kịch. 

sự lương thiện của Stroeve không hề được báo đáp một cách xứng đáng.

Sau khi mọi thứ đã ổn thỏa, Charles như "tu hú sẵn tổ", chiếm luôn phòng tranh và cướp luôn vợ của Stroeve.

Thế nhưng Stroeve dù nhà tan cửa nát nhưng vẫn không vì thế mà căm hận Charles. Thậm chí, vì không nhẫn tâm để vợ mình lưu lạc cùng đối phương, còn nhường lại cả nhà cho họ.

Lương thiện không giới hạn khiến người khác cảm thấy nực cười, hành động của Stroeve sánh ngang với hai từ "nhu nhược".

Stroeve bỏ qua cái ác để mặc người khác giẫm đạp, vùi dập lòng tự trọng của mình, có khác gì so với người nông dân bị rắn cắn chết?

Lương thiện mà đánh mất răng cưa là yếu đuối, nhu nhược. Dung túng kẻ ác, nhẫn nhịn quá chỉ khiến mình thiệt thân.

Lương thiện mà không có chừng mực, chỉ khiến đối phương được đằng chân lân đằng đầu; Khoan dung không có nguyên tắc, chỉ khiến đối phương hoành hành ngang ngược. 

Đẳng cấp của sự lương thiện là khi xử lý bất cứ việc gì cũng đều xem xét một cách kỹ lưỡng.

Thời Xuân Thu, nước Lỗ có một mục quy định như sau:

Nếu gặp người nước Lỗ bị làm nô lệ ở nước khác đều có thể bỏ tiền ra chuộc, sau đó đưa họ về nước rồi báo với quốc khố để được hoàn tiền.

Môn sinh của Khổng Tử là Tử Cống, gặp người nước Lỗ làm nô lệ bên ngoài, liền dùng tiền của mình chuộc về, nhưng không báo quốc khố để lấy lại tiền.

Nhiều người thấy vậy, đều ra sức ca ngợi hành động lương thiện cao thượng của Tử Cống.

Thế nhưng Khổng Tử lại thẳng thắn chỉ trích hành động của Tử Cống là "lương thiện thái quá". Làm như vậy, chỉ khiến càng nhiều nô lệ không thể được chuộc về hơn.

Khổng Tử nói:

"Sau này khi người khác thấy người nước Lỗ làm nô lệ, sẽ nghĩ rằng: Mình cứu họ, rồi báo với quốc khố hoàn tiền, chứng tỏ mình không có phẩm hạnh cao thượng như Tử Cống. 

Nhưng nếu không báo quốc khố hoàn tiền, lại không thể gồng gánh được khoản tiền đó, nên thà không chuộc còn hơn".

Cách nhìn nhận sự việc của Khổng Tử xa hơn, rộng hơn. Ông chỉ rõ: lương thiện thái quá không chỉ gây bất tiện cho bản thân, thậm chí còn làm tổn thương người khác.

Lương thiện cũng cần phải nhìn xa trông rộng. Lương thiện mà không có hạn độ là hẹp hòi. Việc thiện mà không qua suy nghĩ có thể sẽ là việc ác.

Khoan dung một cách vô hạn là nhu nhược, lương thiện một cách thái quá là ngu xuẩn. Là vô phúc chứ không phải có phúc. Hành thiện một cách đúng đắn và phù hợp mới có thể tích lũy được phúc báo thực sự.

03

Người tự tin, cao ngạo một cách mù quáng

Tự tin là ngọn hải đăng giúp soi đường chỉ lối. Nhưng tự tin thái quá lại là miếng vải che mắt, dễ khiến con người ta mê muội.

Thời Chiến Quốc có Tần Vũ Vương từ nhỏ thân hình vạm vỡ, cường tráng. Luôn cho rằng bản thân có sức mạnh hơn người, nên thường so tài sức mạnh với những lực sĩ như Nhâm Bỉ, Ô Hoạch bên cạnh mình.

Năm 307 trước công nguyên, Tần Vũ Vương đến Lạc Dương bái kiến Chu Vương. Tần Vũ Vương nhìn thấy Cửu Đỉnh tượng trưng cho xã tắc thiên hạ bên trong Thái Miếu phủ Chu Vương.

Tần Vũ Vương cho rằng, bản thân có thần lực, nên muốn nhấc bổng Cửu Đỉnh tượng trưng cho xã tắc thiên hạ kia. 

Nhưng tiếc rằng, vì đánh giá quá cao thực lực của bản thân, Vũ Vương không những không nâng nổi Cửu Đỉnh còn bị rơi trúng đôi chân. 

Sau đó vì vết thương quá nặng nên qua đời, khép lại cuộc đời ngắn ngủi chỉ vì tự đánh giá quá cao bản thân.

Tự tin một cách mù quáng giống như một chén rượu độc, nếm thử thì ngon nhưng thực ra là tế mạng.

Con người ta sở dĩ hay lầm đường lạc lối không phải là do vô tri mà là do tự tin thái quá. Khiêm tốn thì người phục, khoa trương thì bại sự.

Vũ trụ vô tận vô cùng, học, học nữa, học mãi. Tự tin vừa phải, nhìn nhận rõ bản thân mới có thể vượt hết núi này sang núi nọ.

 

Đánh giá quá cao bản thân là tự phụ.

Người tự phụ tầm nhìn hạn hẹp, không chịu học hỏi điểm mạnh của người khác;

Người tự phụ thiếu sự linh hoạt, dễ bảo thủ, giậm chân tại chỗ;

Người tự phụ không thấu tình thế, khó lòng nhìn rõ hoàn cảnh của chính mình.

Khiêm tốn làm việc, tỉnh táo làm người mới là có phúc.

Phúc báo lớn nhất của đời người đó là mọi thứ vừa phải: không phóng túng dục vọng, không lương thiện quá đà, không nảy sinh kiêu ngạo.

Làm việc mà không có giới hạn, dù hiện tại có vẻ vang đến mấy, nhưng cuối cùng cũng có ngày xa chân vực thẳm. Làm người phải học cách tiết chế, làm việc phải có khấc độ, như vậy mới phúc báo đầy nhà.

Link gốc: http://ttvn.toquoc.vn/3-kieu-nguoi-trong-co-ve-phuc-thien-menh-dai-nhung-thuc-te-cuc-ky-vo-phuc-52020266133137865.htm

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU