Thấu hiểu
Chị họ tôi chia tay với chồng chẳng phải vì đã hết tình cảm mà đơn giản chỉ vì không thực sự hiểu nhau. Vì thiếu sự thấu hiểu nên mâu thuẫn cứ thế nảy sinh. Ban đầu là mâu thuẫn nhỏ, rồi đến mâu thuẫn lớn hơn, lớn mãi đến mức không thể vượt qua.
Tần suất các cuộc xung đột cứ thế ngày một gia tăng - như một gánh nặng buồn phiền, mệt mỏi. Kéo theo đó là một hệ lụy chán nản, không muốn nói chuyện, không muốn bên nhau và bất lực nhìn nhau rời xa dẫu có thể có những gắn kết về nhiều phương diện như con cái, có cùng tài sản ở công ty với chồng.
Khi chưa kết hôn, chỉ cần sự rung động, chỉ cần xúc cảm mà chị không cần hiểu nhiều về chồng song lực hấp dẫn không thể chối từ. Như một trò chơi “trốn tìm”, mơ mơ hồ hồ, hư hư thực thực, khiến cho chị muốn khám phá, muốn đi đến tận cùng cảm xúc. Thứ tình cảm ấy rất lãng mạn, rất đẹp, rất lung linh. Khi đã đi qua miền “say nắng” chuyển sang vùng miền mới, cuộc sống hôn nhân trần tục hơn, lúc này chị không hiểu anh, anh không hiểu chị nên đã xảy ra những ngờ vực, nghi ngờ, rồi bất mãn.
Hai người không hiểu nhau nên không thấu về tâm tư, nguyện vọng, ước muốn cũng như hiểu về điều căm ghét, nỗi buồn đau, điều chán nản… của đối phương. Để từ đó không biết cảm thông và không bao dung cho nhau. Hôn nhân có sự ràng buộc với nhau về mặt trách nhiệm nhưng không thể là quyền năng để vượt qua mọi sóng gió, chông gai, thử thách.
Khi hôn nhân gặp trắc trở, lạc lối, chệch hướng, lúc này sự thấu hiểu lên ngôi, mà nếu thiếu vắng nó, cuộc hôn nhân khó thể bước tiếp. Bởi có hiểu mới có cảm thông. Từ cảm thông mới có thương. Từ thương mới có bao dung. Từ bao dung mới có thể tồn tại.
Học cách tha thứ
Không phải lỗi lầm nào cũng có thể tha thứ nhưng nếu lỗi lầm đó mà bản thân nhận thấy không quá gây tổn hại đến cuộc hôn thì có nghĩa, lỗi lầm ấy nên tha thứ.
Một trong những món quà tốt nhất trong bất kỳ mối quan hệ nào là khả năng bỏ qua cho người bạn đời của mình những lỗi lầm hay vi phạm thông thường. Chồng tôi có cách nói không mấy nhẹ nhàng mỗi khi có chuyện bực mình ở đâu đó rồi mang về nhà. Anh ấy từng có lúc làm tôi buồn chuyện chia sẻ tình cảm. Nhưng sau đó, nhận ra sai lầm và thực sự có thiện chí mong tôi thứ tha.
Nếu tôi cứ khăng khăng không tha thứ, cứ cho rằng chuyện ấy là to tát, là tày đình, là không đội trời chung, là lỗi của một mình anh ấy thì làm sao tôi nhìn ra những điểm tốt khác trong con người anh. Làm sao tôi nhìn thấy được anh là người trụ cột trách nhiệm, là người cha tốt, là người con hiếu thảo mà các con tôi sau này nhìn thế mà noi theo. Và nếu cứ khăng khăng anh xấu xa nên tôi không cần phải nhìn nhận lại bản thân thì có nghĩa, hoặc là chia tay hoặc là sống trong dằn vặt.
Chia tay thì dễ nhưng chắc gì mọi việc sẽ tốt đẹp hơn. Cảm giác dằn vặt chính là cảm giác tiêu cực bởi sự phẫn nộ vây quanh, điều này dẫn đến thiệt hại về mặt tình cảm về lâu về dài. Không thể kiểm soát những gì xảy ra với ta nhưng có thể học cách kiểm soát phản ứng của bản thân trước mọi chuyện.
Tha thứ chính là tôi học cách tự chữa lành vết thương khi nó rỉ máu. Tha thứ đồng nghĩa với dũng cảm vì phải nỗ lực rất nhiều nhưng tha thứ cũng có nghĩa là tôi không bỏ cuộc. Không bỏ cuộc có nghĩa là đã nắm chắc phần thắng, tự tin về bản thân. Trong một đời người có vô số nỗi đau và chuyện này cũng không phải là tận thế. Tha thứ là tôi đủ bản lĩnh để vượt qua nỗi đau khác còn lớn hơn thế trong cuộc đời.
Link gốc: https://giaoducthoidai.vn/3-quy-tac-vang-can-thiet-cho-cuoc-hon-nhan-vien-man-post602381.html
Theo ttvn.vn