Tình huống thứ nhất: Thích chơi những trò nguy hiểm
Trẻ em không nhận thức được rõ ràng về sự nguy hiểm. Dù cha mẹ đã nhiều lần cảnh báo nhưng con vẫn muốn thử khám phá rồi nghịch lửa, nghịch điện,… Nếu lúc này cha mẹ chỉ nhắc nhở qua loa, rất có thể con không chú ý và gây họa.
Khi nhận thấy bé có những sở thích này, trước tiên bạn phải giải thích rõ ràng về mối nguy hiểm và có biện pháp kỷ luật cứng rắn. Đồng thời, cần hướng dẫn cụ thể cho trẻ biết phải làm gì khi bị tai nạn thương tích do các trò chơi nguy hiểm gây nên: Gọi mọi người đến giúp đỡ, cho uống nước, động viên, an ủi nạn nhân.
Tình huống thứ hai: Ăn cắp đồ hoặc có thói quen nói dối
Nếu bạn không muốn khiến con cảm thấy mình là người xấu thì khi con lỡ tay lấy một thứ gì đó không phải của mình, đừng dán nhãn hành động đó là ăn trộm. Thay vào đó, hãy nói rõ rằng việc lấy thứ gì đó mà không hỏi là sai. Đồng thời, sau khi khiển trách nghiêm khắc, nên hỏi con: "Con nên làm gì lần sau?", để trẻ ý thức hành vi.
Một điều quan trọng nữa là cha mẹ không được cho phép con mình giữ lại những gì chúng đã lấy, tức là chúng không bao giờ được hưởng lợi dưới bất kỳ hình thức nào từ việc lấy trộm của người khác. Trong trường hợp trẻ lấy đồ từ cửa hàng, nên nghiêm khắc yêu cầu trẻ mang món đồ đó trả lại cho cửa hàng, thay vì phạt chúng bằng cách cấm chúng xem TV, iPad, và vẫn cho chúng giữ món đồ đó. Điều quan trọng là để trẻ trực tiếp đối diện với vấn đề chúng gây ra và tìm cách xử lý nó thay vì trốn tránh.
Có thể cho trẻ thấy hậu quả nếu ba mẹ phát hiện chuyện này một lần nữa, đồng thời nhấn mạnh rằng ba mẹ tin con sẽ không tái phạm. Sau đó nên khen, động viên trẻ khi chúng thực hiện được những yêu cầu của mình.
Tình huống thứ ba: Cố ý tạo ra rắc rối nào đó
Có những đứa trẻ luôn cố tình gây rắc rối khi ra ngoài. Trên thực tế, nếu ở nhà bố mẹ luôn chiều chuộng con thì bên ngoài sẽ có người giúp bạn giáo dục con. Vì vậy, khi con có thói quen cư xử xấu, cha mẹ nên dạy dỗ nghiêm khắc.
Tuy nhiên, trước khi thực hiện bất cứ biện pháp can thiệp nào, điều quan trọng phải tìm hiểu kỹ lý do tại sao. Rất nhiều trẻ nghịch ngợm, hiếu động chỉ là vì không được cha mẹ quan tâm, chăm sóc, gần gũi hoặc cảm thấy mình bị đánh giá thấp. Do vậy, bạn nên chú ý cách con phản ứng với mọi tình huống để hiểu rõ nguyên nhân gốc rễ, từ đó đưa ra các biện pháp uốn nắn phù hợp.
Với mọi hành vi nghịch ngợm quá mức của trẻ, bạn nên đưa ra những hậu quả thật cụ thể, đồng thời áp dụng ngay để trẻ tự sửa chữa và dần thay đổi tốt hơn. Điều quan trọng nhất là cha mẹ hãy trở thành những người bạn để trẻ tâm sự, trò chuyện, từ đó có thể hiểu rõ tâm lý, tính cách và những khó khăn trẻ gặp phải, đồng thời đưa ra những lời khuyên hữu ích giúp con xử lý với mọi tình huống trong cuộc sống.