4 cách giúp con hiểu thất bại là một phần của trưởng thành

(lamchame.vn) - Thất bại không chỉ là điều bình thường mà còn là bài học cần thiết cho sự trưởng thành và trải nghiệm.

Chia sẻ kinh nghiệm cá nhân về thất bại và khả năng phục hồi có thể là một cách hiệu quả để dạy cho trẻ những bài học quan trọng trong cuộc sống. (Ảnh: ITN).

Để học hỏi nhiều hơn, chúng ta cần phải thất bại. Trong một thế giới thường tôn vinh thành công và thành tích, trẻ em có thể dễ dàng hình thành nỗi sợ thất bại. Sự thật là nhiều người trong chúng ta thường xuyên bị nỗi sợ hãi này kìm hãm ngay cả khi đã trưởng thành.

Nhà phát minh nổi tiếng nhất thế kỷ 20, Thomas Edison từng nói: “Tôi chưa thất bại. Tôi tìm ra 10.000 cách mà chúng không có tác dụng”.

Là cha mẹ, chúng ta phải giúp trẻ hiểu rằng mọi nỗ lực đều mang lại một bài học. Nhận thức thất bại theo cách này là cách chúng ta cho trẻ cơ hội học hỏi từ những thất bại, xem xét tình hình, thích nghi và cải thiện để thành công.

Tạo môi trường an toàn và đồng cảm khi thất bại

Tạo ra một môi trường học tập an toàn và hỗ trợ là rất quan trọng để trẻ chấp nhận thất bại. Là cha mẹ, vai trò của bạn rất quan trọng trong việc khuyến khích con chấp nhận rủi ro và phạm sai lầm mà không sợ hãi.

Đưa ra lời khen ngợi và khuyến khích không chỉ cho sự thành công mà còn cho nỗ lực. Khi trẻ đối mặt với thất bại, chúng phản ứng tốt nhất bằng những cử chỉ và cuộc trò chuyện đồng cảm.

Thay vì gạt bỏ cảm xúc của con bằng những cụm từ như “Không sao đâu, lần sau con sẽ làm tốt hơn”, hãy đồng cảm với nỗi đau khổ của con. Thừa nhận sự thất vọng của con và bày tỏ sự thông cảm, chẳng hạn như “Bố/mẹ thấy rằng con đang thất vọng vì điều này, nhưng bố/mẹ cũng biết lần tới con sẽ làm tốt hơn”.

Chia sẻ câu chuyện về thất bại của chính bạn

Không học cách chịu đựng thất bại khiến trẻ dễ bị lo lắng. (Ảnh: ITN).

Chia sẻ kinh nghiệm cá nhân về thất bại và khả năng phục hồi có thể là một cách hiệu quả để dạy cho trẻ những bài học quan trọng trong cuộc sống.

Kể cho con nghe về thời điểm bạn gặp phải thất bại và cách bạn xử lý nó. Hãy thành thật về những thử thách bạn gặp phải và những cảm xúc bạn trải qua.

Quan trọng nhất, hãy chia sẻ những gì bạn học được từ trải nghiệm đó và cuối cùng nó đã khiến bạn mạnh mẽ hơn như thế nào.

Nếu bạn không có câu chuyện cá nhân nào liên quan trực tiếp đến hoàn cảnh của con, hãy tìm một câu chuyện có liên quan và xác thực. Tất cả chúng ta đều đã từng nghe những câu chuyện về sự thất bại, chẳng hạn Einstein bị giáo viên xếp vào loại “chậm phát triển trí tuệ” hay Walt Disney bị sa thải khỏi một trong những công việc đầu tiên của ông do “thiếu tính sáng tạo”.

Hãy kể cho con nghe những câu chuyện này để con dám mạo hiểm, thất bại lần nữa, thử lại và phát huy hết tiềm năng của mình. Nhiều giáo viên giỏi sử dụng cách kể chuyện để truyền cảm hứng và dạy dỗ học trò, và bạn cũng có thể làm điều tương tự với con mình.

Giúp con xây dựng khả năng chịu đựng sự thất vọng

Giúp con học cách đối mặt với sự thất vọng thực sự quan trọng, đặc biệt là khi mọi thứ không diễn ra như ý muốn.

Theo Tiến sĩ Mintzer, nhà tâm lý học lâm sàng tại Viện Tâm trí Trẻ em (Hoa Kỳ), việc tăng cường khả năng giữ vững tinh thần trong những lúc căng thẳng, còn được gọi là khả năng chịu đựng sự thất vọng, là cách chúng ta học cách chấp nhận những tình huống bất ngờ như thất bại.

Không học cách chịu đựng thất bại khiến trẻ dễ bị lo lắng. Nó dẫn đến sự suy sụp khi rủi ro không thể tránh khỏi xảy ra, cho dù nó xảy ra ở trường mầm non hay đại học.

Chúng ta phải cân bằng việc chấp nhận thất bại với sức mạnh và lòng can đảm nhằm thực hiện những thay đổi cần thiết để thành công trong lần thử lại tiếp theo.

Nhiều người trong chúng ta liên tục bị kìm hãm bởi nỗi sợ thất bại. Khả năng chịu đựng sự thất vọng là khả năng đương đầu với những thời điểm khó khăn và không bỏ cuộc, ngay cả khi chúng ta đối mặt với thất bại. Vì vậy, khi con tiếp tục cố gắng, ngay cả khi cảm thấy thất vọng, con bắt đầu xây dựng được sự tự tin.

Con học được rằng vấp ngã cũng không sao vì mỗi thất bại đều là cơ hội để học hỏi và trưởng thành. Đó là cách con trở nên kiên cường và không thể ngăn cản, bất kể cuộc sống thử thách con ra sao.

Dạy con nắm bắt hành trình của riêng mình

Ngay từ khi 2 tuổi, trẻ đã bắt đầu ý thức được ý kiến của người khác, đôi khi sợ hãi sự phán xét của thầy cô, bạn bè và thậm chí cả cha mẹ. Nỗi sợ hãi về những gì người khác nghĩ có thể cản trở con chấp nhận rủi ro và đưa ra những quyết định đúng đắn với bản thân.

Nhưng bằng cách hướng dẫn con đón nhận hành trình của riêng mình, bạn sẽ mang lại cho con sự tự tin để vượt qua nỗi sợ hãi này.

Bạn dạy con rằng trong cuộc sống, thành công thường đòi hỏi phải đưa ra những lựa chọn mà người khác có thể không hiểu, và điều đó không sao cả. Bằng cách tập trung vào con đường của riêng mình và sống thật với chính mình, con sẽ học được rằng thất bại chỉ là bước đệm trên con đường dẫn đến thành công.

Theo gtscholars.org

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU