5 lầm tưởng về nữ quyền: Không cần lấy chồng? Không thích vào bếp? Phải mạnh mẽ hơn đàn ông?

Vẫn còn nhiều tranh luận được nổ ra mỗi ngày để đưa chúng ta đến gần hơn với sự tôn trọng cho không chỉ phụ nữ, mà còn cả đàn ông. 5 câu hỏi dưới đây luôn trở thành đề tài nóng trong mọi cuộc tranh luận về nữ quyền, bởi lẽ nó chỉ ra 5 lầm tưởng khá sai của chúng ta về nữ quyền hiện đại.

Khi nhà văn Trác Thúy Miêu nói: "Để yên cho tôi làm đàn bà" và bày tỏ quan điểm "đàn bà không biết làm bếp, kể cũng dở", cô nhận được sự phản đối kịch liệt từ cư dân mạng. Bỗng nhiên, một cuộc tranh luận nữ quyền lại được diễn ra. "Nấu ăn hay không nấu ăn?", "Làm việc nhà hay... không làm việc nhà?". Bỗng nhiên mới thấy, vẫn còn nhiều lầm tưởng và suy nghĩ không đúng về góc nhìn của nữ quyền, mà phần nhiều trong đó nhìn về nữ quyền với con mắt tiêu cực.

Nữ quyền luôn là một chủ đề rộng lớn và rất nhiều kiến thức, rất nhiều câu chuyện để bạn tìm hiểu cho đến khi thật sự nắm rõ. Vẫn còn nhiều tranh luận được nổ ra mỗi ngày để đưa chúng ta đến gần hơn với sự tôn trọng cho không chỉ phụ nữ, mà còn cả đàn ông. 5 câu hỏi dưới đây luôn trở thành đề tài nóng trong mọi cuộc tranh luận về nữ quyền, bởi lẽ nó chỉ ra 5 lầm tưởng khá sai của chúng ta về nữ quyền hiện đại.

1. Nữ quyền là phụ nữ không cần vào bếp?

Có rất nhiều cách diễn giải xoay quanh việc làm sao có thể đạt được quyền cho phụ nữ cũng như nữ quyền ở các thời kỳ khác nhau như thế nào. Tuy nhiên, không có phong trào nữ quyền nào đề cập tới việc “phụ nữ không cần vào bếp”.

Không phải tự nhiên mà căn bếp trở thành một biểu tượng của những rào cản, vô hình và hữu hình, khiến nhiều phụ nữ bị trói buộc trong những định kiến và khuôn mẫu giới. Hình ảnh những người vợ, người mẹ, người bà luôn đầu tắt mặt tối trong gian bếp, nấu đủ 3 bữa cơm một ngày, làm mâm cỗ cả chục món hay nai lưng ra rửa bát luôn là một hình ảnh quen thuộc gắn bó với bất cứ ai trong chúng ta. Nấu một mâm cơm ngon, thậm chí, cũng là một tiêu chuẩn để đánh giá sự thành công của người phụ nữ.

Thế nên, không có gì lạ khi những phụ nữ không yêu bếp cho lắm mạnh mẽ cất tiếng nói rằng ta không cần vào bếp để thể hiện mình là một người phụ nữ. Thông điệp này được lan tỏa để cổ vũ tinh thần phụ nữ tìm kiếm niềm hạnh phúc và sự thành công của mình trong cuộc sống của riêng họ. Nhưng nếu niềm hạnh phúc và sự thành công của ai đó là việc nấu nướng và chăm sóc gia đình, điều đó vẫn hoàn toàn tuyệt vời.

Căn bếp không có tội và phụ nữ làm bếp là một điều bình thường. Với nhiều phụ nữ, được vào bếp là điều họ mong muốn - không có nhà nữ quyền nào xông vào bếp để lôi họ ra để kêu gọi bình đẳng giới. Vào bếp hay không vào bếp không phải vấn đề; điều quan trọng là phụ nữ có quyền lựa chọn hay không. Họ có thể lựa chọn khoác lên chiếc tạp dề hay tháo chiếc tạp dề để bước ra ngoài và làm những công việc khác, thoát khỏi các trách nhiệm mang tính áp đặt đã in hằn trong tâm trí của họ suốt nhiều năm.

2. Nữ quyền là phụ nữ phải theo đuổi sự nghiệp?

Nữ quyền là phụ nữ theo đuổi sự nghiệp - điều này đúng nhưng có những điểm đáng bàn.

Thứ nhất, nó giống như vấn đề căn bếp, điều quan trọng là phụ nữ có quyền lựa chọn của cá nhân. Một bộ phận nam giới thường nói rằng không ai tước đoạt cơ hội làm việc của phụ nữ nhưng trên thực tế, những bất công như chênh lệch lương giữa nam giới và nữ giới ở cùng một công việc, phụ nữ là đối tượng thường xuyên bị xâm hại tình dục hơn nam giới, tỷ lệ thất nghiệp cao ở phụ nữ trước các biến cố xã hội (nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong giai đoạn Covid-19, phụ nữ Mỹ bị sa thải nhiều hơn nam giới)... là các rào cản ngăn phụ nữ theo đuổi sự nghiệp, chưa kể tới các diễn ngôn ăn sâu trong suy nghĩ của đa phần mọi người về vai trò phụ nữ như đảm việc nhà, thiên chức làm vợ của phụ nữ…

Thứ hai, nữ quyền hiện đại không nhấn mạnh việc phụ nữ “phải theo đuổi sự nghiệp như đàn ông”. Nam giới không đóng vai trò hạt nhân trong các mục tiêu của nữ giới. Phụ nữ theo đuổi sự nghiệp theo cách riêng của mình, vì đam mê của bản thân, không phải vì nam giới làm được nên nữ giới cũng làm được. Cách nhìn nhận như vậy vẫn đặt nam giới ở “trung tâm của vũ trụ” và không giải quyết được vấn đề bình đẳng.

3. Nữ quyền là phụ nữ phải mạnh mẽ hơn đàn ông?

Khái niệm mạnh hơn hay yếu hơn thường đi cùng với các quan điểm xã hội về nam tính - nữ tính. Cần nhớ rằng, nam tính và nữ tính là những khái niệm được tạo dựng bởi sự phát triển xã hội và do con người quy định trong suốt hàng thế kỷ qua. Tranh luận chính không nằm ở việc phụ nữ phải mạnh hơn đàn ông hay phụ nữ yếu hơn đàn ông; điều quan trọng là giải thoát cho cả phụ nữ và nam giới khỏi những khuôn mẫu mạnh - yếu.

Phụ nữ có thể mạnh hơn đàn ông nhưng đó là câu chuyện cụ thể của mỗi cặp đôi. Đàn ông cũng được trao quyền yếu đuối, có thể khóc khi buồn và có thể kiếm tiền ít hơn vợ của mình mà không cảm thấy hổ thẹn.

Giải phóng phụ nữ khỏi những khuôn mẫu giới cũng là cách để nam giới thoát khỏi những áp lực được đè nặng lên họ trong hàng thế kỷ qua.

4. Nữ quyền là không cần lấy chồng?

Những khái niệm đánh lận con đen về nữ quyền là gì rất phổ biến, bao gồm cả việc cho rằng nữ quyền là phải không mặc bra hay không lấy chồng. Nhiều người cho rằng trong quá trình phát triển của phong trào nữ quyền, việc phổ cập hóa quá nữ quyền có thể dẫn tới tiêu cực hóa - đôi khi đồng hóa từ “nữ quyền” với các trào lưu, xu hướng của giới trẻ. Không kết hôn là một xu hướng của giới trẻ được truyền thông nhắc tới trong nhiều năm gần đây nhưng không thể đánh đồng những phụ nữ không lấy chồng là các nhà nữ quyền hay theo phong trào nữ quyền.

5. Nữ quyền là … không nữ tính?

Phe phản đối nữ quyền thường phác họa lên một hình ảnh thế hệ phụ nữ mạnh mẽ, "ăn sóng nói gió" với vẻ ngoài "nam tính" - những người phụ nữ "không biết làm phụ nữ nên mới hay đả kích nam giới". Không phải ngẫu nhiên phe phản đối dựng ra hình tượng này vì có những người phụ nữ như vậy. Tuy nhiên, kiểu tư duy lấy một hiện tượng để vẽ ra chân dung cả một thế hệ là một lỗi lập luận sai lầm.

Các nhà nữ quyền không nằm trong một khuôn mẫu nào về nam tính hay nữ tính. Tư tưởng nhị nguyên nam tính - nữ tính là vấn đề thú vị đáng bàn trong câu chuyện vẻ ngoài khi những người phụ nữ “lệch chuẩn” ngoại hình nữ giới là bị quy chụp ngay là có một vẻ ngoài nam tính.

Trên thực tế, như đã nói ở trên, nam tính và nữ tính là khái niệm do chúng ta tự quy định và rõ ràng, nếu tồn tại, từ nữ tính đến nam tính là một dải chứ không chỉ là hai đầu để có thể dễ dàng gắn nhãn ai đó. Nếu tóc dài là nữ tính, đầu cua là nam tính thì tóc ngắn ngang vai sẽ gọi là gì? Vấn đề nữ tính - nam tính không chỉ thấy ở các tranh luận về nữ quyền mà trong hầu hết tranh luận về khuôn mẫu giới, chúng ta đều có thể thấy điều này.

Và nhấn mạnh lại, nữ quyền không liên quan gì tới nam tính hay nữ tính.

Link gốc: https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/5-lam-tuong-ve-nu-quyen-khong-can-lay-chong-khong-thich-vao-bep-phai-manh-me-hon-dan-ong-162210703080018366.htm

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU