Có thể phân chia mỡ thừa ra làm 2 loại là mỡ thừa tích tụ dưới da và mỡ nội tạng.
Mỡ dưới da là các mô mỡ nằm ngay dưới bề mặt da, chúng không hẳn là xấu. Ngược lại, cơ thể cần lớp mỡ này để giữ thân nhiệt và bảo vệ mạch máu, dây thần kinh ở dưới da.
Mỡ nội tạng là lượng mỡ tích trữ trong khoang bụng, nằm giữa tuyến tụy, gan, thận, ruột và một số cơ quan nội tạng khác. Mỡ nội tạng bao bọc và có chức năng bảo vệ cơ quan nội tạng.
Tuy nhiên, mỡ nội tạng khi tích tụ quá nhiều sẽ khiến vòng bụng tăng, chèn ép lên cột sống và các khớp, lâu ngày sẽ gây ra đau lưng, thấp khớp, khiến cho việc vận động, đi lại trở nên ì ạch, khó khăn. Quá nhiều mỡ nội tạng còn làm tăng nguy cơ bị tiểu đường loại 2, xơ vữa động mạch, đau tim, đột quỵ, gan nhiễm mỡ không do rượu và nhiều loại ung thư.
Nguy hiểm hơn, mỡ nội tạng còn là kho chứa độc tố, và chúng có khả năng giải phóng độc tố tấn công cơ thể, gây rối loạn chuyển hóa. Khi bị rối loạn, những độc tố này còn ra lệnh tích trữ nhiều mỡ nội tạng hơn. Vòng luẩn quẩn này sẽ khiến cho tình trạng sức khỏe ngày càng trở nên xấu đi.
Chế độ ăn uống và lối sống sẽ quyết định lượng mỡ nội tạng tích tụ ít hay nhiều. Ảnh minh họa.
Có nhiều nguyên nhân gây ra mỡ nội tạng như rối loạn hormon, căng thẳng, di truyền, nhưng nguyên nhân lớn nhất vẫn là chế độ ăn uống và lối sống. Để tránh tích tụ mỡ nội tạng quá nhiều, mọi người cần tránh những thói quen sau:
Ăn nhiều chất béo chuyển hóa
Chất béo là nhóm chất quan trọng, có vai trò dự trữ, cung cấp năng lượng cho cơ bắp và các hoạt động sống. Điều đó không đồng nghĩa chúng ta nên ăn mọi loại chất béo.
Chất béo chuyển hóa là loại không lành mạnh nhất, dẫn tới béo bụng, gây tăng cân. Ngoài ra, nó cũng có thể khiến bạn mắc một số bệnh nền như tim mạch, tiểu đường, ung thư…
Để hạn chế tích tụ mỡ nội tạng, bạn cần cắt giảm các loại thực phẩm có hàm lượng chất béo chuyển hóa cao (đồ chế biến sẵn, đóng hộp, nướng, chiên, bơ thực vật, thức ăn nhanh, pizza, bánh ngọt, bánh nướng…), nên ăn ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ; rau củ quả.
Trong quá trình chế biến chất béo, chúng ta cũng cần lưu ý đun, nấu ở nhiệt độ không quá 102 độ C, lipit (dầu, mỡ) không có biến đổi đáng kể ngoài hóa lỏng. Khi đun lâu ở nhiệt độ cao, các axit béo không no sẽ bị oxy hóa làm mất tác dụng có ích với cơ thể, đồng thời các liên kết kép trong cấu trúc của chúng nhanh chóng bị bẻ gãy tạo thành các sản phẩm trung gian như là peroxit, aldehyt… có hại đối với cơ thể.
Ăn nhiều đường
Thường xuyên ăn những món có nhiều tinh bột trắng và đường như bánh quy, bánh ngọt, nước ngọt có gas,… sẽ khiến mỡ nội tạng tích lũy rất nhanh.
Khi ăn những món này, cơ thể sẽ cảm thấy dễ chịu và tiết ra các hormon tạo khoái cảm là dopamine và serotonin. Đây là những loại hormon có liên quan đến hành vi gây nghiện, chẳng hạn trong trường hợp này là thèm ăn đường nhiều hơn và kích thích ăn vặt. Nếu ăn ngọt quá nhiều thì lượng đường trong máu sẽ tăng.Gan sẽ chuyển hóa lượng đường dư thừa này thành mỡ, lưu trữ xung quanh các cơ quan nội tạng.
Uống quá nhiều rượu, bia gây mất cân bằng hormon của cơ thể. Hệ quả có thể khiến mỡ nội tạng tích tụ nhiều. Do đó, cắt giảm hoặc tốt nhất là bỏ hẳn rượu, bia sẽ hạn chế tích tụ mỡ nội tạng và giúp nâng cao sức khỏe tổng thể.
Lười vận động
Nạp quá nhiều calo cộng với lười tập luyện thể dục sẽ dẫn đến tích tụ mỡ dưới da và mỡ nội tạng. Trong khi đó nếu tập luyện thường xuyên, đặc biệt là các bài tập cường độ cao thì lượng calo dư thừa sẽ bị đốt cháy giúp chúng ta giữ vóc dáng, hạn chế tích mỡ quanh eo. Ngay cả khi không tập được đều đặn, bạn hãy chạy hoặc đi bộ ngay khi có thời gian.
Ngủ ít
Ngủ ít, thiếu ngủ có thể khiến lượng hormon cortisol của bạn tăng đột biến, tăng cảm giác thèm ăn các loại thực phẩm có hàm lượng calo cao, gây tăng cân, đặc biệt là tăng mỡ bụng. Do đó, mỗi ngày nên ngủ đủ 7-8 tiếng, giữ tinh thần lạc quan, tránh thức khuya.
Link gốc: https://www.nguoiduatin.vn/5-thoi-quen-khien-mo-noi-tang-tang-len-nhanh-chong-a535271.html?fbclid=IwAR30o36CXn09lTXwoFH7cPft7f2qZCfoJ5APW_bbiehqxtR30-2yRdHvc6w
Theo ttvn.vn