Khi nhắc đến các căn bệnh thường gặp ở người cao tuổi, mọi người sẽ nghĩ ngay tới bệnh xơ vữa động mạch, tim mạch vành, tăng huyết áp, tiểu đường, loãng xương. Trong những năm gần đây, những căn bệnh này có xu hướng trẻ hóa, nhiều người trẻ mắc bệnh hơn.
Mọi người thắc mắc rằng, tại sao những căn bệnh của người cao tuổi lại xuất hiện ngày càng nhiều ở người trẻ tuổi? Khi tìm hiểu nguyên nhân, hóa ra nó có liên quan đến những thói xấu này ở người trẻ.
1. Thường xuyên thức khuya
Thức khuya là tình trạng phổ biến của nhiều bạn trẻ hiện nay. Mặc dù mọi người đều biết thức khuya không tốt cho sức khỏe nhưng vì nhiều lý do khác nhau khiến họ khó có thể từ bỏ thói quen này.
Bạn có biết rằng, khi cơ thể cần nghỉ ngơi nhưng vẫn buộc phải thức khuya, một số căn bệnh nguy hiểm sẽ xuất hiện không? Hệ thống nội tiết kiểm soát toàn bộ quá trình trao đổi chất của con người. Nếu hệ thống này mất cân bằng, nó sẽ gây ra nhiều vấn đề cho cơ thể như béo phì, kháng insulin, bệnh tuyến giáp…
Khi thức khuya trong thời gian dài, nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe mạch máu, làm tăng nguy cơ mắc bệnh xơ cứng động mạch và nhiều bệnh tim mạch khác
Nếu thỉnh thoảng thức khuya vài lần sẽ không sao nhưng khi duy trì với tần suất thường xuyên sẽ rất nguy hiểm. Thói quen này sẽ khiến cơ thể mệt mỏi kéo dài, rối loạn chức năng của các cơ quan, dễ bị đột tử hơn.
2. Ăn quá nhiều
Người trẻ thường chủ quan nghĩ mình có sức khỏe tốt, ít khi chú ý đến chế độ ăn uống, chỉ cần đó là món ngon thì họ sẽ ăn nhiều. Thói quen ăn uống không lành mạnh này không chỉ gây hại cho sức khỏe của dạ dày, đường ruột, mà còn khiến đường tiêu hóa lúc nào cũng trong tình trạng quá tải, làm tăng nguy cơ mắc bệnh 3 cao (huyết áp cao, lipid cao, đường huyết cao).
Ăn quá nhiều làm tăng nguy cơ mắc bệnh 3 cao
Khi ăn quá nhiều, đặc biệt là những thực phẩm giàu chất đạm và chất béo, nó thường khó tiêu hóa, các chất dinh dưỡng dư thừa tích tụ lại trong cơ thể, dẫn tới béo phì và hàng loạt các căn bệnh mãn tính khác.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, béo phì sẽ dẫn tới một số căn bệnh liên quan tới tim mạch, tiểu đường, gan nhiễm mỡ, xơ cứng động mạch, viêm túi mật…
Việc tiêu thụ một lượng lớn thức ăn sẽ làm tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa. Trong khi đó, các tế bào biểu mô của niêm mạc dạ dày cần được sửa chữa 2 - 3 ngày 1 lần. Nếu chưa kịp sửa chữa mà bạn tiếp tục nạp thức ăn vào quá nhiều, khiến cho dạ dày luôn trong tình trạng quá tải. Niêm mạc dạ dày không được phục hồi sẽ tiết ra một lượng lớn dịch vị phá hủy niêm mạc, gây ra tình trạng viêm loét.
3. Hút thuốc và uống rượu
Trong thuốc lá có chứa hơn 7.000 chất hóa học khác nhau, trong đó có hàng trăm loại gây hại cho sức khỏe, 70 chất gây ung thư bao gồm chất gây nghiện và độc tố. Khi hít phải những chất độc này vào cơ thể sẽ làm tổn thương trực tiếp lên phổi và hệ hô hấp. Ngoài ra, nó còn tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới mạch máu như xơ vữa động mạch.
Uống rượu làm tổn thương gan nghiêm trọng
Bên cạnh đó, uống rượu làm tổn thương gan nghiêm trọng, khiến máu đặc hơn, dễ dàng dẫn tới các cục máu đông xuất hiện. Không khó để thấy rằng, có nhiều người trẻ bị đột tử mà nguyên nhân của nó là do hút thuốc, uống rượu vô tội vạ.
4. Không vận động, tập thể dục
Có không ít người trẻ có thói quen ngồi lâu một chỗ, đặc biệt nhân viên văn phòng. Đây là một thói quen sống không lành mạnh, dễ sinh ra nhiều bệnh. Việc ngồi lâu làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới béo phì, tổn thương cột sống và thắt lưng, thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm. Hầu hết những căn bệnh này đều xuất hiện ở người cao tuổi.
Việc ngồi lâu làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới béo phì, tổn thương cột sống và thắt lưng
Ngoài ra, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những người ít vận động có nguy cơ mắc ung thư ruột kết, vú, nội mạc tử cung cao hơn. Bạn có biết trong máu của chúng ta có nhiều "rác" không? Nó là chất thải chuyển hóa từ gan, thận, da, phổi và nhiều cơ quan khác. Khi ngồi lâu không vận động sẽ khiến tốc độ máu chảy chậm lại, độ nhớt cao lên, "rác" dễ tích tụ lại trên thành mạch máu, gây ra các bệnh về tim mạch, mạch máu não, nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Nếu ngồi yên một chỗ trong thời gian dài, chân không hoạt động, máu sẽ chảy chậm làm tăng áp lực lên tĩnh mạch ở chi dưới, theo thời gian có thể gây ra giãn tĩnh mạch hoặc huyết khối tĩnh mạch chi dưới.
Nguồn: Daydaynews, Sina, Health
Theo kenh14.vn