5 tin đồn tai hại nhất về vaccine Covid-19 và sự thật bạn cần biết

Dưới đây, một chuyên gia hàng đầu về vaccine tại Mỹ sẽ giải thích chi tiết những tin đồn về vaccine Covid-19 và sự thật bạn cần biết.

Tuần trước, YouTube đã tuyên bố cấm đăng tải những thông tin sai sự thật về vaccine từ mạng xã hội. Twitter và Facebook cũng đã có động thái tương tự. Nhưng nhiều tin đồn sai sự thật về vaccine Covid-19 vẫn tồn tại cho đến nay.

Theo một bài viết trên Fortune, vaccine Covid-19 có hiệu quả cao, giảm nguy cơ nhập viện và tử vong tới 95%. Chúng cũng rất an toàn - các tác dụng phụ nghiêm trọng rất hiếm gặp. Và các chuyên gia vẫn liên tục tuyên bố rằng lợi ích của việc tiêm vaccine vượt trội so với rủi ro.

Mới đây, Fortune đã phỏng vấn Peter Hotez, hiệu trưởng Trường Y học Nhiệt đới Quốc gia, Đại học Y Baylor (Mỹ), đồng giám đốc Trung tâm Phát triển vaccine của Bệnh viện Nhi Texas, về một số tin đồn phổ biến nhất vẫn còn lưu hành về vaccine.

Tin đồn 1: Vaccine mRNA thay đổi ADN

Vaccine Pfizer / BioNTech và vaccine Moderna sử dụng công nghệ mRNA để đưa một đoạn mã virus vào cơ thể nhằm dạy cho hệ thống miễn dịch biết virus SARS-CoV-2 trông như thế nào. Nếu sau đó hệ thống miễn dịch gặp phải virus, nó sẽ sẵn sàng để bảo vệ ngay lập tức nhờ vào các kháng thể chuyên biệt và tế bào T được thiết kế để tấn công virus.

Một lọ vaccine Moderna phòng COVID-19

mRNA trong vaccine được đưa vào một khu vực của tế bào được gọi là tế bào chất. Ở đó, mRNA được biến thành các protein. Chính các protein này kích thích hệ thống miễn dịch bắt đầu hoạt động nếu sau này bạn tiếp xúc với virus. mRNA không thể vượt qua ‘hàng rào’ bên ngoài để vào nhân tế bào, nơi chứa ADN.

"Đây là lý do tại sao chúng ta phải học môn sinh ở trường trung học. Chúng ta học được rằng tế bào có nhân tế bào và tế bào chất, và ADN nằm trong nhân", Hotez giải thích. "mRNA không đi vào nhân", vì vậy nó không thể thay đổi ADN của bạn.

Tin đồn 2: Vaccine ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh sản

Các nhóm anti-vaccine ban đầu lan truyền tin đồn này không phải về vaccine Covid-19 mà là về vaccine HPV, có tác dụng bảo vệ chống lại ung thư cổ tử cung. Một số nghiên cứu lớn đã bác bỏ tuyên bố ban đầu này, cho thấy không có dữ liệu nào ủng hộ nó. Không có lý do gì để tin rằng điều đó là đúng đối với vaccine Covid-19.

Hotez nói: "Họ chỉ sao chép điều này để đưa vaccine Covid-19 vào. Điều đó không đúng với vaccine HPV và cũng không đúng với vaccine Covid-19".

Thật không may, tin đồn này đã khiến nhiều người mang thai không tiêm phòng, mặc dù thực tế là họ có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong do Covid-19 cao hơn đáng kể. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng vaccine an toàn và hiệu quả ở người mang thai cũng như ở người không mang thai.

Đã có những thông tin cho rằng vaccine Covid-19 có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt ngay sau khi phụ nữ tiêm vaccine và Viện Sức khỏe Trẻ em và Phát triển Con người Quốc gia Mỹ hiện đang tài trợ cho nghiên cứu về tác dụng phụ tiềm ẩn này.

Bác sĩ phụ khoa Jen Gunter viết trên blog của mình rằng về mặt lý thuyết, vaccine có thể có tác dụng này bằng cách tác động vào niêm mạc tử cung - một phần của hệ thống miễn dịch, bị bong tróc và đẩy ra ngoài cơ thể trong kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, hiện tại đó chỉ là lý thuyết. Cũng có thể những thay đổi này chỉ là ngẫu nhiên và không liên quan đến vaccine; hoặc căng thẳng do đại dịch và việc tiêm phòng đang ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Đáng chú ý, bệnh Covid-19 đã được chứng minh là có thể thay đổi chu kỳ kinh nguyệt ở khoảng 25% phụ nữ.

Tin đồn 3: Vaccine được sản xuất một cách vội vàng, chúng ta không biết tác dụng phụ lâu dài là gì

Trong khi SARS-CoV-2 tồn tại chưa đầy hai năm, nghiên cứu về vaccine mRNA và coronavirus đã được tiến hành trong nhiều thập kỷ. Nhà khoa học lần đầu tiên đề xuất sử dụng mRNA làm dược phẩm đã bắt đầu nghiên cứu vào năm 1988. Thử nghiệm đầu tiên của vaccine mRNA trên chuột diễn ra vào năm 1993 và thử nghiệm lâm sàng đầu tiên về vaccine mRNA ở người bắt đầu vào năm 2015.

Nhân viên y tế Mỹ chuẩn bị tiêm vaccine.

"Chúng tôi đã có một thập kỷ nghiên cứu và phát triển chương trình vaccine coronavirus", Hotez nói. "…Và sau đó, vào đầu những năm 1960, chúng ta phát hiện ra rằng mRNA có thể trở thành một phân tử có thể tạo ra phản ứng miễn dịch… Đó là sự hội tụ của ít nhất một thập kỷ nghiên cứu".

Đối với vaccine Covid-19, các thử nghiệm lâm sàng đầu tiên bắt đầu vào tháng 3 năm 2020, đến nay đã hơn 18 tháng. Paul Offit, giám đốc Trung tâm Giáo dục Vaccine tại Bệnh viện Nhi Philadelphia (Mỹ), tuyên bố trong nhiều cuộc phỏng vấn rằng trong lịch sử, các tác dụng phụ nghiêm trọng nhất của vaccine đều xảy ra trong sáu tuần đầu tiên sau khi tiêm. Nói cách khác, nguy cơ xuất hiện tác dụng phụ nghiêm trọng sau một năm rưỡi là không có.

Tin đồn 4: Nếu đã mắc Covid-19, bạn không cần vaccine

"Nhiều người nghĩ miễn dịch tự nhiên tốt hơn miễn dịch vaccine, và điều đó không đúng", Hotez nói.

Đúng là nếu từng nhiễm SARS-CoV-2, rất có thể bạn sẽ tạo ra kháng thể chống lại virus này. Tuy nhiên, bạn không biết mức kháng thể đó là bao nhiêu hoặc tồn tại bao lâu. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mức độ kháng thể ở những người từng nhiễm Covid-19 có thể khác nhau rất nhiều và Hotez nói rằng "bạn không biết mình thuộc nhóm nào".

Mặt khác, các loại vaccine đã được chứng minh tạo ra lượng kháng thể rất cao (trừ khi bạn bị suy giảm miễn dịch).

Hơn thế nữa, các kháng thể có được từ cả tiêm vaccine và nhiễm bệnh tự nhiên sẽ suy yếu theo thời gian, vì vậy nếu ban đầu bạn có mức kháng thể thấp, bạn có thể mất đi nhiều khả năng bảo vệ chỉ trong vài tháng.

Tuy nhiên, nếu bạn bị nhiễm bệnh và hồi phục rồi sau đó được tiêm phòng, bạn sẽ phát triển khả năng bảo vệ thực sự mạnh mẽ, vượt trội hơn so với nhiễm bệnh hoặc tiêm chủng đơn thuần. Một nghiên cứu cho thấy những người này có khả năng miễn dịch 'siêu nhân'. Nói cách khác, nếu bạn bị nhiễm bệnh và khỏi bệnh, bạn chắc chắn vẫn nên tiêm vaccine.

Tin đồn 5: Vaccine không có khả năng ngăn chặn virus lây lan

Khi vaccine lần đầu tiên được ra mắt, trọng tâm của sự chú ý là khả năng bảo vệ chống lại các triệu chứng bệnh, nhập viện và tử vong. Sau đó, các nghiên cứu từ Israel cho thấy rằng vaccine cũng giúp ngăn ngừa sự lây lan bằng cách giảm sự phát tán của virus nếu ai đó tiêm xong vẫn nhiễm virus. 

Nhưng hiệu quả của vaccine chống lại nguy cơ nhiễm virus sẽ giảm dần theo thời gian và biến thể Delta chiếm ưu thế mùa hè này khiến người bệnh thải ra nhiều hạt virus hơn. Kết quả là khả năng giảm lây lan virus ở những người được tiêm vaccine không còn mạnh mẽ như trước đây. Nhưng điều đó không có nghĩa là nó hoàn toàn biến mất.

Thứ nhất, bạn vẫn giảm được ít nhất 50% nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 nếu đã tiêm vaccine so với việc không tiêm. Điều đó có nghĩa là nguy cơ lây lan virus cho người khác cũng giảm một nửa. Nói một cách đơn giản, nếu không bị nhiễm, bạn không thể lây lan bệnh.

Ngoài ra, những người tiêm vaccine dường như loại bỏ virus trong khoảng thời gian ngắn hơn nhiều so với những người không tiêm, vì vậy số ngày họ bị bệnh sẽ ít hơn.

Cuối cùng, khả năng bảo vệ đầy đủ chống lại nguy cơ nhiễm virus và lây lan virus dường như sẽ khôi phục nếu bạn được tiêm mũi tăng cường, Hotez nói.

(Nguồn: Fortune)

 

Theo soha.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU