60 phút phẫu thuật cứu bé sơ sinh bị ruột xoay bất toàn
Bé gái chào đời ngày 19/12/2021, đủ ngày đủ tháng bằng phương pháp sinh mổ tại một bệnh viện quốc tế ở TP.HCM. Sau sinh, bé khỏe mạnh, bú tốt và đi tiêu, tiểu bình thường, đào thải hết phân su. 4 ngày sau sinh, mẹ và bé được xuất viện.
Tuy nhiên, từ lúc chào đời, bé thường xuyên bị nôn trớ, ọc sữa và vàng da. Mỗi lần cho con bú là một lần người mẹ trẻ lo lắng. Chị đã tìm mọi cách như cho bé bú đúng tư thế, gối đầu cao và vỗ ợ hơi nhưng tình trạng của bé không cải thiện. Bé nôn trớ ngày càng nhiều, nôn cả ra dịch xanh, vàng.
Bé sụt cân nặng, từ 3,2 kg lúc sinh xuống còn 2,9 kg trong vòng 15 ngày. Đồng thời, tình trạng vàng da kéo dài không hết, lan sang mắt và tay chân. Gia đình đưa bệnh nhi nhập viện trong tình trạng không chỉ vàng da tới tay chân mà còn bị chảy máu rốn, bú mẹ hoàn toàn nhưng hay ọc sữa ra dịch vàng. Các bác sĩ nghi ngờ trẻ có vấn đề dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa và chỉ định siêu âm, chụp X-quang để xác định tình trạng bệnh. Kết quả, bé bị xoắn ruột và cần tiến hành phẫu thuật gấp.
Ca phẫu thuật mổ hở kéo dài 1 tiếng đồng hồ, thực hiện tháo xoắn các quai ruột, mở rộng chân mạc treo, cắt dây chằng Ladd. Sau phẫu thuật, bé được nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn, điều trị kháng sinh liên tục trong 7 ngày.
TS.BS. Cam Ngọc Phượng - Giám đốc Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM - cho biết, nếu bỏ qua ‘thời gian vàng’ để có thể cứu đoạn ruột bị tắc, ruột có nguy cơ bị hoại tử phải cắt bỏ, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của trẻ và thậm chí nguy cơ tử vong do sốc nhiễm trùng, nhiễm độc là rất cao. May mắn bệnh nhi được chẩn đoán và xử trí kịp thời khi ruột chưa bị hoại tử nên không phải cắt nối ruột trong cuộc phẫu thuật.
4 ngày sau ca mổ, bệnh nhi ổn định, không còn nôn trớ. Bé được cho ăn qua đường miệng và tăng lượng thức ăn dần theo nhu cầu. Bé ăn tốt, tiêu, tiểu bình thường, bụng mềm, vết mổ liền sẹo tốt. Ngày 11/1/2022, bé được xuất viện sau 7 ngày điều trị với tình trạng sức khỏe ổn định, không còn ói, ọc sữa. Bé hồng hào, bú và tăng cân tốt.
Kiểm tra khi mổ xác nhận có ruột xoay bất toàn, tá tràng bị thắt hẹp bởi dây chằng Ladd, ruột non xoắn 1/2 vòng. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Cứ khoảng 6.000 trẻ sinh ra thì có 1 trẻ mắc ruột xoay bất toàn
Ngay khi nhận ca bệnh, các bác sĩ nhanh chóng hội chẩn toàn trung tâm. Khi siêu âm bụng lần đầu cho bé, các bác sĩ nhận thấy tá tràng giãn lớn bất thường 3cm và ít thay đổi kích thước khi nhu động. Kết hợp với triệu chứng lâm sàng là bé nôn ói sau bú 20 phút trong 11 ngày liên tục, bác sĩ nghĩ ngay đến hiện tượng tắc tá tràng.
Sau hội chẩn và thực hiện khảo sát Doppler mạch máu ổ bụng, các bác sĩ đã đưa ra được hình ảnh quyết định chẩn đoán ruột xoay bất toàn là dấu hiệu đảo ngược vị trí của động mạch và tĩnh mạch mạc treo tràng trên. Bình thường động mạch mạc treo tràng trên sẽ nằm bên trái so với tĩnh mạch mạc treo tràng trên, trong trường hợp của bé thì có hiện tượng đảo ngược vị trí hai cấu trúc này.
Khảo sát Doppler vi mạch máu cũng cho thấy ruột còn tưới máu tốt, chưa thiếu máu thành ruột dù bị thắt hẹp do xoắn ruột. Thêm vào đó, dựa vào hình ảnh chụp X-quang đường tiêu hóa có cản quang, các bác sĩ cũng chỉ ra vị trí bất thường của góc tá - hỗng tràng là nằm phía trước cột sống (ở người bình thường vị trí của góc này là bên trái cột sống). Hình ảnh chụp X-quang cũng cho thấy nhu động dạ dày còn và thuốc xuống tá tràng bị tắc nghẽn. Do đó, các bác sĩ càng củng cố thêm chẩn đoán xoắn và bán tắc ruột do hiện tượng ruột xoay bất toàn.
"Hình ảnh siêu âm nghi ngờ tình trạng ruột xoay bất toàn kéo dài, bé nhập viện trễ nên ruột bị tắc, xoắn ruột. Trường hợp này bắt buộc phải phẫu thuật cấp cứu gấp, tránh hoại tử ruột. Để thực hiện ca mổ cần có các trang thiết bị hiện đại và phẫu thuật viên được đào tạo chuyên sâu cùng với đội ngũ các bác sĩ gây mê và hồi sức chuyên khoa Nhi và Sơ sinh giàu kinh nghiệm", tiến sĩ Phượng khẳng định.
Theo TS.BS. Cam Ngọc Phượng, ruột xoay bất toàn là một bệnh lý bẩm sinh ở trẻ, với tỷ lệ 1/6000, nghĩa là cứ khoảng 6.000 ca sinh sống thì có 1 ca phát hiện ruột xoay bất toàn. Dị tật này rất khó phát hiện từ trong bào thai. Nguyên nhân là do khi còn trong bào thai, ruột của em bé chưa xoay về đúng vị trí, có thể xoay giữa chừng rồi ngưng làm ruột xoắn dính, gây tắc ruột.
Bệnh rất khó phát hiện ở trẻ sơ sinh do biểu hiện của bệnh khó nhận biết, dễ nhầm lẫn với việc nôn trớ thông thường nên trẻ thường nhập viện trễ. Nhiều trường hợp không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tình trạng xoắn ruột sẽ dẫn đến suy kiệt, sụt cân, mất nước, thậm chí suy gan và thận. Đồng thời, khi bú và ọc sữa, bao tử trẻ bị giãn rộng, nếu để lâu ruột sẽ bị xoắn dẫn đến hoại tử, nhiễm trùng, phải cắt bỏ ruột, nguy hiểm tính mạng.
BVĐK Tâm Anh TP.HCM đã cứu sống và nuôi dưỡng thành công nhiều ca sinh non và cực non, chăm sóc trẻ sơ sinh có bệnh lý phức tạp. Ảnh: Quỳnh Châu.
TS.BS. Cam Ngọc Phượng lưu ý phụ huynh khi chăm sóc trẻ sơ sinh nên chú ý về dinh dưỡng và vấn đề tiêu, tiểu của trẻ, cùng tình trạng vàng da nếu có. Trẻ sơ sinh có thể vàng da mức độ nhẹ đến nặng do nhiều nguyên nhân như bất đồng nhóm máu mẹ con, thiếu men G6PD hoặc do tình trạng tắc ruột. Phụ huynh nên cho trẻ đến khám tại các cơ sở y tế uy tín, điều trị bằng phương pháp chiếu đèn.
Nếu thấy trẻ có biểu hiện quấy khóc, nôn trớ nhiều, bụng chướng, đi ngoài ra máu mà không rõ nguyên nhân, gia đình cần sớm đưa trẻ tới bệnh viện để được điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự chữa trị cho trẻ tại nhà vì có thể khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn, thậm chí đe dọa đến tính mạng của trẻ.
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/60-phut-phau-thuat-cuu-be-so-sinh-15-ngay-tuoi-bi-di-tat-o-ruot-161221301135340699.htm
Theo ttvn.vn