Hai ngày qua, gần 50 y bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh (thuộc Học viện Y - Dược học Cổ truyền Việt Nam) trong tổng số 160 nhân viên y tế bị nợ lương suốt 8 tháng quyết định xuống đường "cầu cứu". Họ đề nghị Học viện thực hiện đúng hợp đồng làm việc đã ký kết với người lao động, trả lương đúng hẹn.
Ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Học viện Y - Dược học Cổ truyền Việt Nam cho biết, Ban Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Công đoàn Học viện và các phòng chức năng đã gặp gỡ, động viên, đề nghị viên chức, người lao động bình tĩnh, không tụ tập đông người, gây mất ổn định nội bộ.
Về việc nợ lương nhân viên y tế suốt 8 tháng, ông Huy cho hay, từ tháng 1/2019, Bệnh viện Tuệ Tĩnh được điều chỉnh phân loại đơn vị sự nghiệp công lập từ đơn vị tự bảo đảm một phần chi hoạt động thường xuyên sang đơn vị tự đảm bảo chi hoạt động thường xuyên.
Bệnh viện Tuệ Tĩnh được tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với việc sử dụng nguồn tài chính để thực hiện nhiệm vụ của đơn vị theo đúng các quy định của Nhà nước và Học viện Y - Dược học Cổ truyền Việt Nam.
Công tác quản lý đội ngũ cán bộ và chế độ tiền lương của viên chức, người lao động làm việc tại Bệnh viện thực hiện theo quy định của Luật Viên chức và Pháp luật hiện hành.
Hai ngày liên tiếp, hàng chục y bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh xuống đường cầu cứu do bị nợ lương 8 tháng
Theo ông Huy, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là đợt thứ 4 từ cuối tháng 4/2021, bệnh viện gần như không có bệnh nhân. Công suất sử dụng giường bệnh trong quý 1/2021 đạt 15%, quý 2 năm 2021 đạt 51,19% và quý 3/2021 đạt 12,1% so với số giường bệnh theo kế hoạch.
Tuy nguồn thu giảm, nhưng bệnh viện vẫn phải tăng chi để thực hiện các giải pháp phòng, chống lây nhiễm do dịch Covid-19 như mua sắm trang phục chống dịch, dung dịch sát khuẩn, chi phí phục vụ công tác tiêm chủng cho viên chức, người lao động và thân nhân cán bộ, viên chức, cử cán bộ tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các địa phương.
"Nguồn thu của Bệnh viện không đủ để trang trải chi phí hoạt động thường xuyên, chỉ ưu tiên trả lương và các khoản trích nộp theo lương", ông Huy nói và cho biết từ tháng 5/2021 đến nay, Bệnh viện chỉ tạm chi 50% tiền lương dẫn đến đời sống của viên chức, người lao động gặp nhiều khó khăn.
Giám đốc Học viện Y - Dược học Cổ truyền Việt Nam khẳng định đơn vị đã đề xuất phương án xử lý, tháo gỡ khó khăn, xin ý kiến Bộ Y tế và đang chờ chỉ đạo trực tiếp cụ thể từ Bộ Y tế.
Nhân viên y tế tủi nhục kêu cứu do bị nợ lương nhiều tháng
Chị Lê Thanh Bình, Tổ trưởng Tổ Công đoàn, Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết, cơ sở y tế này vốn là bệnh viện thực hành, tức là nơi các bác sĩ trẻ thực hành tay nghề, không phải nơi khám chữa bệnh và kinh doanh.
Năm 2019, bệnh viện xây dựng cơ chế tự chủ, theo chị Bình là "không đúng với mục đích ban đầu" dẫn đến quyền lợi của nhân viên y tế bị giảm, chỉ còn lương cơ bản.
Chị Bình cho hay, Tuệ Tĩnh là một trong ba đơn vị trực thuộc Học viện Y - Dược học Cổ truyền Việt Nam. Trong khi các đơn vị khác vẫn được hưởng các phúc lợi hoặc bảo đảm do bệnh viện chi trả, thì riêng Tuệ Tĩnh không. Nhưng khi người lao động có ý kiến với ban lãnh đạo, họ được trả lời rằng "bệnh viện đã tự chủ, vì vậy phải tự lo đến trách nhiệm của đơn vị".
Phía lãnh đạo bệnh viện không thể đưa mốc thời gian cụ thể sẽ giải quyết, thay vào đó chỉ nói chung chung rằng "trong thời gian sớm nhất". Tuy nhiên, đến nay, hàng trăm nhân viên y tế Tuệ Tĩnh vẫn song song làm chuyên môn, chăm sóc bệnh nhân, tiêm chủng vaccine, nhưng không nhận được đồng lương nào.
"Từ tháng 5/2021 đến tháng 11/2021, chúng tôi bị nợ 50% lương, đến tháng 12 chưa có đồng nào. Tại các buổi giao ban, Ban Giám đốc cho biết không có nguồn để chi trả cho bệnh viện", chị Bình bức xúc.
Theo chị, đa số cán bộ của bệnh viện là điều dưỡng viên nên hệ số lương rất thấp, tính cả phụ cấp ngành hay phụ cấp độc hại, cũng chỉ được 6 - 7 triệu đồng mỗi tháng. Từ tháng 5/2021, họ chỉ được nhận một nửa, tức 3 triệu mỗi tháng.
Chị Lê Thanh Bình, Tổ trưởng Tổ Công đoàn, Bệnh viện Tuệ Tĩnh
Sau lần xuống đường cầu cứu lần thứ nhất hôm 11/1, ban lãnh đạo Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã tổ chức cuộc họp cùng các cán bộ nhân viên. Các y bác sĩ đã rất hi vọng và chờ đợi. Tuy nhiên, buổi họp kết thúc chỉ với những lời động viên "anh em cùng vượt qua khó khăn" mà không hề đưa ra hướng giải quyết thích đáng cho khoản lương còn nợ suốt nhiều tháng qua.
"Chúng tôi bắt buộc phải xuống đường lần thứ 2. Chúng tôi trong nghề y, đều là người có ăn học. Thực sự phải ra đường để khiếu nại như thế này tự cảm thấy rất nhục nhã, nhưng chúng tôi đã đến đường cùng và không còn lựa chọn nào khác. Chúng tôi cảm thấy rất đau xót, bởi đáng lẽ có thể cống hiến thêm cho ngành và người bệnh thì nay bị phân tâm bởi miếng cơm manh áo, kiếm thêm thu nhập", chị Bình bức xúc.
Bên cạnh đảm bảo công việc chuyên môn, nhiều y bác sĩ Tuệ Tĩnh buộc phải bán hàng, chạy shipper, xe ôm công nghệ để trang trải cuộc sống. "Chúng tôi cảm thấy bị bỏ rơi ngay tại 'ngôi nhà' của mình", chị Bình nghẹn ngào.
Chiều 12/1, Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu lãnh đạo Học viện Y - Dược học Cổ truyền Việt Nam, lãnh đạo Bệnh viện Tuệ Tĩnh phối hợp ngay với các đơn vị liên quan của Bộ Y tế giải quyết dứt điểm việc nợ lương. Đồng thời đảm bảo quyền lợi của cán bộ, viên chức, người lao động theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 20/1/2022.
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/lanh-dao-len-tieng-vu-hang-chuc-y-bac-si-o-ha-noi-bi-no-luong-8-thang-phai-xuong-duong-cang-bang-ron-cau-cuu-161221301103226401.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.