7 đồ dùng hàng ngày mà bạn quên thay mới thường xuyên, lâu dần sức khỏe dễ xuống cấp

Có những thứ thực sự cần được thay mới mà bạn có thể đã vô tình ngó lơ suốt thời gian dài.

Giữa hàng tỷ những công việc vụn vặt cần phải để tâm tới trong cuộc sống, việc nhớ được hết tất cả trong số chúng đã là một thử thách khó nhằn. Có những điều đơn giản nhất nhưng lại vô cùng quan trọng mà bản thân chúng ta vẫn thường xuyên quên rằng chúng đang cần được thay mới. Để ý tới những điều nhỏ này cũng chính là để ý đến sức khỏe của chính bản thân mình.

1. Bàn chải đánh răng

Việc đánh răng mỗi ngày là điều quá đơn giản mà bất cứ ai cũng phải làm mỗi khi thức dậy, sau khi ăn hoặc trước khi đi ngủ. Tuy nhiên, việc thay bàn chải cá nhân lại rất hay bị lãng quên. Khi sử dụng một thời gian dài, bàn chải đánh răng sẽ bắt đầu có dấu hiệu xơ, mòn và bị toe ra hai bên. Lông bàn chải sử dụng quá lâu sẽ làm giảm đi hiệu quả vốn có, khiến cho các mảng bám trên răng không thể được làm sạch hoàn toàn. Theo các nhà khoa học, một chiếc bàn chải đánh răng trung bình có thể chứa tới 10 triệu vi khuẩn gây hại cho sức khỏe.

Lưu ý: Theo khuyến cáo từ Hiệp hội Nha khoa Mỹ, bạn cần phải đổi bàn chải đánh răng (bao gồm cả đầu bàn chải điện) 3-4 tháng/lần.

Bàn chải đánh răng chính là vật dụng đầu tiên cần để ý thay mới thường xuyên

2. Ruột gối

Bạn có nhớ lần cuối cùng thay gối mới là khi nào không? Nếu không thể trả lời câu hỏi này thì bạn đã quá vô tâm với sức khỏe của bản thân. Một chiếc gối sau 2 năm sử dụng thì 1/3 trọng lượng phía trong sẽ có thể bao gồm bụi bẩn, mạt bụi, tế bào da chết và nhiều loại chất bẩn khác. Những tác nhân này sẽ khiến cho bạn dị ứng hoặc nghiêm trọng hơn, có thể dẫn tới bệnh hen suyễn. Ngoài ra, ruột gối khi sử dụng lâu sẽ dần mất đi khả năng đàn hồi và nâng đỡ, điều này có thể làm tổn thương đốt sống cổ và cột sống.

Lưu ý: Nên thay ruột gối 1 – 2 năm/lần và không sử dụng ruột gối quá 3 năm. Đồng thời, nên giặt và phơi ruột gối dưới ánh nắng mặt trời 3 tháng/lần.

Ruột gối nên được giặt và phơi dưới ánh nắng mặt trời 3 tháng/lần

3. Thớt

Thớt là một vật dụng quen thuộc mà không một nhà bếp nào lại không có. Trong suốt quá trình sử dụng và tiếp xúc với rất nhiều loại thực phẩm khác nhau, vi khuẩn và nấm mốc sẽ lần lượt sinh sôi, ẩn náu bên trong các vết cắt trên bề mặt thớt. Cho dù bạn có thường xuyên vệ sinh thớt với các hóa chất thì việc loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn vẫn là điều không thể. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ ký sinh trùng thâm nhập vào cơ thể khi chúng ta tiếp tục sử dụng.

Lưu ý: Theo chuyên gia khuyến cáo, nên thay thớt định kỳ sau 6 – 8 tháng/lần để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh từ các loại ký sinh trùng trên thớt cũ.

Cho dù thường xuyên vệ sinh thớt với các hóa chất thì việc loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn vẫn là điều không thể

4. Miếng rửa bát

Bên cạnh thớt, miếng rửa bát chính là nơi ẩn chứa vi khuẩn nhiều thứ hai trong căn bếp của bạn. Thời hạn sử dụng của chúng ngắn hơn bạn tưởng khá nhiều và cách duy nhất để xử lý những miếng rửa bát đầy vi khuẩn đó là ném chúng vào thùng rác. Nếu không thường xuyên thay mới, những vi khuẩn thường xuất hiện trong miếng rửa bát có thể vừa gây mùi khó chịu, vừa gián tiếp tạo ra các bệnh nhiễm trùng trong cơ thể.

Lưu ý: Nên thay miếng rửa bát mỗi tháng một lần.

Cách duy nhất để xử lý những miếng rửa bát đầy vi khuẩn là ném chúng vào thùng rác

5. Khăn mặt

Khăn mặt thường được làm từ chất liệu vải hoặc bông mềm, đây chính là môi trường cực lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi và trú ngụ. Đặc biệt là với môi trường ẩm ướt bên trong nhà vệ sinh, không điều gì có thể đảm bảo cho sự an toàn của chiếc khăn mặt bạn dùng hàng ngày. Bên cạnh đó, một chiếc khăn mặt khi được sử dụng quá lâu sẽ trở nên khô xơ và cứng, gây tổn thương trực tiếp đến làn da của bạn.

Lưu ý: Nên thay mới khăn mặt sau mỗi 3-4 tháng sử dụng.

Khăn mặt chính là môi trường cực lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi và trú ngụ

6. Lược

Giống như bàn chải đánh răng, lược cũng là một vật dụng tiếp xúc trực tiếp với cơ thể của bạn, trong trường hợp này sẽ là da đầu. Nhìn chung, khoảng thời gian cần thiết để thay mới sẽ phụ thuộc vào các yếu tố khác như loại tóc, kiểu lược và tần suất bạn làm sạch lược chải. Theo chuyên gia làm tóc, một chiếc lược chải tóc cũ có thể góp phần làm tóc bị chẻ ngọn và gãy rụng. Hơn thế nữa, những chiếc lược tích tụ nhiều dầu có thể khiến mái tóc vừa gội của bạn trở nên thiếu sức sống và nặng nề. Ngoài ra, chúng còn có nguy cơ ẩn chứa nấm mốc, nấm men và vi khuẩn. Đó chắc chắn không phải là những thành phần tự nhiên mà bạn muốn có trên đầu của mình.

Lưu ý: Nên thay lược khoảng 6 đến 12 tháng một lần là phù hợp.

Một chiếc lược chải tóc cũ có thể góp phần làm tóc bị chẻ ngọn và gãy rụng

7. Dụng cụ ăn uống

Đây có lẽ là vật dụng mà bạn vẫn nghĩ có thể sử dụng mãi mãi, thậm chí không cần thay mới trừ khi bị hỏng hoặc vỡ. Tuy nhiên theo thời gian dài sử dụng, trên bề mặt của các dụng cụ ăn uống như bát đĩa, thìa đũa có thể tích tụ rất nhiều vi khuẩn và tàn dư từ chất tẩy rửa mà mắt thường không nhìn thấy, khiến nguy cơ nhiễm khuẩn tăng cao. Đặc biệt là đối với những người không có thói quen rửa bát ngay sau bữa ăn, vi khuẩn càng có thêm không gian để sinh sôi và gây hại đến sức khỏe.

Lưu ý: Dụng cụ ăn uống nên được thay mới tối đa 7 tháng 1 lần.

Dụng cụ ăn uống nên được thay mới tối đa 7 tháng 1 lần để đảm bảo vệ sinh

Nguồn: eHow

 

Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/7-do-dung-hang-ngay-ma-ban-quen-thay-moi-thuong-xuyen-lau-dan-suc-khoe-de-xuong-cap-161210909190026642.htm

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU