72 giờ sinh tử trong cuộc chiến đầu tiên chống virus Corona tại Việt Nam của "30 anh hùng thời bình"

72 giờ đồng hồ trong cuộc chiến đấu đầu tiên chống nCoV tại Việt Nam, đó là 72 giờ sinh tử, hy sinh thầm lặng của hơn 30 "anh hùng thời bình" tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).

Chiều 29 Tết, sau khi cầm trên tay đầy đủ bệnh án của Li Ding, bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang gần như chết lặng.

Li Ding (65 tuổi, Trung Quốc ) - bệnh nhân đầu tiên dương tính nCoV tại Việt Nam, có đủ yếu tố và nguy cơ tử vong: trên 60 tuổi, bị 4 bệnh nền cực kỳ nguy hiểm: ung thư phổi, đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh mạch vành đặt 2-3 sten… Trong đó, khối u vừa được mổ cách đây 2 năm.

Nhìn người lính trẻ trầm ngâm, bác sĩ Nguyễn Tri Thức (Giám đốc BV Chợ Rẫy) chỉ còn biết vỗ vai, an ủi: "Phải sử dụng hết nguồn lực hội chuẩn tối ưu thôi…".

Trở về khoa, Sang cùng điều dưỡng Thịnh tròng bộ đồ phòng hộ lên người, cả 2 lặng lẽ bước qua cánh cửa cách ly, mồ hôi túa ra bên tay như tắm mưa.

Đến cuối buổi chiều, Li Ding vào đỉnh bệnh. Ông yếu dần, sốt liên tục trên 40 độ, ho rũ rượi, toàn thân như bị ai đó rút kiệt sự sống… Ngoài nCoV, nhiều loại vi trùng khác cũng đã tổng lực tấn công khiến 2 lá phổi bệnh nhân đông đặc dịch.

Lúc ấy, tại Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc), thông tin về nCoV chỉ lác đác, người dân vẫn nhộn nhịp ra phố đón Tết, số ca dương tính virus "lạ" ở ngưỡng vài trăm người.

Cái Tết 2020 mãi là kí ức không thể nào quên của 30 bác sĩ tham gia cuộc chiến chống nCoV tại Việt Nam.

Li Ding cùng con trai ông, Li ZiChao (28 tuổi), là 2 bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam dương tính với virus nCoV.

Ngày 17/1, sau khi di chuyển từ Hồ Bắc đến Việt Nam, Li Ding bắt đầu khởi sốt, đã tự mua thuốc điều trị song không giảm.

3 ngày sau, đến lượt Li Zichao mắc triệu chứng tương tự: sốt, ho, nhức mỏi cơ bắp… Cả hai cha con được đưa đến BV Bình Chánh thăm khám, sau đó thì nhập gấp BV Chợ Rẫy đêm 22/1. Kết quả xét nghiệm xác định cả 2 đều nhiễm chủng virus "lạ". Trong đó, Li Ding đã rơi vào tình trạng diễn tiến xấu.

Ngay trong đêm, BV Chợ Rẫy đã điều động hơn 30 y bác sĩ Khoa bệnh Nhiệt đới, tích cực cấp cứu bệnh nhân. Đồng thời, một khu cách ly nghiêm ngặt gồm 6 dãy phòng với mức cảnh báo A (nguy cơ lây lan cao nhất) cũng được thiết lập.

Đêm 28 Tết, BV Chợ Rẫy gần như không ngủ.

Hệ thống cách ly nghiêm ngặt được thiết lập ngay trong đêm 28 Tết.

***

Buổi chiều hôm đó, sau ca làm việc cuối cùng năm 2019, Sang đứng dậy, đi qua từng dãy phòng chào tạm biệt đồng nghiệp. Ở trước cửa Khoa bệnh Nhiệt Đới, bác sĩ đã cùng nhau trang trí những chậu cúc vàng, treo câu đối đỏ chúc mừng năm mới. Không khí Tết tràn ngập!

19 giờ, trong lúc ngồi ăn cơm tối thì trên tivi bắt đầu râm rang về dịch bệnh Vũ Hán. Mấy hôm trước, ban lãnh đạo Khoa bệnh Nhiệt đới BV Chợ Rẫy đã liên tục cảnh báo về chủng virus "lạ", kêu gọi y bác sĩ luôn trong tư thế sẵn sàng "chiến đấu".

Mỗi ngày, sau ca trực, Sang vẫn lên mạng đọc những dòng tin tức nhỏ giọt từ WHO (Tổ chức Y tế Thế giới), CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ)… Nhưng anh chưa bao giờ nghĩ, nCoV lại bùng phát tại Việt Nam nhanh đến như vậy.

Bác sĩ Sang nhớ lại cuộc gọi đêm 28 Tết - báo hiệu những ngày vất vã sắp tới.

20 giờ, cuộc gọi đến máy, ở đầu dây bên kia, bác sĩ Thắng (Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn) nói nhỏ: "Có 1-2 trường hợp đi từ Vũ Hán về, khả năng cao nhiễm nCoV rồi Sang ạ…"

Nghe xong, Sang chỉ kịp quay sang bảo vợ: "Chắc có ca nCoV rồi". Người vợ nhìn anh, thoáng buồn: "Giữ sức khoẻ anh nhé!".

Lúc đó, trên group chung của các y bác sĩ BV Chợ Rẫy, mọi người đã rôm rã bàn luận. Một vài thành viên trêu nhau: "Tết này không bình yên rồi", rồi để lại cái icon mặt cười chẳng biết buồn hay vui.

6h30 sáng 29 Tết, Sang vào bệnh viện sớm. Anh cùng điều dưỡng Thịnh tức tốc thay đồ phòng hộ vào thăm khám trực tiếp cho bệnh nhân.

Li Ding lúc này vẫn sốt cao ở mức 39 độ, ho nhiều, thể trạng kém, trên lớp X-Quang phổi đã lốm đốm lỗ trắng cho thấy sự xâm nhập mạnh của virus.

Bị cách ly, bệnh nhân một mực chống cự. Một phần vì tâm lý không chấp nhận bệnh, phần còn lại vì sự bất đồng ngôn ngữ. Bác sĩ muốn bệnh nhân đưa tay lấy sinh hiệu, Li Ding (đã nằm liệt) giật ra. Y tá xin phếch dịch miệng, đàm phổi để xét nghiệm, bệnh nhân cựa quậy, không chịu há miệng rồi nằm vật ra giường thở dốc.

Nửa tiếng Trung, nửa tiếng Việt, bác sĩ lẫn bệnh nhân đều bó tay. Nhiều từ khó, bác sĩ phải dùng đủ ngôn ngữ hình thể để truyền đạt, nhưng bệnh nhân vẫn không hiểu. Một lúc sau, Sang đành nhờ cậy Li ZiChao đứng ra thuyết phục cha bằng mớ tiếng Anh ít ỏi. Li ZiChao từ bệnh nhân bất đắc dĩ trở thành cầu nối duy nhất giữa bác sĩ với bệnh nhân.

Sự cách biệt ngôn ngữ, tâm lý hoảng loạn của ông Li Ding đều được hóa giải nhờ sự tận tình của y bác sĩ BV Chợ Rẫy.

Đến chiều 29, sau khi nắm bệnh án tổng hợp của Li Ding, Sang vô cùng lo lắng. Li Ding hội tụ đầy đủ yếu tố khả năng cao sẽ tử vong: trên 60 tuổi, nam giới, bị 4 bệnh nền cực kỳ nguy hiểm. Trong đó, ông chỉ vừa hồi phục sau ca mổ khối u phổi cách đây không lâu.

Cuối buổi chiều, Li Ding vào đỉnh bệnh. Ông yếu dần, thở dốc, sốt liên tục trên 40 độ, toàn thân như bị rút kiệt sức sống, ngoài nCoV, nhiều loại vi trùng khác cũng đã tổng lực tấn công tàn phá khiến 2 lá phổi đông đặc dịch.

Một lúc sau nữa thì Li Ding mất khả năng thở tự nhiên. Bác sĩ buộc phải cho thở oxy bổ trợ, tăng từ 2 lít oxy lên 5-6 lít (mức tối đa) nhưng vẫn không đạt mức thở cơ bản. Cả khoa Nhiệt đợi đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống xấu nhất.

Điều dưỡng Hiếu mãi không quên những ngày chăm bệnh trong bộ đồ phòng hộ ngột ngạt.

72 giờ sinh tử của Li Ding, Sang và các đồng nghiệp không rời ông nửa bước. Bộ đồ phòng hộ dày cộm, bịt kín từ đầu tới chân như trốn trong phòng tắm hơi, ngột ngạt, mất nước, nhưng bác sĩ đều cắn răng chịu đựng lâu nhất có thể. Nhiều lúc Li Ding không thở được, ông gọi cháy máy điện thoại, bác sĩ vừa ra khỏi khu cách ly lại tròng đồ chạy ngược vào.

Hơn cả việc điều trị, các bác sĩ Việt Nam phải giúp bệnh nhân ở đất nước khác hiểu và tin tưởng mình. Mỗi lần vào thăm khám, Sang không ngừng động viên Li Ding chiến đấu. Bác sĩ chủ động nắm tay, nhấc chân giúp bệnh nhân vận động đi lại, đấm lưng xoa bóp nhằm tránh nguy cơ máu ngừng lưu thông.

Cuộc chiến suốt 21 ngày trong "trận đánh" đầu tiên chống nCoV mãi là kí ức không quên của các y bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy.

Nhiều lúc bệnh nhân lên cơ ho, dịch tiết bắn lên quần áo, nón kính…, nhưng họ không hề bị các bác sĩ BV Chợ Rẫy xa lánh.

Nhờ sẵn sàng chiến đấu, kinh nghiệm qua các đợt dịch trước, bác sĩ BV Chợ Rẫy đã linh hoạt vận dụng các khuyến cáo của một vài chuyên gia WHO, mở tung tất cả cửa sổ để lưu thông không khí. Mỗi sáng, Sang vẫn thường nắm tay đỡ Li Ding ra bậu cửa, đứng tắm nắng, sưởi ấm cùng ông.

Đến mùng 3 Tết, lúc bác sĩ vào thăm khám thì Li Ding đã đứng ở cửa tập thở, đi lại tắm nắng. Thấy mọi người, ông lão miệng cười chúm chím, vẫy vẫy tay chào. Tết lúc này mới thật sự đến với Khoa bệnh Nhiệt đới, bác sĩ lần đầu bắt tay nhau mừng rỡ trước tin vui.

Từ cái nhìn ái ngại ban đầu, Li Ding đã 100% tin tưởng vào y tế Việt Nam. Ông lão thèm nói chuyện, hàn huyên mãi bằng mớ tiếng Hoa, tiếng Việt học lõm từ bác sĩ. Từ nào khó, bác sĩ dùng Google Translate dịch từ tiếng Việt sang tiếng Hoa rồi in lên tờ giấy A4 chỉ tay hỏi từng câu. Li Ding cười nói "Yes" nghĩa là đúng, lắc đầu nói "No" nghĩa là sai.

Mấy hôm Tết, ở nhà có đòn bánh tét, bánh chưng, trái cây,… bác sĩ đều đem vào viện, biếu tặng Li Ding. Ông ngồi trên giường bệnh, ăn ngon ngay rồi múa tay múa chân khen bánh chưng Việt Nam ngon quá - ai nấy đều ôm bụng cười ngất. Hôm khác nữa, 12h đêm, tự nhiên ông thèm ăn trái Thanh Long. Thế là y tá tức tốc chạy đi mua bằng được.

"Tất cả những điều mình làm là để cho bệnh nhân tin mình. Nếu họ không tin mình, mình không thể làm gì được. Cuộc chiến này mãi là những trải nghiệm quý giá mà không phải nhân viên y tế nào cũng có được", bác sĩ Sang kể.

Sau 21 ngày, lần đầu họ có thể thoải mái nắm tay, ôm nhau mừng rỡ trước tin vui.

Đến mùng 8 thì Li ZiChao xuất viện, vài ngày sau bà Hu Hu XiaoLian (vợ Li Ding) cũng hết thời hạn cách ly. Cả gia đình được BV Chợ Rẫy sắp xếp lưu trú ăn Tết cùng bác sĩ. Sang 15 Tết, lần xét nghiệm cuối cùng báo tin mừng Li Ding hoàn toàn âm tính nCoV.

Ngày ra viện, vừa qua khỏi phòng cách ly, Li Ding đã đi tìm vị bác sĩ cứu sống mình. Dù mỗi lần vào thăm khám, Sang đều mặc đồ phòng hộ bịt kín, không thấy mặt mũi, nhưng vừa nghe thấy giọng nói, Li Ding đã nhận ra ngay.

Ông Li Ding cúi đầu cảm ơn Việt Nam.

Bữa đó, trước hàng phóng viên đông nghịt, Li Ding lên tiếng: cảm ơn Việt Nam, cảm ơn Chính phủ, cảm ơn Bộ Y tế, bệnh viện sâu sắc. Đến cuối cùng thì ông quay sang nắm tay Sang, khẽ khàng: "Cám ơn các con đã đối xử với chú như người thân!", bằng tiếng Hoa.

Bác sĩ Sang nghe, rơm rớm nước mắt.

TS. BS Lê Quốc Hùng (Trưởng khoa Truyền nhiễm BV Chợ Rẫy TP.HCM):

"Kết quả âm tính nCoV của bệnh nhân Li Ding sau suốt 21 ngày chữa trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy là niềm vui lớn nhất cho đội ngũ y bác sĩ. Chúng tôi đã đi đúng hướng trong công tác phòng chống căn bệnh lạ này.

Kế tiếp, chúng tôi đã có những bước sàng lọc bệnh nhân, tại các phòng khám của BV Chợ Rẫy cũng đã bắt đầu phân luồng bệnh nhân, đặc biệt là những người bệnh có yếu tố dịch tễ từ Vũ Hán (Trung Quốc) qua. Đây là phương pháp hoàn toàn mới, nhằm tránh lây lan từ những nơi sớm nhất…"

Link bài gốc

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU