8 cách giúp thư giãn mắt cho người ôm máy tính cả ngày

8 "bí quyết" giúp giảm mỏi mắt cho dân văn phòng: Tập thể dục cho mắt theo quy tắc 20-20-20, đắp mắt bằng gói trà túi lọc đã qua sử dụng, ủ mắt bằng khăn nóng, lạnh, điều chỉnh ánh sáng xung quanh, điều chỉnh vị trí màn hình,....

Bạn thường bị mỏi mắt, mờ mắt, khô mắt, nhức đầu sau một thời gian dài đọc sách, sử dụng máy tính hoặc điện thoại. Hầu hết các trường hợp mỏi mắt này đều xảy ra tạm thời và sẽ biến mất ngay sau khi bạn nghỉ ngơi và cho đôi mắt thư giãn.

Dưới đây là những cách đơn giản giúp thư giãn cho mắt, giúp ngăn ngừa mỏi mắt và bảo vệ đôi mắt.

1. Tập thể dục cho mắt theo quy tắc 20-20-20

Mỏi mắt thường xảy ra khi bạn tập trung cao độ vào một công việc trong thời gian quá dài mà không hề nghỉ ngơi. Để tránh tình trạng này, bạn nên chuyển sự tập trung của mình vào một vật khác, cách vị trí đang ngồi khoảng 6 mét (20 feet) và nhìn vật đó trong khoảng ít nhất 20 giây. Các chuyên gia gọi bài tập này là quy tắc 20-20-20. Bài tập phóng tầm mắt này sẽ làm thư giãn các cơ ở mắt, từ đó làm giảm tình trạng mỏi mắt, nhức mắt.

Bài tập phóng mắt theo quy tắc 20-20-20 sẽ làm thư giãn các cơ ở mắt, từ đó làm giảm tình trạng mỏi mắt, nhức mắt (Ảnh: Internet)

Một số bài tập khác dành cho đôi mắt gồm:

- Ngồi thoải mái, hai mắt nhìn xa vào một vật trong khoảng 10 - 15 giây

- Sau đó tiếp tục nhìn một vật gần hơn trong khoảng 15 - 20 giây

- Chớp mắt nhanh 10 - 15 lần liên tục

- Nhắm mắt và thư giãn trong 20 giây

- Lặp lại các bước trên thêm 4 -> 5 lần

Bên cạnh đó, bạn cần đảm bảo cân bằng giữa các hoạt động của mắt. Ví dụ: sau một buổi sáng làm việc với máy tính, trong giờ nghỉ trưa bạn nên ra ngoài đi dạo dưới ánh sáng tự nhiên.

Đọc thêm:

- Các biện pháp chống mỏi mắt khi ngồi máy tính và đọc sách

- Vỡ mạch máu trong mắt là gì? Tìm hiểu chung về bệnh vỡ mạch máu trong mắt

2. Điều chỉnh vị trí màn hình của bạn

Điều chỉnh vị trí màn hình máy tính, đảm bảo bạn đang nhìn màn hình ở khoảng cách và vị trí thích hợp sẽ giúp làm giảm tình trạng mỏi mắt.

Để có một góc độ giữa mắt và màn hình hợp lý, bạn cần đặt màn hình ngang hoặc thấp hơn tầm mắt một chút. Vị trí trung tâm của màn hình máy tính thường phải nằm dưới tầm nhìn ngang của mắt từ 15 - 20 độ. Giữ khoảng cách từ màn hình đến mắt khoảng 50 - 100 cm. Ngoài ra, bạn có thể nâng cao tầm nhìn của bạn bằng cách nâng cao ghế ngồi.

Để có một góc độ giữa mắt và màn hình hợp lý, bạn cần đặt màn hình ngang hoặc thấp hơn tầm mắt một chút. (Ảnh: Internet)

3. Điều chỉnh ánh sáng xung quanh

Làm việc trong môi trường ánh sáng không phù hợp có thể gây mỏi mắt. Do đó, để chống mỏi mắt khi sử dụng máy tính, bạn nên giảm nguồn sáng xung quanh đi một nửa so với bình thường. Để giảm cường độ ánh sáng, bạn có thể:

- Dùng rèm che bớt cửa sổ

- Tắt bớt các bóng đèn hoặc đèn huỳnh quang đang dùng

- Thay toàn bộ đèn trong khu vực sử dụng máy tính bằng loại đèn có cường độ sáng thấp hơn

Bên cạnh đó, bạn nên đặt màn hình máy tính gần cửa sổ, hạn chế ngồi quay lưng hoặc đối diện hẳn với cửa sổ.

4. Giảm thiểu độ chói từ màn hình máy tính

Ánh sáng từ màn hình máy tính cũng là một trong những nguyên nhân gây mỏi mắt cho người sử dụng. Để khắc phục tình trạng này, bạn có thể:

- Đeo kính chống ánh sáng xanh

- Sử dụng màn hình máy tính chống chói (anti glare)

- Sơn tường màu tối với độ bóng mờ để giảm thiểu độ chói

5. Nghỉ giải lao giữa giờ

Nếu bạn là nhân viên văn phòng có tính chất công việc đòi hỏi bạn phải thường xuyên làm việc với máy tính, hoặc phải làm việc với máy tính cả ngày tại nhà trong thời gian giãn cách do dịch bệnh, bạn có thể gặp một số vấn đề sức khỏe như:

- Khô mắt, rối loạn thị giác

- Đau lưng, đau cổ vai gáy

- Hội chứng ống cổ tay

Để giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh kể trên, bạn hãy tập cho mình thói quen nghỉ giải lao khoảng 10 phút sau mỗi giờ làm việc. Trong lúc nghỉ giải lao, bạn nên đứng dậy, di chuyển xung quanh, tập một số động tác tốt cho mắt, cơ cổ, tay và lưng để giảm nhức mắt, căng thẳng và mỏi cơ.

6. Thư giãn cho mắt qua động tác úp mắt

Úp mắt là động tác đem lại hiệu quả cao trong việc giúp mắt thư giãn.

Úp mắt là động tác đem lại hiệu quả cao trong việc giúp mắt thư giãn. (Ảnh: Internet)

Để thực hiện: bạn chà xát hai lòng bàn tay vào nhau đến khi nhiệt độ lòng bàn tay nóng lên. Sau đó, khéo léo đặt các ngón tay vào hai bên mắt, nhắm nhẹ mắt lại.

Nhiệt lượng ấm ở hai bàn tay sẽ giúp các mạch máu quanh mắt giãn nở, giúp máu lưu thông tốt hơn, qua đó làm giảm đáng kể tình trạng mỏi mắt. Đồng thời, động tác này cũng giúp làm mềm cơ quanh mắt, giúp điều chỉnh nhãn cầu về đúng vị trí.

7. Đắp khăn nóng, lạnh giảm căng thẳng cho mắt

Sau một ngày dài làm việc với máy tính, bạn có thể sử dụng khăn ấm đắp nhẹ lên mắt. Sau khi khăn hết ấm thì nhúng khăn vào nước đá lạnh và tiếp tục đắp lên mắt. Việc này giúp các cơ mắt được thư giãn và giúp mắt lấy lại năng lượng.

Bên cạnh đó, làm động tác này cũng giúp các cơ quanh mắt co dãn, giúp điều chỉnh nhãn cầu mắt về đúng vị trí.

Đắp khăn nóng, lạnh giúp các cơ quanh mắt co dãn, giúp điều chỉnh nhãn cầu mắt về đúng vị trí. (Ảnh: Internet)

Lưu ý: Trước khi đắp mắt, bạn nên nhỏ nước muối sinh lý vào mắt để đem lại hiệu quả tốt hơn.

8. Sử dụng trà túi lọc đã qua sử dụng

Đắp các túi trà đã qua sử dụng lên mắt giúp giảm mỏi mắt. Ủ các túi trà lên mắt còn giúp giảm ngứa, giảm quầng thâm, làm dịu đau, giảm đỏ mắt và bọng mắt. Để đạt được hiệu quả tốt nhất, bạn nên sử dụng các túi trà có chứa hoa cúc ở bên trong.

Hướng dẫn cách đắp túi trà để thư giãn mắt:

- Cho 2 túi trà vào nước sôi, ngâm trong khoảng 5 phút

- Vớt túi trà ra, để trong tủ lạnh khoảng 20 phút

- Bóp bớt nước và đắp các túi trà lên mắt trong khoảng 10 phút

8 cách giúp thư giãn mắt kể trên tuy đơn giản nhưng có thể giúp bạn giảm căng thẳng và đặc biệt là cải thiện các chứng nhức mắt, mỏi mắt do làm việc quá lâu với máy tính, điện thoại.

Vậy nên, bạn hãy tranh thủ thực hiện các cách này bất cứ khi nào để có một đôi mắt sáng ngời, khỏe mạnh nhé.

 

Link gốc: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/8-cach-giup-thu-gian-mat-cho-nguoi-om-may-tinh-ca-ngay-162212108210402578.htm

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU