Tính đến 8/5/2022, viêm gan cấp tính ở trẻ em đã lan rộng trên gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ của thế giới. Số ca bệnh phải nhập viện điều trị lên tới hơn 300 trẻ, trong đó có 10 trẻ đã tử vong.
Theo China News, người phát ngôn của WHO - ông Tarik Jasarevic cho biết, các số liệu trên có thể chỉ là bề nổi của tảng băng chìm so với con số thực tế. Dù hầu hết các quốc gia đều bắt đầu phát đi thông báo cảnh giác, siết chặt hàng rào phòng ngừa, phát hiện và điều trị bệnh nhưng việc các ca nhiễm cũng như tử vong vì nó sẽ còn tăng lên nhanh trong thời gian sắp tới.
Ảnh minh họa
Điểm đáng lo ngại là dù thực hiện nhiều nghiên cứu nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận về nguyên nhân gây bệnh chính xác. Các dấu hiệu cũng rất dễ bị nhầm lẫn với cảm, sốt, rối loạn tiêu hóa… hoặc các bệnh viêm gan thông thường.
Chia sẻ trên trang New York Times, Tiến sĩ Alexander Weiman, Giám đốc Trung tâm Gan tại Bệnh viện Nhi đồng Quốc gia ở Columbus, Ohio (Mỹ) liệt kê 8 triệu chứng phổ biến nhất của bệnh viêm gan cấp tính ở trẻ em là:
- Trẻ đột nhiên mệt mỏi, chán ăn hoặc quấy khóc bất thường.
- Liên tục buồn nôn, bị nôn trớ.
- Đau bụng ở vùng gan hoặc đau cơ khớp ở nhiều nơi trên cơ thể.
- Bị tiêu chảy, mất nước hoặc các rối loạn tiêu hóa kéo dài trên 2 ngày.
- Bị vàng da hoặc da xỉn màu, ngứa ngáy.
- Bị viêm kết mạc, khó chịu ở mắt, vàng mắt.
- Sốt cao lâu khỏi, rối loạn tri giác.
- Nước tiểu vàng sậm, phân màu xám hoặc màu nhợt nhạt hơn nhiều so với bình thường.
Ngoài ra, mỗi gia đình đều phải chú trọng công tác phòng chống, đối phó với bệnh dù chưa phát hiện ca nhiễm ở quốc gia hoặc nơi sinh sống. Đầu tiên, cả người lớn và trẻ nhỏ cần chú ý nâng cao vệ sinh cá nhân, sát khuẩn tay thường xuyên, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Ngoài ăn chín uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì cũng cần bổ sung dinh dưỡng hợp lý, tăng cường hoạt động thể chất cho trẻ để nâng cao hệ miễn dịch. Đảm bảo vệ sinh nguồn nước, thường xuyên khử trùng đồ chơi và đồ dùng cá nhân của trẻ. Đồng thời tiêm phòng đầy đủ, tầm soát bệnh viêm gan sớm, tránh tiếp xúc gần với bệnh nhân viêm gan, tiêu chảy, viêm dạ dày cũng là biện pháp cần thiết.
Khi trẻ có từ 2 trong tổng số 8 triệu chứng phổ biến đã nêu ở trên, phụ huynh cũng đừng nên hoảng loạn hay tìm cách tự điều trị tại nhà. Việc cần làm là đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị bởi chuyên gia.
Ảnh minh họa
Lúc này, nếu bệnh nhẹ có thể điều trị được tại cơ sở y tế địa phương. Còn nếu có tổn thương gan nghiêm trọng, trẻ sẽ được chuyển đến các cơ sở y tế chuyên sâu. Trong trường hợp quá nặng sẽ được thực hiện phẫu thuật ghép gan để duy trì mạng sống.
Nguồn và ảnh: Sina, Sohu, New York Times
https://kenh14.vn/8-trieu-chung-cua-viem-gan-cap-tinh-o-tre-em-de-bi-bo-qua-chuyen-gia-nhac-nho-phu-huynh-can-het-suc-luu-y-20220509232121492.chn
Theo kenh14.vn