Để chuẩn bị cho con cư xử có trách nhiệm khi bạn để con ở nhà một mình, bạn cần đặt ra các quy tắc nuôi dạy con cái. (Ảnh: Parentcircle).
Lối sống và cấu trúc gia đình thay đổi, gần như không thể tránh khỏi việc đến một lúc nào đó, cha mẹ phải để con cái ở nhà một mình. Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo an toàn cho trẻ khi ở nhà là điều khiến hầu hết các bậc cha mẹ lo lắng. Cha mẹ liên tục lo sợ cho sự an toàn của con mình và lo lắng về việc thiếu sự giám sát của người lớn.
Dẫu vậy, ở nhà một mình cũng có thể là một trải nghiệm độc đáo và tích cực cho trẻ. Điều này giúp trẻ tiến một bước tới sự độc lập và tự chủ.
Vậy làm sao để con ở nhà một mình mà vẫn đảm bảo an toàn? Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích của giới chuyên gia nhằm giúp trẻ thực hành điều đó. Hãy luôn nhớ rằng cả cha mẹ và con nên chuẩn bị kỹ lưỡng trước cho ngày quan trọng này - để đảm bảo rằng tất cả đều cảm thấy tự tin và thoải mái.
1. Luôn tự hỏi: "Con đã sẵn sàng chưa?"
Đây là điểm quan trọng nhất cần xem xét trước khi để con bạn ở nhà một mình. Không có cách cụ thể nào để xác định điều này, ngoài việc đánh giá kỹ lưỡng khả năng và mức độ thoải mái của con.
Dưới đây là một số câu hỏi bạn có thể tự hỏi mình để hiểu và đánh giá sự sẵn sàng của con:
- Con tỏ ý muốn ở nhà một mình hay con có vẻ lo lắng?
- Con có xử lý tốt các tình huống bất ngờ không?
- Con có biết và hiểu những điều cơ bản về sơ cứu không?
- Con có tuân theo các quy tắc bạn đặt ra và phán đoán tốt không?
- Con có khả năng làm những công việc nhà đơn giản, chẳng hạn như chuẩn bị đồ ăn nhẹ cho mình hay gọi điện thoại cho ai đó không?
2. Thiết lập các quy tắc và kỳ vọng
Các quy tắc sẽ dạy cho trẻ tính kỷ luật và những gì được mong đợi ở chúng.
Để chuẩn bị cho con cư xử có trách nhiệm khi ở nhà một mình, bạn cần đặt ra các quy tắc nuôi dạy con cái. Chúng bao gồm các hướng dẫn về thời gian sử dụng máy tính và TV, mời bạn bè đến nhà, con bạn có thể làm gì trong bếp, khi nào nên mở cửa,...
Đảm bảo rằng con hiểu các quy tắc và đồng ý tuân theo chúng.
3. Lên kế hoạch khẩn cấp
Nên dạy con phải làm gì trong trường hợp khẩn cấp. Thiết lập quy trình chính xác mà con nên tuân theo trong một cuộc khủng hoảng, chẳng hạn như ai đó liên tục gõ cửa hoặc mất điện.
Một cách tuyệt vời để chuẩn bị cho con là thông qua đóng vai và diễn tập lặp đi lặp lại các tình huống khác nhau.
4. Tạo một hệ thống hỗ trợ
Đưa cho con số điện thoại của tất cả những người mà con có thể liên lạc khi cần thiết. Nếu có thể, hãy yêu cầu con ghi nhớ những con số này.
Các số điện thoại nên bao gồm số liên lạc của bạn cũng như của các thành viên gia đình và bạn bè sống gần đó. Bạn nên in một bản in những con số này trên tủ lạnh, trên cửa ra vào,...
5. Nhờ người thân hoặc hàng xóm giám hộ
Nếu có thể, hãy cố gắng nhờ một người hàng xóm hoặc một người bạn mà bạn tin tưởng, đóng vai trò là người giám hộ và kiểm tra con ít nhất một lần khi bạn vắng nhà.
Hãy cho cả con bạn và người giám hộ biết trước về điều này. Bạn cũng nên đặt ra các quy tắc về cách con có thể cho người giám hộ biết rằng mình an toàn và không sao - chẳng hạn như không mở cửa mà đến bên cửa sổ và vẫy tay, hoặc điều gì đó tương tự.
6. Gọi điện thường xuyên
Sắp xếp thời gian khi bạn và con bạn có thể gọi cho nhau, để cả hai bạn cảm thấy yên tâm. Bạn sẽ cảm thấy bớt lo lắng hơn, vì bạn có thể yên tâm rằng mọi thứ đều ổn. Ngoài ra, điều này giúp bạn có cơ hội nói chuyện với con mình và nhận thông tin cập nhật về tình hình của con. Con cũng sẽ cảm thấy an toàn vì bé biết rằng bạn luôn sẵn sàng lắng nghe và giúp đỡ bé.
7. Lập biện pháp an toàn
Để trẻ ở nhà một mình khi không có việc gì để làm có thể khiến trẻ cảm thấy buồn chán. (Ảnh:
Những điều này có thể thay đổi theo độ tuổi của con. Tuy nhiên, một số biện pháp phổ biến mà mọi bậc cha mẹ nên thực hiện bao gồm: che chắn cho trẻ trong nhà, tắt gas, che tất cả các ổ cắm điện và để các vật dụng như bao diêm, dao, thuốc và chìa khóa xe ngoài tầm với của trẻ.
Ngoài ra, hãy dạy con các mẹo an toàn trong nhà bếp, các biện pháp sơ cứu cơ bản và phải làm gì trong trường hợp hỏa hoạn hoặc cấp cứu y tế.
Để trẻ ở nhà một mình khi không có việc gì để làm có thể khiến trẻ cảm thấy buồn chán. Một đứa trẻ buồn chán có thể cảm thấy bồn chồn, lo lắng và không hài lòng. Vì vậy, hãy lên kế hoạch cho các hoạt động mà con có thể tham gia khi bạn đi vắng.
8. Chuẩn bị thức ăn và thuốc men
Trong chừng mực có thể, hãy cố gắng đảm bảo rằng con bạn không phải sử dụng bếp hoặc lò vi sóng để tự chuẩn bị thức ăn cho mình. Nếu con đang dùng một số loại thuốc thông thường, hãy đặt liều lượng chính xác sang một bên và để phần còn lại ngoài tầm với của trẻ.
Điều này chắc chắn sẽ giúp bạn giảm bớt hầu hết những lo lắng về việc để con ở nhà một mình. Hãy nhớ rằng, lần đầu tiên ở nhà mà không có sự giám sát là một cột mốc quan trọng trong cuộc đời của con. Tùy thuộc vào thái độ của con, bạn có thể điều chỉnh các quy tắc và thủ tục, đồng thời giúp con phát triển sự tự tin và khả năng phục hồi.
Theo Parentcircle