9 quan niệm lỗi thời mà nhiều bậc cha mẹ vẫn "nhét" vào đầu con mình mỗi ngày

(lamchame.vn) - Những quan niệm này có thể từng đúng đắn nhưng sẽ không còn phù hợp trong tương lai.

Ai cũng muốn con mình lớn lên thành những người hạnh phúc và thành công. Vì vậy, bậc làm cha mẹ luôn áp dụng các phương pháp, triết lý giáo dục mà họ tin rằng sẽ giúp đạt được mục đích đó. Họ dạy con cái phải ngoan ngoãn, nghe lời, chăm chỉ học hành nhưng họ không ngờ được rằng, có nhiều suy nghĩ của họ thực chất lại gây ra những ảnh hưởng xấu đến con mình trong tương lai.

Có nhiều quan niệm tưởng chừng rất phổ biến nhưng thực chất không còn phù hợp ở hiện tại, và mọi chuyện thậm chí sẽ còn thay đổi chóng mặt hơn trong vòng 10-20 năm nữa. Trên thực tế, các vấn đề hiện đại đòi hỏi các giải pháp hiện đại. Dưới đây là một số quan niệm lỗi thời mà cha mẹ không nên áp đặt lên con cái và một vài lời khuyên hữu ích.

1. "Con tôi sẽ nhận được những gì tốt nhất"

Nuôi dạy ra một đứa trẻ hư là một nhiệm vụ dễ dàng. Fredric Neuman, Bác sĩ và Giám đốc Trung tâm Điều trị Lo âu và Ám ảnh (Mỹ), tin rằng đặc điểm nổi bật của một đứa trẻ hư là không sẵn lòng thừa nhận mong muốn của người khác: "Đứa trẻ muốn những gì chúng muốn và thời điểm chúng muốn". Khi cha mẹ nuông chiều trẻ quá mức, họ thực sự đang làm hại chúng. Khi trưởng thành, một đứa trẻ như vậy trở thành kẻ thù của chính chúng: nghiện ngập, thiếu trách nhiệm, kém kỹ năng xã hội, ích kỷ, chỉ biết lợi dụng người khác vì lợi ích của mình...

Cách tốt nhất là thiết lập ranh giới, xác định nhiệm vụ của một đứa trẻ, chú ý đến cách cư xử và hành vi của chúng, không cho phép chúng thể hiện bất kỳ sự thiếu tôn trọng nào đối với cha mẹ hoặc người khác. Sẽ rất có ích nếu dạy một đứa trẻ biết trân trọng sức lao động và cho chúng thấy giá trị của đồng tiền. Ví dụ, cha mẹ có thể giúp con tìm công việc bán thời gian đơn giản, phù hợp lứa tuổi.

2. "Con phải luôn nghe lời người lớn"

Cha mẹ thường mơ mộng về việc con cái luôn nghe lời mình. Nhưng họ không nghĩ rằng thói quen luôn chăm chăm nghe theo lời người khác hoặc các quy tắc có thể gây hại cho tương lai của con cái họ. Laura Markham - nhà tâm lý học và tác giả của cuốn sách Cha Mẹ Bình Yên, Con Trẻ Hạnh Phúc, chắc chắn rằng những đứa trẻ biết nghe lời sẽ trở thành những người lớn biết nghe lời.

Những người trưởng thành như vậy có ít cơ hội tự đứng lên bảo vệ mình hơn và họ có nhiều khả năng trở thành nạn nhân của những kẻ thao túng và không chung thủy. Họ cũng có thể sẽ có xu hướng làm theo yêu cầu của người khác mà không hề hỏi han hay có tinh thần tự chịu trách nhiệm. Đó là lý do tại sao việc dạy trẻ cách nói "không" và bày tỏ ý kiến của mình là điều cần thiết.

3. "Đạt điểm 9, 10 mới là tốt, điểm kém là xấu"

Cách chắc chắn khiến con bạn phải chịu đựng cảm giác căng thẳng, âu lo cả đời là áp đặt "hội chứng học sinh chỉ được điểm giỏi" lên người chúng. Điều tốt nhất mà cha mẹ có thể làm cho con cái của họ là giải thích rằng những thất bại sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ gia đình dù theo bất kỳ cách nào và trẻ sẽ luôn được lắng nghe, luôn được yêu thương trong mọi trường hợp.

Nhà tâm lý học lâm sàng, Tiến sĩ Stephanie O'Leary tin rằng thất bại có thể có lợi cho trẻ vì nhiều lý do. Nó dạy trẻ cách đối phó với một tình huống tiêu cực, cung cấp kinh nghiệm sống quý giá và giúp trẻ tìm ra giải pháp cho những tình huống khó khăn trong tương lai mà không sợ thất bại. Đây có lẽ cũng chính là nguồn cơn của tất cả các câu chuyện vì sao những học sinh cá biệt thường kiếm được nhiều tiền hơn học sinh giỏi. Bởi lẽ, học sinh cá biệt không hề sợ vấp ngã và sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, trong khi học sinh giỏi lại không có khả năng chống chọi vì luôn sợ thất bại.

4. "Không được đánh lại cũng không được chống trả!"

Một người nên biết làm thế nào để đứng lên vì chính mình. Nếu cha mẹ cố gắng tiêm vào đầu con mình suy nghĩ rằng trong mọi trường hợp, trẻ không được quyền phản kháng hay xúc phạm người khác, như vậy trẻ sẽ chỉ biết im lặng và chịu đựng những kẻ bắt nạt mình mà không nói một lời. Cứ thế, đứa trẻ đó khi lớn lên sẽ không thể tồn tại trong một môi trường đầy tính cạnh tranh.

Tuy nhiên, đó không thể là cái cớ để dạy một đứa trẻ hung hăng, hiếu chiến với tất cả mọi người mà chúng có mâu thuẫn. Vậy trẻ nên đối phó với những kẻ bắt nạt như thế nào? Dùng vũ lực để chống trả hay chỉ đứng lên bảo vệ mình bằng lời nói? Câu hỏi này đã được thảo luận rộng rãi và các nhà tâm lý học đã đi đến kết luận rằng một đứa trẻ nên biết rằng chúng có quyền tự bảo vệ mình. Và nếu cha mẹ dạy con cái cách tự đứng lên bảo vệ mình, họ sẽ tặng chúng một món quà trọn đời.

5. "Con chỉ việc học thôi"

Cha mẹ không nên bảo con chỉ tập trung vào nhiệm vụ chính của chính và cố gắng giải quyết các vấn đề còn lại cho con. Mọi cá nhân đều cần phát triển các kỹ năng đa nhiệm và có thể chịu trách nhiệm về mọi lĩnh vực trong cuộc sống của họ. Nhưng những kỹ năng này thường đi kèm với kinh nghiệm mà một đứa trẻ sẽ không có nếu chúng được chiều chuộng quá mức.

Thậm chí còn tồi tệ hơn khi cha mẹ cố gắng bảo vệ con cái khỏi mọi vấn đề của chúng. Những đứa trẻ như vậy thường hành động một cách trẻ con và vô trách nhiệm khi chúng lớn lên.

6. "Tốt nghiệp cấp 3 xong là phải học đại học ngay"

Nếu đứa trẻ không biết mình muốn trở thành ai, thì nhiều khả năng chúng sẽ chọn phương án do cha mẹ gợi ý. Sự lựa chọn như vậy có thể trở thành một sai lầm lớn và đứa trẻ sẽ hối hận. Để tránh điều đó, cha mẹ không nên tạo quá nhiều áp lực cho trẻ, hãy cho trẻ cơ hội tự vạch ra kế hoạch cho cuộc đời mình.

Vì lý do đó, ở nhiều quốc gia, thanh thiếu niên được khuyến khích có một năm tạm nghỉ, hoặc một kỳ nghỉ ngắn (khoảng một năm) giữa thời điểm tốt nghiệp phổ thông và đại học. Trong thời gian này, các bạn trẻ có thể làm việc, tìm một công việc thực tập hoặc tham gia một số khóa học, nhưng quan trọng nhất là dành thời gian và suy nghĩ về kế hoạch cho tương lai.

7. "Chỉ có bằng đại học mới có giá trị"

Không ai phủ nhận tầm quan trọng của giáo dục đại học, nhất là với những ngành nghề như thiết kế máy bay, kỹ sư xây dựng... Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bằng cấp cao auto nhận tiền lương cao. Điều này còn phụ thuộc vào quốc gia, giá trị chính xác của nghề nghiệp trên thị trường việc làm, xếp hạng của trường đại học và khả năng của chính sinh viên. Ví dụ, trong khi các bác sĩ đứng đầu danh sách những công việc có thu nhập cao nhất ở Mỹ, thì ở các quốc gia khác, tình hình có thể hoàn toàn khác.

Bên cạnh đó, cũng có một xu hướng gây tò mò khi tại các ngành có mức lương cao (như làm đẹp, CNTT và sản xuất phim) rằng bằng đại học ít quan trọng hơn hẳn so với các kỹ năng và kinh nghiệm mà một người có được. Đó là lý do tại sao có rất nhiều doanh nhân thành đạt, chuyên gia làm đẹp và nghệ sĩ không có bằng đại học.

8. "Đi làm thêm sẽ làm ảnh hưởng đến việc học, tốt nhất là chỉ tập trung vào học thôi"

Bạn có thể không cần tốt nghiệp hạng ưu nhưng nên kiếm được một công việc làm thêm có giá trị, bởi lẽ nó có thể mang lại cho bạn những kinh nghiệm quý giá, các mối quan hệ xã hội và thậm chí có thể quyết định tương lai của bạn. Khi những người trẻ tuổi bắt đầu đi làm sớm, họ học cách đáp ứng thời hạn, lập danh sách việc cần làm và nhận phản hồi từ người giám sát của họ. Ngày nay, các nhà tuyển dụng hiểu được giá trị của một công việc bán thời gian nên CV của bạn sẽ đẹp hơn và bạn cũng sẽ nổi bật hơn so với các ứng viên khác nếu bạn có thể nêu ra danh sách các công việc làm thêm phù hợp mình từng làm.

Các chuyên gia tin rằng 65% học sinh hiện tại sẽ làm việc trong các lĩnh vực hiện chưa tồn tại. Đó là lý do tại sao tất cả không chỉ kiến thức cụ thể quan trọng mà còn các kỹ năng giao tiếp, tư duy phản biện và khả năng tự lập cũng cần được cải thiện.

9. "Người khác sẽ quyết định thay chúng ta"

Một số người thích đợi cho đến khi người khác đưa ra quyết định thay họ. Bằng cách này, vô hình trung họ đã dạy con mình không nổi bật, không nói nhiều và không làm thay công việc của người khác. Nhưng điều này có thể gây ra điều gì? Những đứa trẻ như vậy có nhiều khả năng lớn lên sẽ thờ ơ và không thể bày tỏ hoặc bảo vệ quyền lợi của chúng. Và mọi chuyện sẽ còn nghiêm trọng hơn khi sự thờ ơ của trẻ không chỉ dừng lại ở các vấn đề mang tính cá nhân mà cả những vấn đề chung của cộng đồng, xã hội.

"Chẳng liên quan gì đến mình" là suy nghĩ không hề tốt. Sẽ tốt hơn nhiều nếu dạy một đứa trẻ về các sắc thái của thế giới, về hệ thống chính trị xã hội, về môi trường và vẻ đẹp của thiên nhiên... Chúng ta đào tạo ra được càng nhiều người có cảm hứng, đam mê và có ý thức bao nhiêu thì chúng ta càng thấy được nhiều đột phá khoa học, dự án xã hội và sáng kiến sinh thái bấy nhiêu. Bằng cách đó, thế giới sẽ trở thành một nơi tốt đẹp hơn.

Nguồn: BrightSide

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU