1. Rau xanh để lâu
Nhiều người vì tiết kiệm thời gian, đặc biệt là dân văn phòng thường chỉ đi chợ một lần cho cả tuần, mua đủ loại thực phẩm và rau quả về “chất” trong tủ lạnh. Làm như vậy đương nhiên rất tiện lợi, có thể tiết kiệm được thời gian nhưng lại không biết rằng rau xanh càng để lâu càng mất đi nhiều dinh dưỡng.
Ví dụ, các loại rau giàu vitamin C như rau ngót, rau cải sẽ hao tổn 84% vitamin C nếu để ở nhiệt độ 20 độ C trong 1 ngày. Nếu cần thiết phải “tích trữ” thì nên để ở nơi khô ráo, thoáng mát và không có ánh mặt trời.
2. Cắt rau trước khi rửa
Đây là thói quen cực kỳ sai lầm mà nhiều bà nội trợ mắc phải. Lý giải cho trường hợp này đó là vitamin tồn tại ở trong rau dưới dạng nước nên dễ bị hòa tan trong nước khi rửa.
Việc cắt rau và rửa rau xong mà không nấu ngay cũng khiến cho lượng vitamin có trong rau thất thoát khá lớn qua quá trình bốc hơi nước. Vì vậy, không nên cắt rau trước khi rửa để đảm bảo chất lượng của rau.
3. Thời gian xào quá lâu
Các vitamin có trong rau củ rất "nhạy cảm", nếu được đun nấu dưới ngọn lửa nhỏ trong thời gian dài, nó rất dễ bị phân hủy. Vì thế, chuyên gia dinh dưỡng khuyên thời gian xào nấu rau củ không nên kéo dài, tốt nhất nên đun với ngọn lửa lớn và không nên cho quá nhiều nước để giảm thiểu tổn thất vitamin.
4. Nấu lại nhiều lần
Rau xanh sau khi nấu sẽ mất đi phần lớn lượng dưỡng chất. Nếu được nấu lại nhiều lần, các chất dinh dưỡng sẽ hoàn toàn biến mất và thậm chí là hình thành chất độc hại cho cơ thể. Điều này tương tự với việc chế biến rau nhỏ lửa cũng làm mất các chất dinh dưỡng và dễ khiến rau bị biến chất.
5. Nấu xong không ăn ngay
Sau khi nấu, rau sẽ mất đi khoảng 15% lượng vitamin và các chất dinh dưỡng. Lượng dưỡng chất này sẽ mất dần theo thời gian khoảng 25% sau 30 phút và 75% sau 1 giờ. Khi nấu xong, rau dễ rơi vào vòng tấn công của vi khuẩn, mầm bệnh gây biến chất và ảnh hưởng đến sức khỏe.
6. Rau đã nấu chín để qua đêm
Do hàm lượng nitrat trong các loại rau xanh khá nhiều, nếu nấu xong để quá lâu, vi khuẩn phân hủy, lượng nitrat sẽ lại tạo thành nitrite – chất gây ung thư, cho dù là bạn có đun lại cũng không thể khử được. Vì vậy không nên ăn rau đã để qua đêm.
Cách tốt nhất để bảo quản canh lâu hơn đó là không nên cho gia vị như muối, mì chính… vào canh khi nấu, sau khi nấu xong, bạn hãy dùng một thìa sạch múc riêng ra một bát để ăn trong ngày, còn lại bạn hãy cho vào nồi đất hay nồi thủy tinh rồi để vào tủ lạnh.
Bởi vì canh thừa để vào trong nồi nhôm, nồi inox trong thời gian dài sẽ có những phản ứng hóa học, vì vậy tốt nhất bạn hãy dùng những dụng cụ bằng thủy tinh hoặc đồ gốm sứ để bảo quản canh.
7. Xào mướp đắng mà không luộc quá nước nóng
Trước khi xào mướp đắng, bạn nên luộc qua nước nóng bởi vì trong mướp đắng chứa axit oxalic gây cản trở sự hấp thụ canxi trong thực phẩm và chất này lại có thể hòa tan trong nước ở nhiệt độ cao. Vì thế bạn nên luộc qua mướp đắng để loại bỏ chất này.
8. Ăn cà chua trước bữa ăn
Trong cà chua có chứa một loại a-xít gây kích ứng dạ dày. Không nên ăn cà chua trước bữa ăn để tránh làm tăng lượng a-xít có trong dạ dày, có thể gây đau bụng, đầy hơi, ợ nóng, rối loạn tiêu hóa…. Chỉ nên ăn cà chua sau bữa ăn vì khi đó các a-xít trong dạ dày đã bị pha trộn và giảm nồng độ.
9. Lưu trữ tỏi tây đã nấu chín
Tỏi tây sau khi nấu xong sẽ mất dần chất dinh dưỡng và bị biến chất. Nếu để qua đêm hay thời gian quá lâu, thực phẩm này có thể biến thành chất độc gây ngộ độc thực phẩm và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Theo www.giadinhmoi.vn