Trong cuộc sống ắt hẳn chúng ta đã từng bắt gặp những người tính cách không xấu, nhưng khi nói chuyện lại khiến chúng ta cảm thấy khó chịu một cách âm ỉ, hoặc là có chút bất đồng quan điểm hay thậm chí động chạm tới một vài nỗi đau sâu xa nào đó, nhưng không quá rõ rệt khiến chúng ta không muốn tiếp chuyện với họ mà cũng không hề biết tại sao lại như vậy.
Chuyên gia giải quyết vấn đề người Nhật Isao Hysoya đã từng nói rằng: "Con người là sinh vật luôn tự coi mình là trung tâm, do vậy nếu không để ý tới điểm này, sẽ rất dễ chỉ vì thành kiến phiến diện mà lan tỏa sức hấp dẫn phù phiếm và tiêu cực".
Dưới đây là 4 kiểu người và 9 thói quen nói chuyện dễ lan tỏa "sức hấp dẫn tiêu cực" thường gặp khiến bạn chỉ có thể đứng nhìn người khác thành công:
Không nắm được trọng tâm, khiến mọi người mất hứng
Thần thánh hóa quá trình và phủi mờ kết quả
Hầu hết chúng ta khi nói chuyện, nhất là khi nhắc đến kinh nghiệm bản thân thường bất giác nói quá nhiều đến những việc xảy ra trong cả quá trình chặng đường mà không phải là kết quả cuối cùng. Rất nhiều người đều có khuynh hướng thần thánh hóa quá trình hoặc coi đó là trung tâm trò chuyện.
Nhất là khi nói về những đề án sản phẩm, nghiệp vụ kinh doanh, nhiều người thường nhấn mạnh hoặc đánh bóng "sự vất vả và nỗ lực của bản thân". Bỏ nhiều thời gian để làm rõ tiền nhân hậu quả của sự việc, lãng phí thời gian một cách vô nghĩa. Bởi đối với nhiều người nghe mà nói, thứ họ muốn không phải là quá trình mà là kết quả cuối cùng.
Muốn trở thành một người nói chuyện lôi cuốn, trước khi bắt đầu trò chuyện hãy suy nghĩ và làm rõ sự khác biệt giữa những lời muốn nói và những điều muốn nghe, những lời nói ra cảm thấy vui vẻ và những lời nghe rồi sẽ thấy hài lòng. Chỉ khi thấy rõ sự khác biệt giữa chúng mới không khiến bạn trở thành một người nói chuyện nhảm nhí và vô vị.
Nhấn mạnh cái riêng và bỏ qua cái chung
Một khi đã coi bản thân là trung tâm nói chuyện, nhiều người thường sẽ lơ là tập thể xung quanh. Nói về những việc mà bản thân lo lót chu toàn mà quên đi những công việc chung. Dù người nói cảm thấy hay đến mức nào thì trong mắt người nghe lại hoàn toàn khó hiểu và vô cùng nhạt nhẽo.
Đặt mình càng cao sẽ càng dễ lơ là việc quan trọng
Coi trọng những việc nhỏ trước mắt bỏ qua đại sự sâu xa
Những người luôn coi mình là trung tâm trò chuyện ngoài việc chỉ biết xoay quanh bản thân còn dễ bỏ qua những việc đại sự xa xôi trước đó và chỉ tập trung vào những việc nhỏ trước mắt.
Ví dụ ai đó muốn bạn liệt kê 10 sự kiện lớn xảy ra trong vòng 5 năm qua, nếu như không có sự chuẩn bị trước, chúng ta thường chỉ liệt kê các sự kiện nhỏ mới xảy ra gần đây. Nếu không điều chỉnh thói quen này, khi cấp trên hỏi về kế hoạch 5 năm tới, có lẽ bạn chỉ có thể liệt kê ra những chuyện nhỏ phải tiêu tốn công sức trước mắt, khiến người khác đánh giá bạn có tầm nhìn hạn hẹp.
Không nhìn nhận khuyết điểm bản thân chỉ soi mói khiếm khuyết của người khác
Đây là một trong những biểu hiện khiến người khác âm thầm căm ghét bạn. Dĩ nhiên, việc nhìn nhận bản thân một cách khách quan hay thậm chí thừa nhận khuyết điểm của mình không phải là chuyện dễ. Bởi hầu hết chúng ta đều hy vọng được nhiều người yêu mến. Nhưng nếu vì vậy mà phóng to ưu điểm bản thân một cách quá đà và không ngừng nhắc đến khiếm khuyết của người khác để nâng cao vị thế sẽ chỉ đổi lại sự phản cảm của người nghe.
Tại sao bản thân mình xui xẻo, còn người khác lại luôn gặp may mắn
Không chú trọng điểm chung chỉ quan tâm sự khác biệt
So với những điểm chung, rất nhiều người thường chỉ quan tâm tới điểm khác biệt giữa bản thân mình và người khác. Và điều này thường trở thành lý do để ngụy biện cho chính mình. Ví dụ, khi nghe thấy kinh nghiệm thành công của ai đó, nhiều người thường không nhịn được miệng và nói rằng là bởi người ta nhiều tiền, người ta sống lâu ở nước ngoài, công ty người ta là công ty có vốn đầu tư nước ngoài…
Dường như sự thành công của người khác đều không phải do sự cố gắng nỗ lực của họ là là bởi điều kiện của họ tương đối nhiều mà thôi.
Đặc biệt hóa hoàn cảnh của bản thân
Bạn chắc hẳn đã từng bắt gặp nhiều người than phiền rằng: "chỉ có tôi mới phải chịu những cực khổ mà không ai hay biết", "hoàn cảnh của tôi khá khó khăn, chỉ là mọi người không nhìn thấy mà thôi"… Gần như chỉ có cuộc đời mình mới đầy khó khăn, trắc trở, những người khác đều thuận buồm xuôi gió hơn bản thân.
Thực ra, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, ai ai cũng có những nỗi khổ riêng mà mọi người không biết. Nhưng nếu để lòng tự trọng tác oai tác quái, không ngừng nhấn mạnh hoàn cảnh đặc biệt của mình, chỉ khiến người khác cảm thấy bạn vô sự nói nhảm mà thôi.
Bình thường hóa người khác
Ngoài việc đặc biệt hóa hoàn cảnh bản thân, nhiều người còn có khuynh hướng bình thường hóa người khác. Ví dụ, như khi nhìn thấy hành động khác biệt của ai đó, chưa cần xem xét xuất thân, giới tính, tuổi tác, gia cảnh của họ đã liền đánh giá họ bằng những quan điểm phiến diện. Làm như vậy chỉ khiến người khác cảm thấy bạn không có đầu óc suy nghĩ mà thôi.
Càng là chuyên gia nói chuyện càng phải phức tạp và khó hiểu
Câu nệ những chi tiết vụn vặt và bỏ qua những nội dung lớn
Càng nghiên cứu sâu ở một lĩnh vực nào đó, kinh nghiệm sẽ càng nhiều, kiến thức càng chi tiết, do vậy nhiều người thường dễ bỏ qua những nội dung lớn mà tập trung chú ý vào những chi tiết vụn vặt không quan trọng dẫn tới nội dung nói chuyện trở nên miên man, khó hiểu khiến người khác cảm thấy khó chịu và không muốn giao tiếp.
Cố chấp ngoại lệ hơn là những nguyên tắc cơ bản
Bạn chắc chắn đã từng gặp kiểu người này, khi bạn nói tới một câu chuyện hay đề ra một kế hoạch nào đó, họ chắc chắn sẽ tìm cách để phản bác bạn, cho rằng điều mà bạn nói không thể thành công hoặc không đúng.
Kiểu người này thường là người có kinh nghiệm, thậm chí là chuyên gia. Chính vì có kinh nghiệm, nên họ thường cố chấp với những ngoại lệ trái ngược với nguyên tắc cơ bản. "Tôi đã từng có kinh nghiệm trong chuyện này, tình hình đó không thể cứu vãn được" hay "Tôi cũng đã từng có suy nghĩ đó, nhưng cuối cùng vẫn thất bại"… những câu nói phản bác ấy vô hình chung biến họ thành "thánh dội nước lạnh". Những người học vấn chuyên môn uyên bác thường rất dễ vấp phải tình trạng này, bởi vậy phải hết sức chú ý.
Người xưa có câu "uốn lưỡi 7 lần trước khi nói", chứng tỏ tầm quan trọng của việc nói chuyện. Nó có thể giúp bạn thành công hay khiến bạn thất bại chỉ trong phút chốc. Hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi nói, đặc biệt là tránh 9 thói quen nói chuyện trên để không biến mình trở thành cái gai trong mắt người khác. Chúc các bạn thành công!
Theo Tri Thức Trẻ