Ai bảo thời nay không còn chấy

(lamchame.vn) - Bị chấy có thể do vệ sinh không đúng cách hoặc bị lây từ người khác. Trẻ bị chấy sẽ rất khó chịu, luôn ngứa ngáy nên thường xuyên gãi đầu làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe.

Theo chia sẻ của chị Phạm Thu Trang (Thanh Xuân - Hà Nôi) thì con gái chị năm nay lên 10 tuổi, đang là học sinh tiểu học của một ngôi trường rất khang trang (đạt chuẩn quốc gia) ở quận Hai Bà Trưng (một trong những quận trung tâm của Thủ đô).

Tuy nhiên, điều mà chị Trang không ngờ nhất lại có thể xảy ra. Số là tuần rồi, con gái đi học về thông báo, "lớp con có dịch… chấy", cô giáo yêu cầu cả lớp hôm nay về phải gội đầu và ủ tóc bằng dầu gội trị… chấy.

Theo lời cô con gái, cô giáo chủ nhiệm đã phát hiện 1 bạn nữ có chấy sau khi bạn này kêu ngứa và có con gì bò trên đầu. Ngay lập tức cô giáo đích thân kiểm tra đầu từng bạn và kết quả là có tới 4 bạn nữ trong lớp có chấy. Để phòng trừ "dịch… chấy" lây lan, cô giáo đã nhắn tin qua sổ liên lạc điện tử để phụ huynh nắm được thông tin và tăng cường vệ sinh thân thể cho con em mình.

Trao đổi với chúng tôi, chị Trang tỏ ra hết sức lo lắng: "Tôi không thể tin nổi, thời nay khi dầu gội đầu và thuốc nhuộm tóc lên ngôi, ai còn có chấy, thế mà tình trạng này lại có thật. Tuy kiểm tra đầu con không có chấy nhưng với việc các con học bán trú, trưa nào cũng ngủ cùng nhau thì việc đầu con mình có chấy chỉ là việc sớm muộn thôi".

Chấy làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của trẻ

Chính vì vậy, ngay trên đường từ trường về nhà, chị Trang đã chở con vào hiệu thuốc mua dầu gội trị chấy về gội, ủ. Chị Trang cũng vệ sinh chăn màn, gối và giường chiếu sạch sẽ để loại bỏ triệt để các nguy cơ chấy và trứng chấy bám ở đây. "Phòng từ sớm còn hơn, cứ nghĩ đến hình ảnh đầu con gái chấy bò lổm ngổm mà rùng hết cả mình".

Không chỉ vậy, theo chị Trang, Ban phụ huynh cũng đã phối hợp tổng vệ sinh lớp, thay, giặt chăn gối cho các con, phối hợp cùng giáo viên hướng dẫn các con giữ vệ sinh thân thể và tìm hiểu cách diệt trừ loài ký sinh trùng này. "Hy vọng "dịch… chấy" sẽ được khống chế để các con không bị ảnh hưởng tới việc học tập", chị Trang chia sẻ nỗi lo lắng.

Còn với chị Xuân (có con đang học tại một trường tiểu học ở Đông Anh, Hà Nội), viêc con đi học bị lây chấy từ các bạn không còn khiến chị hoảng hốt. Từ 7 năm nay (từ khi con gái vào học mầm non đến nay là lớp 4) chị đã quen với việc này. "Lúc đầu cũng hốt hoảng, không thể tin nổi nhưng giờ thì quen rồi. Giờ tôi còn tự chế "thuốc" trị chấy bằng rượu và hạt na để ủ tóc cho cháu thường xuyên".

Chị Xuân cũng tỏ ra rất bức xức khi không thể chấm dứt được tình trạng này: "Tôi đã nhiều lần phát biểu trong các cuộc họp phụ huynh, tại sao khi các cháu nghỉ hè thì hết… chấy, còn khi đi học trở lại thì đâu lại vào đó. Hằng năm trường đều thu khoản cơ sở vật chất, vệ sinh trường lớp, các con được học về giữ gìn vệ sinh thân thể, vệ sinh môi trường mà tại sao tình trạng này vẫn cứ tồn tại dai dẳng".

Chấy làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của trẻ

Theo chị Xuân, để phòng và loại bỏ chấy trên đầu trẻ cần sự chủ động, ý thức của gia đình và nhà trường. Trẻ nhỏ ở lứa tuổi mầm non, tiểu học bán trú rất dễ lây chấy cho nhau. Trên lớp, các cô nên kiểm tra thường xuyên, sớm tách các bạn có chấy, tránh lây từ trẻ này sang trẻ khác.

Không cho trẻ dùng chung các vật dụng dễ lây chấy với các bé khác như mũ, lược, chăn gối. Còn ở nhà, khi phát hiện trẻ có chấy có thể dùng tay hay chải lược bí tìm và bắt hết chấy, diệt trứng chấy, chấy con trên đầu bằng dầu gội đặc trị hoặc sử dụng các phương pháp dân gian.

Dùng hạt na để trị chấy là một kinh nghiệm dân gian khá hiệu quả

Chia sẻ với chúng tôi, GS.TSKH Vũ Quang Côn, Chủ tịch Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết, chấy là một loại côn trùng kí sinh tồn tại bằng cách hút máu người.

Bị chấy có thể do vệ sinh không đúng cách hoặc bị lây từ người khác. Trẻ bị chấy sẽ rất khó chịu, luôn ngứa ngáy nên thường xuyên gãi đầu làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe. Trường hợp chấy quá nhiều có thể làm phát sinh các nhiễm trùng ở da đầu và gây rụng tóc.

Chấy phát triển mạnh trong môi trường ẩm ướt nên khi gội đầu cần sấy khô. Để trị chấy hiệu quả, mọi người có thể áp dụng một số mẹo dân gian như dùng rượu trắng xoa đều lên tóc (cả phần chân tóc), ủ khoảng 15 phút rồi gội sạch đầu với nước. Gội xong dùng lược dày chải cho chấy và trứng rơi khỏi đầu; Dùng giấm trắng trộn với nước theo tỷ lệ 1 -1 rồi ủ khoảng 15 phút rồi cho trẻ gội đầu sạch. Dùng lược bí chải tóc; hay các bậc cha mẹ có thể mua dầu gội đặc trị cho con gội khi phát hiện con bị lây chấy từ bạn bè.

 

Theo sohuutritue.net.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU