Ai cũng học xong hết lớp 4 rồi, riêng Linh tụt lại lớp 3.

Tết thiếu nhi với những em bé bên ngoài thì nhiều ước mơ, nhiều vòi vĩnh lắm. Còn với các bệnh nhi đang từng ngày chống chọi với bệnh tật - những cánh chim nhỏ cố vượt qua chân trời đang khép - được về nhà nhiều khi cũng là điều xa xỉ.

Trong khuôn viên ken đặc người, nào bệnh nhi, nào người nhà, nào bác sĩ y tá, nhân viên bệnh viện đi lại như mắc cửi, một góc Bệnh viện Nhi Trung ương rực rỡ, sôi động hẳn lên bởi không khí tổ chức ngày Tết thiếu nhi 1/6 cho các con.

Những ánh mắt háo hức chờ đợi đến lượt được nhận những chú ong, con cún, búp bê làm bằng bong bóng; những bàn tay còn cắm kim bướm, kim truyền giơ ra nhận chiếc kẹo bông, cùng nhau xúc hạt muồng, câu cá; những tiếng cười khi rộn rã, lúc khúc khích khoái chí khi chơi cầu trượt, đu quay… làm sáng lên góc hội chợ.

Trong một khoảnh khắc, dường như người ta có thể quên ngay rằng mình đang đứng trong bệnh viện, nếu không có những chiếc đầu quấn băng, những cái gục đầu mỏi mệt hay những bóng áo blouse trắng xung quanh... Có lẽ đã lâu rồi, các bé và gia đình mới có tiếng cười rộn rã, ánh mắt sáng lên niềm vui như thế.

Ở một vài góc khác, không khí dường như trầm lắng, không ồn ào và náo nhiệt bằng. Nhiều bệnh nhi, do đang được điều trị tích cực, đang phải tiêm truyền, lọc máu hay sức khỏe không đảm bảo, chỉ loanh quanh đi dạo trên hành lang phòng bệnh, hoặc nằm nghỉ trên giường mình.

Thay vì được đi nghỉ mát, đi mua quần áo mới, mua đồ chơi, tham gia các lớp ngoại khóa, lớp năng khiếu như các bạn cùng trang lứa, tưởng tượng ra đủ thứ ước mơ... thì với nhiều em bé đang điều trị trong Bệnh viện Nhi Trung ương, đặc biệt là các bé mắc bệnh hiểm nghèo, mơ ước của các em đơn sơ hơn nhiều lắm.

Ngọc Linh 10 tuổi, đã điều trị ở Khoa Ung bướu gần 1 năm nay. Cô bé hay cười, thích vẽ, có đôi mắt sáng này cũng là “cây văn nghệ” của phòng bệnh, “nổi tiếng” vì lí lắc, vui tươi. Linh khoe, 1/6 năm ngoái, cô bé còn ở nhà, được bố mẹ đưa đi Tam Cốc - Bích Động chơi, được mua quần áo mới. Còn Tết thiếu nhi năm nay, Linh quanh quẩn trong viện, với cột truyền nước và những em bé cùng mang căn bệnh nghiệt ngã như mình làm bạn.

Linh vừa học xong lớp 3 thì phát bệnh, và gần 1 năm nay em dừng chuyện học để tập trung chữa trị. Đang hăng say kể về những tác phẩm vẽ, về môn toán, về những bài hát mình yêu, Linh òa khóc khi nhớ ra, hôm qua là ngày tổng kết năm học.

“Em con năm nay học xong lớp 1 rồi. Hôm qua em khoe em có giấy khen, khoe được lên bục nhận quà của trường. Em bảo, các bạn học cùng lớp chị Linh ai cũng được khen thưởng cuối năm, ai cũng học xong lớp 4 hết rồi, năm nay lên lớp 5, còn mỗi mình chị Linh tụt lại lớp 3 thôi”.

Linh quả quyết, em không cần đi chơi, không cần quà cáp gì trong ngày 1/6 cả, quần áo mới cũng không nốt, mà: “Con muốn khỏe thật nhanh để được về đi học. Chậm hơn các bạn 1 năm cũng được, nhưng con phải về đi học…”.

Với bạn bè Linh, mùa hè mới bắt đầu. Còn Linh, mùa hè của em đã kéo dài hơn 1 năm, và em vẫn đợi đến lúc nó cạn ngày. Linh mơ lớn lên sẽ trở thành bác sĩ để tiêm truyền cho các bạn, trở thành người chăm lo sức khỏe cho gia đình, bố mẹ… nhưng đó là chuyện của những ngày xa xôi, trước hết em phải “nghỉ hè” xong đã.

Ngồi nghỉ dưới tán cây cùng bố, thi thoảng, cậu bé Nhân lại ngước lên nhìn bố cười, khẽ tựa đôi chân băng nẹp vào người bố. Nhân có một gương mặt sáng, nhưng chúng tôi không nghe em nói tiếng nào, chỉ thấy cười. Bố Nhân vội đỡ lời, như sợ ai “đánh giá” con mình chưa ngoan: “Cháu nó không nói được 2 năm nay rồi”.

Anh kể, Nhân đang học dở lớp 4 thì bất ngờ bị viêm não. Năm ấy, sau khi con được xuất viện, virus viêm não không còn, nhưng di chứng của nó thì khủng khiếp. Từ một đứa trẻ hay cười hay nói và viết chữ rất đẹp, Nhân gần như bị liệt nửa người, không cử động hay có phản ứng gì bên trái.

Bác sĩ bảo “trả về nhà”, nhưng anh ôm con ở lì viện, năn nỉ mọi người hãy tìm thêm cách để cứu con. Lãnh đạo bệnh viện biết chuyện, đã giúp đỡ cho bé Nhân nhập viện khoa khác, tiếp tục trị liệu cho bé.

Bố Nhân tập đi, tập nói cho con từ đầu, ăn uống cũng đút, vệ sinh thân thể cũng một tay bố chăm. Anh vẫn tin con hiểu hết lời mình nói, hiểu những cố gắng của bố và vì thế mà khá lên. Nhân khá lên thật. Năm nay, cậu bé đã nhúc nhắc đi được, cười cũng tươi hơn, biểu cảm gương mặt cũng khá hơn.

Nhìn vào tấm màn nhung phủ cánh cửa hội trường đang nhộn nhịp ca múa, anh thở dài: “Anh cho con vào ngó chút thôi, rồi đưa ra, chứ sợ Nhân không chịu nổi tiếng loa đài. Âm thanh này làm anh nhớ đến dịp tổng kết năm học, họp phụ huynh ghê. Năm ngoái, cũng dịp này, anh đưa con đến họp phụ huynh, dù con đã phải nghỉ học hơn nửa năm. Anh hy vọng để cho con nhìn thấy bạn, thấy thầy cô, trường lớp, phần còn lại trong não con sẽ tỉnh thức.

Nhưng Nhân vẫn cười ngây ngô, còn anh, khi nhìn thấy tên con vẫn còn nguyên trên bảng danh sách lớp, nhìn thấy chỗ ngồi của con, thấy lại tập vở với những dòng chữ nắn nót con viết mà anh đau quặn bụng, bật khóc ngay trong lớp. Anh dắt con về. Từ đó đến giờ, anh không dám sang trường con, không dắt con đến đó lần nào nữa.

Nhân giờ cũng có biết chi mà ước đâu, thôi để anh ước giùm con. Bác sĩ bảo bệnh này phải xác định kiên trì chữa lâu dài. Không biết anh còn cố được đến bao giờ, nhưng vẫn mong đến ngày con có lại trí thông minh xưa, giọng nói xưa, lại chạy nhảy tung tăng như trước, vậy là quá đủ rồi”.

Ước mơ của Linh, của Phúc, của Khánh hay của bố Nhân… có lẽ cũng là tâm tư chung của những bệnh nhi, đặc biệt là các bé đang điều trị bệnh hiểm nghèo ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Chẳng phải thế sao, hãy cứ nhìn vào những bức thư pháp các mẹ và các con xin trong hội chợ 1/6 thì rõ. Những “hiếu thuận”, “phúc”, “lộc”, “thọ” cũng có người hỏi xin, nhưng phần lớn các em đều xin chữ “an”, “bình an”, “an khang”, “hạnh phúc”, “may mắn”... Bình an - đó chẳng phải món quà mà ai cũng mong cầu ư?

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU