Ảnh minh hoạ: tribune.com.pk
Cũng vì 4 chữ "làm sao nên người" của mẹ mà Kim Anh đã nỗ lực để không phải nghe những lời vô lý đó. Kim Anh lao đầu vào học, thi đỗ trường trung học phổ thông top đầu rồi bước thẳng vào Học viện Ngoại giao với số điểm cao.
Ngày báo điểm thi đại học, mẹ Kim Anh là người vui nhất. Đi đến đâu, bà cũng khoe con gái. Không những thế, bà còn lên mạng, viết dòng trạng thái thật mùi mẫn trên trang cá nhân, khoe ảnh của con, ảnh hai mẹ con, cảnh gia đình với những niềm vui bất tận.
Những tưởng khi mục tiêu của mẹ đã hoàn thành, Kim Anh sẽ được sống những ngày yên ả. Nhưng không phải như vậy.
Dường như mỗi ngày bà không "gây hấn" với Kim Anh là bà thấy thiếu một thứ gì đó. Mặc dù nhà đã có người giúp việc nhưng bà vẫn muốn Kim Anh phải tham gia làm tất cả mọi việc trong nhà. Mỗi lần bà gọi, Kim Anh bận điện thoại với khách hàng không kịp xuống, bà lại gầm lên: "Đúng là đồ vô tích sự, chẳng được việc gì".
Nhưng nếu có ai đó, thậm chí là người yêu của Kim Anh, đến chơi, bà lại nhanh chóng đổi giọng, khen con hết lời. Nhiều lần, khi "cơn bốc hỏa" của mẹ đã chùng xuống, Kim Anh cố gặng hỏi mẹ lý do về cách cư xử bất nhất của bà, bà chỉ nói: "Thương thì cho roi cho vọt. Mắng chửi như thế còn nhẹ chán. Nếu không có mắng chửi, đâu có Kim Anh của ngày hôm nay".
Tất nhiên, người mẹ nào chẳng thương con, tìm cách dạy dỗ, lo lắng cho tương lai của con. Thế nhưng, cách mà mẹ của Kim Anh đang làm khiến con mình dù có thể thành công trong sự nghiệp nhưng tâm lý bị tổn thương sâu sắc cũng là một điều rất đáng để suy ngẫm.