Ăn bao cái Tết nhưng bạn có biết vì sao miền Bắc chưng hoa đào còn miền Nam lại chuộng hoa mai không?

Cùng đi tìm câu trả lời cho câu hỏi vì sao vào dịp Tết nguyên đán ở miền Bắc lại chưng hoa đào trong khi ở miền Nam lại chuộng hoa mai nhé!

Có thể nói ngày Tết ở mỗi nhà sẽ không thể thiếu được chậu hoa đào hay hoa mai để chưng. Đây từ lâu đã trở thành một nét truyền thống, một phong tục đặc trưng, không thể thiếu ở mỗi gia đình vào mỗi dịp Tết đến Xuân về. Thế nhưng, bạn có bao giờ thắc mắc vì sao mọi người lại chưng hoa đào ở miền Bắc trong khi ở miền Nam lại là hoa mai không? Cùng khám phá câu trả lời ngay sau đây!

Khí hậu hai miền khác biệt!

Tuy lãnh thổ nước ta nằm trọn trong khu vực nhiệt đới nhưng khí hậu ở miền Bắc và miền Nam lại có sự khác nhau. Nếu như miền Bắc có kiểu khí hậu cận nhiệt đới ẩm với 4 mùa (Xuân – Hạ - Thu – Đông) rõ rệt thì ở Nam Bộ lại chịu ảnh hưởng của vùng khí hậu nhiệt đới xavan gồm 2 mùa (mùa mưa và mùa khô).

Không chỉ có khí hậu mà các yếu tố khác như: thổ nhưỡng, thời tiết, độ ẩm,… giữa hai miền Nam – Bắc cũng có sự khác biệt. Chính vì thế ở từng miền, mỗi loài hoa sẽ có thể sinh trưởng và phát triển tốt nhất trong các điều kiện tự nhiên phù hợp. Vậy nên, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về cành đào sẽ nở rộ khoe sắc hồng tươi tắn trong tiết trời se lạnh, lất phất mưa phùn ở phía Bắc còn cành mai sẽ hé nụ vàng rạng rỡ trong nắng ấm của phương Nam.

Câu chuyện dân gian về hoa đào

Bên cạnh những yếu tố, điều kiện về tự nhiên khách quan thì chúng ta có thể xét thêm ở phương diện nguồn gốc dân gian. Theo dân gian kể lại, ngày xưa, ở phía Đông núi Sóc Sơn, có một cây hoa đào mọc đã lâu đời. Cành lá đào sum suê, to lớn khác thường, bóng rậm che phủ cả một vùng rộng. Có hai vị thần tên là Trà và Uất Lũy trú ngụ ở trên cây hoa đào khổng lồ này, có uy quyền che chở cho dân chúng khắp vùng.

Quỷ dữ hay ma quái nào bén mảng lui đến sẽ bị sự trừng phạt của 2 vị thần này. Ma quỷ rất khiếp sợ uy vũ sấm sét của hai vị thần, đến nỗi sợ luôn cả cây đào. Chỉ cần trông thấy cành hoa đào là cao chạy xa bay.

Đến ngày cuối năm, cũng như các thần khác, hai thần Trà và Uất Lũy phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Trong mấy ngày Tết, 2 thần vắng mặt ở trần gian, ma quỷ hoành hành, tác oai tác quái. Thế nên, để ma quỷ khỏi quấy phá, dân chúng đã đi bẻ cành hoa đào về cắm trong lọ, nhỡ ai không bẻ được cành đào thì lấy giấy hồng điều vẽ hình 2 vị thần linh dán ở cột trước nhà, để xua đuổi ma quỷ. Cũng từ đó mà mỗi năm khi tết đến xuân về, người người, nhà nhà đều cố chọn cho mình những cành đào, cây đào thật đẹp, thật uy nghi.

Quan niệm dân gian về hoa mai

Theo dân gian quan niệm, màu vàng của hoa mai là màu của sự giàu sang, phú quý và hy vọng. Trong quan niệm về ngũ hành, màu vàng là hành Thổ (đất), nằm ở vị trí trung tâm, quy tụ cả Kim, Mộc, Thủy, Hỏa (kim loại, cây gỗ, nước, lửa), có chức năng sinh sản, duy trì nòi giống. Hoa mai có 5 cánh tượng trưng cho 5 điều tốt lành trong cuộc sống là: hạnh phúc, may mắn, trường thọ, thành công và bình an.

Không những thế, cây mai còn là biểu tượng của sự bất khuất, ý chí kiên cường, phẩm cách cao thượng của người quân tử bởi có dáng thân thẳng. Ngoài ra, cây mai còn là biểu tượng cho phẩm chất cao quý cần cù, chịu khó, nhẫn nại, can đảm của người dân Việt bởi rễ của cây mai cắm sâu vào lòng đất, chịu đựng gió mưa bão lụt để có thể nở hoa đúng dịp Tết nguyên đán.

Đặc biệt, vào cuối đông cây mai sẽ trút những chiếc lá già cỗi, nhường cho chồi non, hoa vàng nở đầu xuân vì thế hoa mai còn tượng trưng cho đức hy sinh.

 

link gốc: http://helino.ttvn.vn/helino/an-bao-cai-tet-nhung-ban-co-biet-vi-sao-mien-bac-chung-hoa-dao-con-mien-nam-lai-chuong-hoa-mai-khong-220202110830849.htm

Theo helino.ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU