Ấn Độ hiện đang là tâm chấn của đại dịch Covid-19 toàn cầu, nhưng Ấn Độ không phải là nơi duy nhất đang trải qua một đợt bùng phát dịch Covid-19 trầm trọng, CNBC đưa tin.
Từ Argentina ở Mỹ Latinh đến Nepal ở châu Á, nhiều nơi khác cũng đang chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng kỷ lục trong vài tuần qua, theo dữ liệu do Đại học Johns Hopkins (Mỹ) tổng hợp.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, đã bày tỏ lo ngại về cuộc khủng hoảng sức khỏe đang hoành hành trên khắp thế giới.
"Ấn Độ vẫn rất đáng lo ngại... nhưng không chỉ Ấn Độ có nhu cầu khẩn cấp", ông nói trong một cuộc họp báo trong tháng 5.
Trong khi đó, tiến độ tiêm chủng vẫn chưa đồng đều trên toàn thế giới. Nhìn chung, các quốc gia phát triển như Mỹ và Vương quốc Anh đang đi trước trong việc tiêm chủng cho người dân của họ trong khi các quốc gia nghèo hơn ở châu Phi và các khu vực châu Á đang tụt hậu do nguồn cung cấp vắc xin hạn chế.
Dưới đây là một số nơi mà số ca mắc Covid-19 đang gia tăng.
Argentina
Tổng số ca mắc: Hơn 3,5 triệu tính đến ngày 23 tháng 5, theo dữ liệu của Hopkins.
Tổng số ca tử vong: Hơn 74.000 người tính đến ngày 23 tháng 5, theo dữ liệu của Hopkins.
Tiêm phòng: Khoảng 19,25% dân số được tiêm ít nhất một liều, theo Our World in Data.
Trong vài tuần gần đây, Argentina đã ghi nhận số ca mắc và tử vong hàng ngày cao kỷ lục, khiến các nhà chức trách phải áp dụng lệnh phong tỏa mới kéo dài đến cuối tháng 5.
Theo Reuters, các biện pháp phong tỏa này có hiệu lực từ cuối tuần trước, bao gồm đóng cửa trường học và các cơ sở kinh doanh không thiết yếu, cấm tổ chức các sự kiện xã hội, tôn giáo và thể thao.
Dữ liệu của trường Hopkins cho thấy số ca mắc đã nhanh chóng tăng từ 5.000 một ngày vào đầu tháng 3 lên mức cao kỷ lục hơn 39.000 một ngày vào thứ 4 tuần trước. Số người chết cũng tăng từ 112 người vào ngày 1 tháng 3 lên mức kỷ lục 744 vào thứ 3 tuần trước, theo dữ liệu.
Đợt bùng phát này đã ảnh hưởng đến hệ thống chăm sóc sức khỏe của Argentina và Tổng thống Argentina Alberto Fernandez đã nói hôm thứ 5 tuần trước rằng "chúng ta đang sống trong thời khắc tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu".
Theo trang web thống kê Our World in Data, việc tiêm chủng đang tiến triển chậm ở nước này, với khoảng 19% trong số khoảng 45 triệu dân được tiêm ít nhất một liều vắc xin.
Người dân xếp hàng đợi xét nghiệm Covid-19 tại Argentina ngày 13/4.
Nepal
Tổng số ca mắc: Hơn 513.000 tính đến ngày 23 tháng 5, theo dữ liệu của Hopkins.
Tổng số ca tử vong: Hơn 6.300 người tính đến ngày 23 tháng 5, theo dữ liệu của Hopkins.
Tiêm phòng: Khoảng 7,3% dân số được tiêm ít nhất một liều, theo Our World in Data.
Số ca mắc Covid-19 gia tăng ở Nepal đang làm quá tải hệ thống chăm sóc sức khỏe mong manh của nước này.
"Cơ sở hạ tầng y tế của chúng tôi đang gặp khủng hoảng. Chênh lệch giữa cung và cầu oxy là rất lớn. Chúng tôi cũng không còn vắc xin nữa", Tiến sĩ Samir Kumar Adhikari, người phát ngôn chính của Bộ Y tế Nepal, cho biết.
Nepal, quốc gia có dân số khoảng 29 triệu người, có chung biên giới với Ấn Độ, nơi đang trải qua làn sóng Covid-19 thứ hai tàn khốc.
Nhiều người ở Nepal đổ lỗi cho những công nhân nhập cư từ Ấn Độ đã mang virus về Nepal, NBC News đưa tin. Nhiều tờ báo đưa tin rằng nhiều công nhân Nepal đã buộc phải trở về nhà sau khi mất việc làm và thu nhập vì nhiều nơi ở Ấn Độ đóng cửa.
Dữ liệu của Hopkins cho thấy số ca mắc một ngày của Nepal tăng từ dưới 200 người vào đầu tháng 4 lên mức cao kỷ lục hơn 9.300 người vào giữa tháng 5.
Nepal bắt đầu tiêm vắc xin cho người dân vào tháng 1 bằng vắc xin AstraZeneca, cung cấp bởi Ấn Độ và Covax - một liên minh toàn cầu nhằm phân phối vắc xin công bằng. Tuy nhiên, quốc gia Nam Á này đã hết vắc xin và Ấn Độ vẫn chưa cung cấp số vắc xin mà Nepal đã đặt hàng.
Ấn Độ đã tạm dừng xuất khẩu vắc xin Covid-19 vì nước này ưu tiên nhu cầu trong nước.
Bahrain
Tổng số ca mắc: Hơn 218.000 tính đến ngày 23 tháng 5, theo dữ liệu của Hopkins.
Tổng số ca tử vong: Ít nhất 820 người tính đến ngày 23/5, theo dữ liệu của Hopkins.
Tiêm phòng: Khoảng 51,8% dân số được tiêm ít nhất một liều, theo Our World in Data.
Trong số các nơi có số ca mắc Covid-19 gia tăng, Bahrain là một trong số ít địa điểm đã tiêm phòng cho một tỷ lệ tương đối lớn.
Theo dữ liệu của Hopkins, số ca mắc hằng ngày ở Bahrain đã tăng từ khoảng 600 người vào đầu tháng 3 lên hơn 2.000 ca một ngày vào tuần trước.
[Đọc thêm: 5 quy tắc vàng cần nhớ khi đi làm mùa dịch]
Bahrain đã phê duyệt một số vắc xin Covid-19 để sử dụng, bao gồm Pfizer-BioNTech, Sinopharm của Trung Quốc và Sputnik V của Nga.
Đợt bùng phát dịch mới nhất của Bahrain làm dấy lên lo ngại về hiệu quả của vắc xin của Sinopharm và Sputnik. Các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao khác - chẳng hạn như Israel và Vương quốc Anh - chủ yếu sử dụng các vắc xin do phương Tây phát triển, đang báo cáo số ca mắc giảm.
Ở Bahrain, mặc dù số ca tử vong đang gia tăng nhưng nhìn chung vẫn ở mức thấp - ngay cả khi số ca mắc tăng nhanh.
Đài Loan
Tổng số ca mắc: Hơn 4.300 tính đến ngày 23 tháng 5, theo dữ liệu của Hopkins.
Tổng số ca tử vong: Ít nhất 23 người tính đến ngày 23/5, theo dữ liệu của Hopkins.
Tiêm phòng: Khoảng 0,14% dân số được tiêm ít nhất một liều, theo Our World in Data.
Trong làn sóng dịch bệnh trước, Đài Loan được khen ngợi vì đã thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 mà không phong tỏa hoàn toàn.
Theo số liệu của Hopkins, hòn đảo với dân số khoảng 24 triệu người chỉ ghi nhận 1.128 ca mắc Covid-19 và 12 trường hợp tử vong tính đến cuối tháng 4.
Nhưng làn sóng mới nhất đã khiến số ca mắc tăng nhanh, khiến tổng số ca mắc tính đến ngày 23 tháng 5 là hơn 4.300 ca.
Con số này vẫn nhỏ hơn rất nhiều so với hầu hết các nơi khác trên thế giới, nhưng là một cột mốc quan trọng đối với Đài Loan, nơi cuộc sống hằng ngày hầu như vẫn diễn ra bình thường trước khi có làn sóng mới nhất.
Phun khử khuẩn tại một ga tàu ở Đài Loan hôm 20/5.
Một số phương tiện truyền thông đã cho rằng sự chủ quan là nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát mới.
Đài Loan đã nới lỏng các yêu cầu cách ly đối với các thành viên phi hành đoàn vào giữa tháng 4; và một khách sạn gần Sân bay Quốc tế Đào Viên đã được phát hiện vừa đón phi hành đoàn cách ly, vừa đón các du khách khác - điều dẫn đến một loạt ca mắc mới.
Các nhà chức trách kể từ đó đã áp đặt các quy định mới về giãn cách xã hội nhằm hạn chế tụ tập đông người, đóng cửa một số cơ sở kinh doanh và thắt chặt biên giới.
Đài Loan, một trong những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất trên toàn cầu, cũng đang cố gắng tăng cường nỗ lực tiêm chủng cho người dân.
(Nguồn: CNBC)
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/an-do-khong-phai-diem-nong-covid-19-duy-nhat-4-noi-khac-cung-dang-ngoi-tren-dong-lua-161212505144731709.htm
Theo ttvn.vn