Bài viết dưới đây là quan điểm của anh Chánh Văn Hoàng Anh Tú, người đang làm cha của 3 bạn nhỏ, người cũng từng có 12 năm lắng nghe tâm sự của các thế hệ tuổi teen và bố mẹ của các em.
Chỉ trong vòng 1 tuần, Hà Nội đã chứng kiến 2 đứa trẻ chọn cách rời bỏ cuộc đời đang dang dở. Một bé gái 15 tuổi, và hôm qua, một cậu bé 16 tuổi. Người lớn bàng hoàng và đau đớn. Rồi nhiều người trong chúng ta nghĩ ngay đến việc đổ lỗi cho cha mẹ và nhà trường đã tạo áp lực học hành cho con quá mức. Bởi để đi đến quyết định ấy vốn chẳng phải là sự bồng bột nhất thời, nó là cả một sự tích tụ qua nhiều thời gian trước đó.
Lũ trẻ Việt Nam nói riêng và Châu Á nói chung, hầu hết ít được cha mẹ lắng nghe vì văn hóa Á Đông đặt quyền làm cha, làm mẹ cao hơn quyền của một đứa trẻ. Ý kiến của một đứa trẻ đưa ra luôn bị xếp sau ý chí, mong muốn, kỳ vọng và cả lòng thương con rất nhiều điều kiện của cha mẹ. Phải, là thương con với rất nhiều điều kiện. Như con ngoan mẹ mới thương. Như con học giỏi thì muốn gì được nấy. Như con nghe lời thì mới là con ngoan. Như con tuân thủ mọi yêu cầu mà cha mẹ đặt ra con mới được đáp ứng. Mà kể cả khi con tuân thủ mà khi đó cha mẹ không muốn thì con phải biết thông cảm cho sự vất vả của cha mẹ. Là cha mẹ luôn đòi hỏi con mình thay vì lắng nghe chúng. Chưa kể, con phải chịu cả trách nhiệm với mặt mũi của cha mẹ, sĩ diện của cha mẹ.
Không! Tôi không trách cứ cha mẹ Việt. Bởi tôi cũng đang làm cha, tôi cũng có những điều kiện đặt ra cho con mình như mọi người. Chỉ là tôi cũng như nhiều cha mẹ khác may mắn vì đã có một đứa con chưa chọn cách rời bỏ cuộc sống này. Chúng vẫn sống, vẫn nghe lời cha mẹ, vẫn tha thứ cho mỗi sai lầm của cha mẹ trong cách đối xử với chúng. Là chúng tha thứ cho chúng ta. Chúng không phản hồi chúng ta như cái cách mà cậu bé 16 tuổi trước khi gieo mình từ tầng 28 xuống đã nói với bố ra đọc đoạn thư của mình. Đau lòng. Tôi tin chắc một điều rằng người cha kia đã chịu một “sự trừng phạt” đau đớn đến mức nào từ người con của mình. Không cần chúng ta phải làm gì cả. Điều chúng ta cần làm lúc này là hãy xin lỗi con mình, hãy cảm ơn con mình vì đã tha thứ cho bố, cho mẹ.
Tôi tin. Tôi tin rằng nhiều cha mẹ cũng đã như tôi, đêm nọ thức đến 3h sáng khi đọc đoạn thư của cậu bé. Phân tích thế nào, truy vấn ra sao thì vẫn quay lại việc chúng ta đang làm cha, làm mẹ đúng không? Bao nhiêu sách vở, bao nhiêu lý thuyết dạy làm cha, học làm mẹ đang đầy rẫy trên kệ sách và cả trên mạng, có cuốn nào dạy chúng ta làm cha của chính con mình? Học làm mẹ kiểu Do Thái có thể làm mẹ cái Tũn Bông? Dạy làm cha kiểu Mỹ có thể làm cha thằng Pi Nhắng? Mẹ Đức dạy con có áp dụng được cho một bà mẹ có con tên Đức? Cha Phần Lan dạy con có sử dụng được cho ông bố có cô con gái tên Lan? Học và đọc sách là tốt nhưng làm cha mẹ một đứa trẻ vốn chẳng có giáo trình nào cả. Vì mỗi đứa trẻ lại là một bản thể độc lập. Chúng không phải bản sao của chúng ta để nói “Ngày bố bằng tuổi con...”. Lại càng không thể bắt chúng copy mô hình “bạn A lớp con”, “bạn C con chú D” hay “anh con, chị con…”. Như nhà tôi, 3 đứa con là 3 bản thể khác nhau hoàn toàn dù cùng bố, cùng mẹ, cùng chế độ dinh dưỡng và cả sự công bằng trong đối xử. Nên là mỗi đứa con chính là một bản thể riêng biệt chứ không thể dùng cách dạy đứa này để áp dụng lên đứa khác.
Tôi vẫn mong các cha mẹ nhìn vào 2 bi kịch này không phải bằng sự đau lòng hay phán xét cha mẹ của 2 đứa trẻ. Chúng ta có quyền gì mà phán xét, bởi đâu ở trong hoàn cảnh của họ, đâu biết chuyện gì đã thực sự xảy ra. Cha mẹ các em vẫn phải tiếp tục sống, chúng ta phải tiếp tục động viên gia đình, thay vì sự phán xét.
Tôi chỉ mong chúng ta - khi đã bình tâm hơn - là hãy nhìn lại cách làm cha, làm mẹ của mình. Là hãy Cảm ơn và Xin lỗi con mình vì chúng đã không chọn cách rời bỏ cuộc đời như một sự phản hồi với những sai lầm của chúng ta. Hãy thấy mình thật may mắn vì con chúng ta đã kiên cường thế nào. Hãy nhìn và đánh giá lại những áp lực làm con mà chúng đã trải qua.
Áp lực làm con nhiều khi kinh khủng lắm. Vợ tôi đã từng bật khóc khi nhớ lại việc mình từng trải qua áp lực thế nào mỗi khi mẹ đi làm về. Mẹ vợ tôi cũng bật khóc và xin lỗi con vì gần 30 năm nuôi dạy con theo lòng thương của mẹ chứ không phải lòng thương tới con. Là đặt yêu thương con lên trên sự hiểu con. Mẹ nào chả thương con, nhưng thương con theo ý mẹ luôn không phải là thứ đứa con cần. Bởi quá nhiều cha mẹ không hiểu con.
12 năm làm Chánh Văn, đó chính là lý do khiến hàng triệu đứa trẻ tìm đến tôi qua những bức thư vậy. Là bố mẹ không hiểu con. Áp lực làm con không chỉ đến từ những đòn roi của cha mẹ, kể cả những lời quát mắng mà đôi khi đến cả từ sự kỳ vọng của cha mẹ. Đó là lý do tôi luôn nhắc nhở các cha mẹ: Nuôi dạy con kỳ công chứ không kỳ vọng vậy. Lũ trẻ còn bị áp lực cả với ánh mắt tự hào, hãnh diện của cha mẹ nữa. Khi cha mẹ tự hào, hãnh diện về con được điểm cao, con học trường chuyên lớp chọn chính là khiến lũ trẻ sợ thua cuộc, sợ thất bại, sợ khiến cha mẹ thất vọng. Áp lực còn đến từ chính việc cha mẹ hy sinh vì mình nhiều thế nào. Nhiều khi nói cho con hiểu về sự hy sinh của bố mẹ lại khiến con bị áp lực phải hoàn hảo để không phụ lòng hy sinh ấy. Làm con cũng chịu nhiều áp lực chứ không phải chỉ áp lực tiền bạc, vị trí xã hội như cha mẹ, người lớn.
Nhiều người bạn nói với tôi: Làm cha mẹ thời nay thật khó. Mà quên rằng làm trẻ con thời nay cũng khó hơn không kém. Xưa chúng ta chỉ cần có cái ăn cái mặc là vui rồi, là sống rồi. Bố mẹ mắng chửi vài câu tai này sang tai nọ là xong. Bố có quật bằng thắt lưng, đau đấy nhưng mai lại hò hét nô đùa. Mẹ có cáu bẳn, khi đó ta chỉ cần tìm cách chuồn lẹ là xong. Nhưng lũ trẻ ngày nay hiểu biết hơn, cơ hội tiếp cận mạng Internet nhiều hơn, tổn thương vì thế cũng đã được gọi tên.
Lũ trẻ nghĩ sâu hơn nhưng vì còn quá trẻ nên không đủ trải nghiệm để nghĩ ra khỏi những điều tiêu cực, nên cứ luẩn quẩn, sâu hơn, sâu hơn nữa sự u uất, trầm cảm. Làm con thời nay vì thế khó hơn làm con thời chúng ta. Và làm cha mẹ thì càng phải thay đổi cách mỗi ngày thay vì áp dụng lại cách cha mẹ ta đã dạy ta, nuôi ta khôn lớn.
Ngăn ngừa lũ trẻ chọn cách tệ nhất vốn không phải lắp thêm lưới chắn, dọn xuống nhà thấp tầng mà là tháo đi rào lưới chắn đôi tai của mình, đôi mắt của mình, sự hiểu về con mình. Mà là giúp con đứng cao lên nữa trong vai trò làm con. Giúp con nhận ra giá trị bản thân nó bằng việc tôn trọng và lắng nghe con. Giúp con phát triển chính những giá trị đó của mình và từ đó, trân trọng chính bản thân mình. Bao nhiêu đứa trẻ đang nghĩ mình chẳng có mấy giá trị trong mắt cha mẹ? Bao nhiêu đứa trẻ tưởng lầm giá trị của nó chỉ là học thật giỏi, nghe lời cha mẹ, không đua xe, không hút thuốc, không yêu đương, không quậy phá?
Thưa cùng các cha mẹ!
Sau những đau lòng mà chúng ta đã trải qua khi đọc, xem những câu chuyện này, liệu ai có thể quay lại nhìn con mình, nhìn lại và đánh giá cách chúng ta đã làm cha, làm mẹ thế nào? Chúng ta có đủ dũng cảm để ngồi xuống thấp bằng con, tạm gạt bỏ đi quyền làm cha, làm mẹ để ngang cấp với quyền làm con? Để trò chuyện với nhau một cách công bằng như 2 người bạn. Là không đánh giá, phán xét, chỉ trích ý kiến của con. Là xin lỗi khi sai, cảm ơn khi con đã giúp mình nhận ra sai sót của mình. Là thừa nhận những lỗi sai mình đã khiến con thấy áp lực không đáng có. Là ủng hộ con nói ra ý kiến của bản thân. Là muốn con sống như những gì con nghĩ, dù nó có thể chưa ổn, có thể còn thiếu sót nhiều.
Nhưng chúng ta làm cha, làm mẹ đến tận khi chúng ta nhắm mắt xuôi tay chứ nào phải chỉ lúc này? Nên chúng ta còn rất nhiều thời gian để cùng con học hiểu cái sai, sửa lại cho đúng kia mà, phải không? Ngày tháng rộng dài, đừng vì một nỗi lo quá xa mà thành cơn bực tức ngay lúc đó. Đừng cố “nói sao con hiểu” mà hãy làm sao hiểu con trước khi muốn con hiểu mình. Xin lỗi con vì đã có lúc yêu thương làm bố mẹ hành xử thiếu suy nghĩ. Xin lỗi con vì đã để con một mình chịu những áp lực. Xin lỗi con vì bố mẹ tưởng như vậy là tốt cho con. Xin lỗi con vì những khi bố mẹ để quyền làm cha, làm mẹ lấn át và áp đặt quyền của con. Hãy xin lỗi về tất cả những gì bạn đã nhận ra và hãy giúp con bày tỏ những điều để cha mẹ hiểu con hơn.
Sau những xin lỗi là những lời cảm ơn. Nhất định phải cảm ơn! Là cảm ơn con vì đã tha thứ cho bố mẹ. Cảm ơn con vì đang dạy bố mẹ cách làm cha, làm mẹ đúng như con mong đợi. Cảm ơn con vì những điều tuyệt vời nhất mà bố mẹ có được khi làm cha mẹ của con. Là cảm ơn những giá trị mà con đã tạo ra chứ không phải những ban ơn của cha mẹ.
Và cha mẹ ạ, chúng ta hạnh phúc vì chúng ta có con. Xin đừng khoác thêm quá nhiều điều kiện nữa lên hạnh phúc ấy. Yêu thương là vô điều kiện mà, phải không?