Chỉ vài giờ sau khi chính phủ Anh tuyên bố Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) không có đủ nguồn lực để kiểm tra tất cả các ca nghi nhiễm bệnh COVID-19, một bác sỹ ở phòng khám tư ở London đã bắt đầu nhận được các đơn đặt hàng các bộ xét nghiệm virus corona, dù sản phẩm này đang được bán giá đắt gấp 3 lần mức giá thông thường.
“Tôi biết nhiều người sẽ phê phán tôi là trục lợi” trích lời bác sỹ Mark Ali. Chỉ trong vòng 1 tuần, vị bác sỹ này đã thu được 2.6 triệu bảng ( khoảng 3 triệu USD) tiền đặt hàng.
Việc xét nghiệm virus corona hàng loạt được coi là mấu chốt trong chiến lược ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh của chính phủ Anh. Nhưng các cơ sơ y tế và phòng thí nghiệm tư nhân đã tận dụng cơ hội này để mua bán các bộ xét nghiệm, khiến cho nguồn cung bộ sản phẩm trở nên khan hiếm.
Không chỉ vậy, một số bộ xét nghiệm còn bị nâng giá lên nhiều lần, và xảy ra có hiện tượng trục lợi trong mùa dịch. Nhiều sản phẩm không đạt chất lượng, cho kết quả xét nghiệm âm tính giả hoặc dương tính giả. Một số còn là hàng giả.
Cơ quan y tế "cạnh tranh" với tư nhân
Giống như Mỹ, nước Anh đã thay đổi hướng tiếp cận đối với cuộc chiến chống virus corona sau khi người đứng đầu chính phủ hứng chịu chỉ trích dữ dội từ công chúng vì đã không tiến hành đủ xét nghiệm để phát hiện người nhiễm bệnh sớm.
Hiện tại, Anh đang có kế hoạch xét nghiệm virus corona cho 25.000 bệnh nhân mỗi ngày. Mới đây, thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố, chính phủ nước này sẽ “đặt mua hàng triệu bộ xét nghiệm để nhanh chóng nhận dạng kẻ thù vô hình”.
Các quan chức y tế nước này đã thông báo họ đang thảo luận với hàng chục hãng tư nhân về việc mua bộ xét nghiệm, và họ đã kí kết thành công 1 hợp đồng trị giá 1,2 tỷ USD.
Mặc dù không có nhiều nghi ngại về khả năng đạt mục tiêu của chính phủ Anh nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, đáng ra chính phủ không phải cạnh tranh với các công ty tư nhân ở thời điểm quyết định này.
“Cho dù do chính phủ hay tư nhân sản xuất hay cung cấp thì các nguồn lực thiết yếu và quý hiếm chống dịch như bộ xét nghiệm phải được coi là nguồn lực công. Nếu không, điều này sẽ gây nguy hiểm cho tất cả mọi người”, Tiến sỹ Jonathan Quick của Viện y tế toàn cầu Duke (Mỹ), nguyên giám đốc chính sách y tế của Tổ chức Y tế thế giới, cho hay.
Tuy vậy, nhiều công ty vẫn bất chấp để trục lợi từ việc sản xuất hay phân phối bộ thử. Về mặt luật pháp thì hành động này không phạm pháp nhưng đó là một nỗi hổ thẹn.
Ảnh minh họa. NYtimes
Hãy xem xét trường hợp phòng thí nghiệm AlphaBioLabs, một doanh nghiệp tư nhân tại Tây Bắc Anh. Cho tới gần đây, nơi này có lẽ chỉ nổi tiếng vì xét nghiệm ADN trong "Jeremy Kyle Show", chương trình vừa bị hủy phát sóng hồi năm ngoái.
Trong thông cáo ngày 20/3 vừa qua, hãng này “cảm thấy buồn và sốc khi nhận được quá nhiều yêu cầu trợ giúp về bộ xét nghiệm sáng lọc COVID-19 từ các tổ chức trên tuyến đầu chống dịch như NHS”. Do đó, công ty đề nghị bán kho dự trữ cho NHS nhưng từ chối tiết lộ số lượng bộ thử đã bán.
Ba ngày trước đó, AlphaBioLabs đã đăng thông báo quyết định rao bán bộ thử với giá 125 bảng/ bộ. Một tờ báo đã chạy hàng tít về sự kiện này như sau: “Sản phẩm xét nghiệm nhanh có thể nhận diện virus chỉ trong 15 phút”.
Nhưng chính trên website, AlphaBioslabs cũng thừa nhận mình không sản xuất bộ thử mà nhập khẩu từ một công ty của Mỹ có tên là Bio Medomics. Mỗi bộ thử có chi phí sản xuất khoảng 2 USD và nếu mua số lượng lớn thì có giá không quá 9 USD/ bộ.
Ông David Thomas, giám đốc điều hành của hãng AlphaBioLabs, nói rằng chi phí sản xuất chỉ là một yếu tố trong tổng chi phí cho chiến dịch marketing. Công ty này còn phải trả tiền sản xuất các clip hướng dẫn sử dụng trực tuyến cho khách hàng và nhân viên y tế.
Ông cũng không quên đề cập tới các loại chi phí đóng gói, logistic và chi phí khác đang tăng lên. Ông Thomas từ chối trả lời các câu hỏi liên quan tới lợi nhuận trên mỗi bộ thử và số lượng bộ thử đã bán của công ty nhưng khẳng định mức lãi khá “ khiêm tốn và phù hợp mức chuẩn của ngành thiết bị y tế”.
Đơn hàng tối thiểu tại BioMedomics là 1000 bộ nhưng công ty từ chối tiết lộ thêm thông tin về số lượng bộ thử AlphaBioLabs đã đặt hàng. Theo phát ngôn viên của BioMedomics, ông Kent Lupino: “Là một công ty quy mô nhỏ, chúng tôi không thể gây ảnh hưởng gì cho các đại lý bán buôn về mức giá sản phẩm họ bán trong bối cảnh dịch bệnh tràn lan như hiện nay”.
AlphaBioLabs thông báo đã tìm được thêm nhà cung cấp từ Trung Quốc, Đức và Mỹ nhưng từ chối tiết lộ danh tính của các công ty này.
Theo ông Thomas, hãng này sẽ bán trực tiếp cho NHS, dịch vụ cấp cứu và các doanh nghiệp chính yếu trong nền kinh tế Anh. “AlphaBioLabs không hề trục lợi từ đại dịch y tế toàn cầu mà chúng tôi đang cung cấp dịch vụ thiết yếu trong mùa dịch”.
Bà Annelise Wilder Smith, giáo sưu bệnh truyền nhiễm tại Trường vệ sinh và dược nhiệt đới London nói rằng chính phủ nên quy định mức giá trần và số lượng bộ thử có thể được rao bán của doanh nghiệp tư nhân. “Tôi không phản đối việc doanh nghiệp tư nhân cung cấp bộ thử nhưng chính phủ cần hạn chế các biện pháp lợi dụng dịch bệnh để trục lợi”, bà Smith nói.
Giá bộ xét nghiệm đắt gấp 3
Bác sỹ Ali, người điều hành phòng khám tư Harley Street Clinic ở London, chia sẻ ông không hối hận về việc đăng bán gần 7000 bộ thử với giá 375 bảng/ bộ. Ông nói rằng ông đã quyên góp 100 bộ thử cho NHS.
“Tôi cảm thấy ổn với mức giá này, nếu ai khác muốn bán mức thấp hơn cũng chẳng sao cả. Tôi tin rằng mọi người đều nên dùng thử xét nghiệm và tôi sẽ cung cấp giải pháp để đáp ứng nhu cầu này” chia sẻ của bác sỹ Ali trong 1 cuộc phỏng vấn.
Hãy thử phân tích mức giá 375 bảng/ bộ thử như sau.
Phòng khám Harley street không sản xuất, phân phối các bộ thử hay xử lý kết quả từ các bộ thử. Tuy vậy, nó lại bán bộ thử với giá đắt gấp 3 lần mức giá bán công khai 120 bảng/bộ của nhà sản xuất - phòng thí nghiệm Randox tại Bắc Ireland.
Khi một đơn hàng được đặt trên website của phòng khám, các bộ thử sẽ được vận chuyển trực tiếp từ Randox tới khách hàng không thông qua phòng khám. Bác sỹ Ali từ chối tiết lộ mức giá mình mua bộ thử từ Randox và nhấn mạnh mức giá bán của mình bao gồm dịch vụ tư vấn y tế.
Tài sản chính của phòng khám tư Harley Street dường như chỉ gói gọn trọng việc nó có 1 cái tên gắn liền với con phố nổi tiếng về y khoa tại London. Sổ sách của công ty chỉ ra rằng phòng khám này thực chất đặt tại căn hộ của bác sỹ Ali, và cách London hàng chục km về phía bắc.
Phòng khám thành lập năm 2017 sau khi hai công ty trước đó của bác sỹ Ali bị ngừng hoạt động do không báo cáo đầy đủ các số liệu tài chính cho cơ quan chính phủ. Phòng khám tư Harley Street cũng đã rơi vào tình cảnh tương tự cho tới khi họ công khai số liệu tài chính vào mùa hè năm ngoái, cho thấy giá trị tài sản ròng của phòng khám không quá 200 bảng.
Bác sỹ Ali nói hiện tại phòng khám đã bán được tổng số đơn hàng có giá trị lên tới 1 triệu bảng Anh và phòng khám đang quá tải vì hiện có rất nhiều người gọi điện đến phòng khám đặt mua hàng. Để đáp ứng nhu cầu tăng cao này, ông Ali dự định tuần này sẽ thuê thêm nhân viên để trả lời điện thoại của khách hàng.
Mặc dù đã tăng thêm nhân lực và lời đảm bảo trên website rằng khách hàng sẽ nhận được kết quả trong vòng 3 ngày nhưng nhiều khả năng phải mất hơn 1 tuần sau khi dịch vụ xét nghiệm được triển khai mới có kết quả.
Bác sĩ Ali nói ông biết chắc chắn sẽ có “sự hỗn loạn” nhưng ông không nghĩ quy mô lại lớn như vậy, khi hãng Randox không kịp xử lý hàng nghìn xét nghiệm mỗi ngày - điều mà ông Ali đã hứa hẹn và khách hàng của ông đã chi trả.
Randox là một trong những phòng thí nghiệm tư nhân đang đàm phán với cơ quan y tế của Anh về việc phân phối bộ xét nghiệm. Tuy vậy, hãng này cũng đang bị quá tải đơn hàng từ khu vực tư nhân. Ông Ali cho hay, nếu phòng thí nghiệm này kí hợp đồng với NHS thành công, ông sẽ ngừng bán các bộ thử.
Không nên tự mua kit xét nghiệm
Phát ngôn viên của hãng Randox Amy Milllar, khẳng định công ty đang “đàm phán với rất nhiều cơ quan y tế, bao gồm Bộ Y tế công nước Anh, về việc tối ưu hóa xét nghiệm” nhằm hỗ trợ đối phó với dịch corona.
Hãng này đã phát triển bộ xét nghiệm “giá rất cạnh tranh” nhưng “không có khả năng kiểm soát” đối với mức giá bán lẻ hay số tiền mà khách hàng sẵn sàng trả cho sản phẩm.
Mặc dù cả Randox và BioMedomics đều uy tín, sở hữu giấy chứng nhận vệ sinh an toàn của Châu Âu, nhưng hai phòng thí nghiệm này đều không được giới chức Anh hoặc Mỹ cấp phép phát triển bộ thử.
Quan chức chính phụ trách y tế Anh Chris Witty tuyên bố tuần trước rằng chính phủ đang đàm phán với nhiều công ty về việc xét nghiệm kháng thể nhưng cảnh báo nước này không chắc các bộ thử đang tồn tại trên thị trường là hàng thật.
Lời khuyên chính thức cho mọi người là không nên mua các bộ thử nhanh, và có thể thử tại nhà bởi vì hầu như không có bằng chứng nào về tính chính xác của các sản phẩm này. Thực tế, AlphaBioLabs thừa nhận “các thiết bị thử nhanh này không chính xác bằng phương pháp thử trong phòng thí nghiệm”.
Giáo sự Wilder- Smith của trường Vệ sinh và y học nhiệt đới London cho rằng đó là lý do chính phủ nên kiểm soát việc xét nghiệm và quyết định “ai và ở đâu bán bộ thử, cũng như bán ở chất lượng và mức giá nào”. Theo chia sẻ của bà Smith, “cả kết quả âm tính và dương tính giả đều mang đến hệ quả tiêu cực”.
Ngoài ra, còn có hàng loạt bộ xét nghiệm giả được bán trôi nổi ở Anh.
Tuần trước, Văn phòng chống hàng giả Châu Âu đã tiến hành 1 cuộc điều tra về các sản phẩm giả liên quan tới virus corona bao gồm bộ xét nghiệm, khẩu trang, thiết bị y tế và chất kháng khuẩn đang được bày bán trên thế giới với mức giá trên trời.
Chỉ vài ngày sau khi cuộc điều tra bắt đầu, Frank Ludlow, một người đàn ông 59 tuổi sống tại Brighton, miền nam nước Anh đã bị buộc tội sản xuất các bộ thử giả, được cho chứa các loại hóa chất độc hại. Ông này bị bắt giữ sau khi giới hành luật ở Los Angeles bắt giữ 1 kiện hàng chứ 60 bộ xét nghiệm giả.
Link báo gốc: http://toquoc.vn/anh-tinh-trang-bac-sy-truc-loi-va-lam-gia-bo-xet-nghiem-virus-corona-giua-mua-dich-82020273124741790.htm
Theo Trí Thức Trẻ