2 giờ sáng, chị K.V (35 tuổi; ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) chợt tỉnh giấc, nước mắt lăn dài trên má.
Không dám về quê
Chị V. và chồng - anh H. - đều là công nhân ở Khu Công nghệ cao (TP Thủ Đức). Dù huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không xa, chỉ mất chừng 2 giờ chạy xe nhưng đã 4 năm nay, vợ chồng chị không dám về quê đón Tết.
"Tôi kết hôn khi đã gần 30 tuổi, chồng tôi ngấp nghé tứ tuần. Sau 1 năm kết hôn vẫn chưa có tin vui, mỗi khi chúng tôi về quê, mẹ chồng bắt đầu hỏi han liên tục. Bà nói gia đình chỉ có anh H. là con trai, vợ chồng tôi phải cố gắng sớm có con trai cho ông bà yên tâm. Ban đầu còn nói bóng gió, nhẹ nhàng nhưng mấy năm sau đó vẫn "không thấy gì", bà hết kiên nhẫn, thường cáu gắt vô cớ với tôi..." - chị V. thở dài.
Không chỉ người thân mới quan tâm đến chuyện con cái của vợ chồng chị V. mà hàng xóm, bà con, người quen hễ gặp là hỏi: "Bao giờ có con?", "Đã đi khám vô sinh chưa, tại ai?"... Những lời hỏi thăm thẳng thừng đó khiến anh chị càng thêm phiền lòng, ngại ngần đến mức không dám về quê nữa.
"Đem nỗi lòng bày tỏ ở các hội, nhóm người hiếm muộn trên mạng xã hội, tôi biết được có nhiều trường hợp giống mình. Vì không muốn người xung quanh nói ra nói vào nên có đi chữa trị, họ cũng chỉ âm thầm" - chị V. cho biết.
Gần đây, chiều nào chồng chị H.K (32 tuổi; ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cũng đi nhậu đến khuya, hỏi gì anh cũng im lặng hoặc xua tay. Hôm rồi, chị vô tình nghe được anh nói chuyện điện thoại với bạn. Anh bảo chán vì từng tuổi này, bạn bè có con đề huề còn mình thì nhà cửa vắng tanh; về quê, ai cũng đều hỏi: "Sao chưa có con", có người ác miệng còn nói anh "yếu".
"Cưới nhau đã 6 năm, dù chưa có con nhưng vợ chồng tôi vẫn êm ấm. Nhiều lúc bạn bè, đồng nghiệp hỏi han, anh nhận luôn chuyện muộn con là do mình, nhờ đó mà tôi không có cảm giác bị áp lực. Nghe ở đâu có bác sĩ giỏi, vợ chồng tôi đều tìm đến nhưng qua thời gian dài vẫn không có kết quả. Có lẽ cũng đến lúc anh nản lòng…" - chị K. rầu rĩ.
Từng đổ vỡ hôn nhân và có con, chị T.L (40 tuổi; ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) đi tiếp bước nữa với người bạn bằng tuổi. Sau 3 năm, họ vẫn chưa có con chung. Đi điều trị, bác sĩ kê đơn kèm lời dặn dò chồng chị bỏ thuốc lá và rượu nhưng anh không làm được. "Chồng tôi nói không có con thì thôi, đừng tạo thêm áp lực cho anh" - chị L. than thở.
Đừng quan tâm thái quá!
Theo chuyên gia tâm lý Trần Trung Kiên, hiếm muộn đang được xem là một chứng bệnh của thời đại khi tỉ lệ ngày càng gia tăng và có dấu hiệu trẻ hóa. Theo một số thống kê mới đây, tỉ lệ hiếm muộn, vô sinh ở các cặp vợ chồng tại Việt Nam chiếm 7,7%. Việc không có con dần được xem là bình thường nhưng đang bị đẩy thành chuyện bi kịch.
Vợ chồng kết hôn đã lâu chưa có con, bản thân họ là người căng thẳng đầu tiên. Những câu hỏi tưởng chừng vô hại như: "Có chuyện gì không, sao chưa có con?", "Sao còn chưa chịu sinh con cho ông bà ẵm bồng?"... khiến họ mặc cảm, dần sống khép kín, tách khỏi cộng đồng.
Ông Trần Trung Kiên cho rằng xã hội cần thay đổi để cải thiện cái nhìn với người hiếm muộn. Đừng quan tâm thái quá, hỏi han quá nhiều vì dễ gây áp lực cho họ. Vợ chồng gặp hiếm muộn cũng cần hiểu rằng đây là vấn đề bình thường trong xã hội hiện đại.
"Cần chuẩn bị tinh thần để đối diện với thực tế rằng thời điểm nào đó, vợ chồng không trải qua cùng một cảm xúc, có thể cảm thấy tức giận, thất vọng và chán nản. Hãy tập trung vào những điều tích cực, làm những việc yêu thích hoặc tham gia hoạt động mới mẻ nào đó để không bị đắm chìm vào suy nghĩ tiêu cực" - ông Trần Trung Kiên lưu ý.
Chuyên gia tâm lý Mai Thanh Thủy, Trung tâm Tham vấn tâm lý The Sight, cũng cho rằng người hiếm muộn hãy cởi bỏ áp lực cho chính mình. Vợ chồng cần bàn thảo, thống nhất nên chia sẻ câu chuyện mình đang gặp phải cho người khác như thế nào, nói đến đâu…
"Ai rơi vào trường hợp hiếm muộn đừng vì thế mà đánh mất những giây phút lãng mạn của vợ chồng. Yếu tố niềm tin ảnh hưởng rất lớn đến việc điều trị hiếm muộn. Nếu cảm thấy khó chia sẻ cảm xúc với người bạn đời hoặc thất vọng vì cuộc trò chuyện không đem lại kết quả, bạn cần gặp chuyên gia hoặc bác sĩ tâm lý" - bà Thanh Thủy gợi ý giải pháp.
Cảm thông, ủng hộ
Theo bà Mai Thanh Thủy, những người điều trị hiếm muộn thường mất rất nhiều thời gian, tiền bạc... Lãnh đạo cơ quan, đơn vị cần tạo điều kiện cho họ được an tâm điều trị, nghỉ ngơi. Gia đình, bạn bè cần có thái độ thông cảm hơn với vợ chồng muộn con. Dù họ kiên quyết điều trị hiếm muộn hay không, thành công hay thất bại, hãy luôn nhấn mạnh rằng bạn ủng hộ, tôn trọng quyết định của họ.