Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn quốc gia, hồi 16h ngày 10/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 14,3 độ Vĩ Bắc; 113,0 độ Kinh Đông, cách Quảng Nam khoảng 500 km, cách Quảng Ngãi khoảng 520 km, cách Bình Định khoảng 420 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 9 và có khả năng mạnh lên thành bão .
Vị trí và dự báo hướng đi của áp thấp nhiệt đới - Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia
Đến 4h ngày 11/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,8 độ Vĩ Bắc; 110,5 độ Kinh Đông, cách Quảng Nam khoảng 550 km, cách Quảng Ngãi khoảng 460 km, cách Bình Định khoảng 430 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão kết hợp với gió mùa đông bắc, ở khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8. Vùng biển phía Tây khu vực Giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao 3-5 m; biển động rất mạnh.
Bão kết hợp với gió mùa đông bắc, địa hình chắn gió của khu vực Trung Bộ sẽ gây ra một đợt mưa rất to cho các tỉnh Trung Bộ.
Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề ở các tỉnh miền Trung chưa kịp rút, nơi đây lại tiếp tục đối diện với áp thấp sẽ mạnh lên thành bão đổ bộ, gây mưa rất lớn và ngập lụt kéo dài trong nhiều ngày tới.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến ngày 13/10, với kịch bản áp thấp nhiệt đới đổ bộ đi vào đất liền Trung Trung Bộ kết hợp với không khí lạnh, có thể gây đợt mưa lớn diện rộng ở Trung Trung Bộ. Dự báo ở: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi có tổng lượng mưa từ nay đến ngày 13-10 phổ biến 500-700 mm, có nơi trên 700 mm. Quảng Trị mưa từ 300-500 mm; Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên 200-400 mm. Nam Hà Tĩnh 100-200 mm; Kon Tum, Gia Lai 200-300 mm.
"Không loại trừ cục bộ có nơi mưa với cường độ rất lớn, trong thời gian ngắn, đặc biệt khi áp thấp nhiệt đới áp sát đất liền. Đây là nguy cơ lớn đối với lũ, ngập lụt, sạt lở đất" - cơ quan khí tượng dự báo.
Xa hơn nữa, sự kết hợp của các hình thái gây mưa lớn cho khu vực Trung Bộ được dự báo sẽ còn duy trì trong suốt tháng 10, kéo theo đó là khả năng mưa lớn trên diện rộng sẽ còn liên tiếp xảy ra liên tục và thành từng đợt.
Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn quốc gia, đánh giá mưa lớn liên tục tiếp diễn trong khi nước lũ chưa kịp rút sẽ khiến cho tính tổn thương trước thiên tai bão, mưa, lũ tại các tỉnh miền Trung, đặc biệt là khu vực trung Trung Bộ là rất cao.
Thực trạng các hồ chứa khu vực trung Trung Bộ đã đầy, không còn hoặc còn ít khả năng cắt lũ, đất cũng đã ngâm trong nước nhiều ngày gây ra tình trạng bão hòa nước. Nhiều địa phương ở Trung Bộ đã bị thiệt hại do mưa lũ, ngập lụt.
Link gốc: https://nld.com.vn/thoi-su/ap-thap-nhiet-doi-manh-len-thanh-bao-giat-cap-10-mien-trung-mua-cuc-lon-500-700-mm-2020101018241156.htm
Theo ttvn.vn