Ảnh minh họa
Cha mẹ kiên trì, nhất định sẽ gặt được quả ngọt
Nếu bạn đang "vò đầu bứt tai" vì chưa nghĩ ra "kế sách" nào khả dĩ thì đừng lo, hãy bỏ túi ngay 4 tuyệt chiêu này. Nếu kiên trì, bạn nhất định sẽ gặt được quả ngọt.
Trước tiên quan sát thói quen, sau đó mới lập kế hoạch
Cha mẹ có thể dành một tuần để theo dõi chặt chẽ thói quen học tập của con cái. Ví dụ, khi nào viết bài? Viết môn nào? Viết bao lâu? Có thể xong trước 9 giờ tối không? Viết không xong đứa trẻ sẽ phản ứng như thế nào? Hãy ghi chú lại lịch học của trẻ, sau đó trao đổi để lập kế hoạch. Nên nhớ, hãy để trẻ cùng tham gia vào quá trình này.
Đừng đặt mục tiêu phải hoàn thành bài tập hoàn hảo 100% mà nên nương theo khả năng của trẻ rồi từ từ cải thiện. Khi biết được điểm yếu của con, cha mẹ sẽ không đặt quá nhiều kỳ vọng vào con mà biết cách động viên, giúp đỡ con khắc phục điểm yếu, phát huy những điểm mạnh, như thế trẻ mới có hứng thú học, hứng thú khám phá cái mới.
Yêu cầu quá cao sẽ làm cho trẻ em cảm thấy chán chường, cảm thấy không thể hoàn thành. Nên bắt đầu xây dựng kế hoạch từng bước một, sau đó nâng cao độ khó từ từ. Trẻ sẽ có nhiều khả năng đạt được mục tiêu của mình trong quá trình này và có cảm giác hoàn thành hơn.
Trước khi con hình thành thói quen tốt, xin cha mẹ hãy làm một người bạn dịu dàng
Trong quá trình lập kế hoạch học tập, tránh mắng mỏ nặng lời, đánh đòn con. Cha mẹ phải kiểm soát tốt cảm xúc, tự nhắc mình kiên nhẫn. Tiểu học là giai đoạn hình thành thói quen học tập tốt nhất, cha mẹ ngoài cố gắng bình tĩnh cũng phải chấp nhận một thực tế, đó là con cái chúng ta có thể không phải là thiên tài mà chỉ là một người bình thường.
Kế hoạch học tập có thể diễn ra suôn sẻ hay không phụ thuộc rất nhiều vào cảm xúc của cha mẹ.
Giỏi nắm bắt sự tiến bộ dù lớn hay nhỏ, kịp thời khuyến khích con cái
Việc động viên, khen con cũng rất cần thiết, điều này giúp trẻ cảm thấy bản thân tiến bộ từng ngày khi việc học của mình được ghi nhận, trẻ vì thế sẽ hứng thú hơn. Khi thấy con bắt đầu cảm thấy căng thẳng hoặc không muốn học nữa thì nên cho con nghỉ 10-15 phút thì con sẽ thoải mái hơn mà mình cũng không phải nổi nóng với con.
Ví dụ, hôm nay con học thêm 3 từ tiếng Anh; ôn tập bài tiếng Việt sớm hơn 2 phút; Hiểu một phép Toán rất nhanh... Đừng tiếc lời động viên con ngay lập tức. Có thể nói với trẻ: Con học thêm 3 từ ngày hôm nay, đó là nhờ con đã rất cố gắng, mẹ tự hào về con. Mẹ tin rằng sắp tới con sẽ có tiến bộ hơn nữa. Đừng bao giờ nói, con rất giỏi, rất tuyệt vời. Cách khen chung chung sẽ khiến trẻ không biết sự tiến bộ cụ thể ở đâu.
Sau khi con hoàn thành việc học, bố mẹ có thể thảo luận với con nơi để vui chơi, ăn uống, để trẻ hiểu rằng học tập không phải là tất cả của cuộc sống. Một phương diện khác của việc động viên, khuyến khích con cái là thái độ của cha mẹ khi con bị điểm kém.
Bố mẹ đừng bao giờ trách móc hoặc có những hành động gây thêm áp lực cho con và ngược lại, cũng không nên chỉ dừng ở việc nói con hãy cố gắng ở những lần sau. Tiếp sau những lời động viên an ủi, việc quan trọng hơn là bố mẹ phải nói chuyện thẳng thắn với con, giúp con phân tích một cách cụ thể nguyên nhân và có phương án cải thiện. Miễn là cha mẹ ổn định cảm xúc và nhẹ nhàng khuyến khích, đứa trẻ chắc chắn có thể hoàn thành kế hoạch học tập suôn sẻ.
Hãy học cách buông tay
Nếu ba thủ thuật trên đều diễn ra suôn sẻ, đứa trẻ chắc hẳn có thể phần nào tự hoàn thành bài tập của mình. Tại thời điểm này, bố mẹ không cần phải kè kè bên con mỗi ngày, chỉ cần nói với con nếu con cần giúp đỡ, đừng ngại nhờ bố mẹ rồi làm công việc của mình.
Buông tay không phải mặc kệ mà vẫn để việc học của con trong tầm mắt. Bố mẹ nên quan sát ý thức tự giác của con. Cha mẹ có thể ngồi bên con khi bắt đầu làm bài tập thời gian đầu, nhưng sau đó từ từ tách xa con để tạo cho con cảm giác thoải mái khi ngồi học một mình mà vẫn có động lực để hoàn thành công việc. Đều đặn theo thời gian, cha mẹ nên tăng dần khoảng cách với con khi học tập để con quen cách tự lập và phụ huynh cũng có thêm thời gian cho riêng minh.