Bà mẹ Hà Nội và hành trình dạy con tự giác, tự chủ quá đáng nể: "Thuốc" chữa bệnh đoảng cho con thì ra đơn giản thế này!

(lamchame.vn) - Có 2 cậu con trai từng rất đoảng, mải chơi, hay quên, chị Liên đã phải "bày mưu nghĩ kế" để ra được cách rèn con tự chủ.

Chị Nguyễn Thị Hồng Liên

Cả 2 con của chị Liên đều vừa học chương trình ở trường Việt Nam và vẫn học song song chương trình homeschool Acellus + text book Mỹ. Con trai lớn của chị học xong lớp 11 ở một trường công ở Việt Nam và lấy bằng THPT Mỹ online. Em cũng apply và nhận được học bổng của một số trường đại học ở Mỹ. Hiện em đã sang Úc học.

1. Việc đầu tiên khi con vào lớp 1, bắt đầu dạy con làm to do list (danh sách các việc cần làm)

Ban ngày, các cô ở trường con sẽ có quyển vở gọi là Vở nhắc việc, vở hướng dẫn học. Hàng ngày cô sẽ yêu cầu con ghi bài tập và thông báo vào đó. Buổi tối khi về nhà, chị Liên cho con lập danh mục các công việc cần làm to do list. Và mình có mua 1 cái đồng hồ cho con xem giờ.

Ví dụ: 5 - 6h tối chơi; 6 - 7h tắm, ăn tối; 7 - 7:45 học bài ở lớp; 7h45 - 8h15 Acellus; 8h15 - 8h45 Tiếng Anh; 8h45- 9h00 đọc sách.

Mới đầu chị Liên viết ra to do list cho con, nếu con không biết làm check list như thế nào, sau 1-2 lần thì con học theo và tự làm theo ý của bản thân.

Bước 1: 6 tuổi là khi con làm xong to do list, thi thoảng chị Liên xem tiến độ đến đâu

Nếu con không thể tự làm được do còn bé và không tập trung, mẹ sẽ ngồi cạnh hỗ trợ cho đến khi con tập trung. Chị Liên giao việc và check sau 10 phút, sau đó tăng thời gian lên 15 phút check tiến độ rồi 20, 25, 30 phút. Sau khi con lên lớp 3 thì tầm 90 phút chị Liên mới check 1 lần.

"Các mẹ lưu ý, các con không thể cứ giao to do list là làm được, mà phải rèn con ngồi tự giác 5 phút, 10 phút, 15 phút, 20 phút, 30 phút, 60 phút và 90 phút, 180 phút. Và để rèn được như vậy mình bắt đầu từ khi con 4 tuổi, đến hết năm lớp 3 con mới tự giác học được 2h mà không cần mẹ. Chứ các mẹ đừng mong giao phát là con làm được ngay.

Mình thấy nhiều mẹ con vào học lớp 1, về nhà học không tập trung, không chịu học, các mẹ cứ kêu stress vì con. Nhưng các mẹ đâu biết kỹ năng tự làm việc đó phải rèn mới có, các mẹ và cô chưa rèn thì sao lại đòi hỏi con phải có ngay kỹ năng tự học. Và lại quay ra giận, mắng, đánh con. Việc quan trọng nhất là kiểm tra kết quả của con. Thường làm xong việc nào mình sẽ kiểm tra kết quả luôn việc đó và khen ngay nếu con làm tốt và mình ít chê lắm vì con còn bé", chị Liên chia sẻ.

Bên cạnh lời khen thông thường, chị Liên có quy định thưởng phạt rõ ràng khi làm được hoặc không làm được.

Nếu con không làm xong bài tập, con quên việc cô dặn và bị cô mắng thì xử lý ra sao? Chị Liên cho biết, mình thường không bao giờ nhắc việc ở trường cho con. Tuy nhiên khi con quên gì, chị biết con quên vì có kiểm tra check list nhưng chị không nhắc vì khi nhắc con lần sau con sẽ không nhớ. Chị sẽ gọi điện báo cô, rằng mẹ biết con quên bài, nhưng mẹ không nhắc con vì muốn con tự chịu phạt để nhớ việc. Hôm nay cô trao đổi giáo dục con giúp mẹ nhé!

Theo chị Liên, hành động này có ý nghĩa: Thứ nhất là mình để con tự chịu hậu quả do không nhớ hoặc không xong việc và việc của con mẹ không bao giờ lo hộ, việc con con không làm con tự chịu hậu quả. Thứ hai, khi báo cho cô là cô biết mẹ rất sát sao với con và mẹ muốn dùng cách cứng rắn dạy con tự giác.

Bước 2: Sau khi con thạo làm to do list cho các buổi tối, chị cho con tự lên lịch hoạt động ngày thứ 7 và chủ nhật

Để lên lịch cuối tuần này là rất khó, các con phải tự chủ học gì, chơi gì, ở đâu, ăn gì, học thêm gì lúc đó mới có thể lên lịch cả ngày. Mới đầu chị cũng lên lịch cuối tuần minh hoạ cho con, rồi hỏi con muốn điều chỉnh gì, sau đó con học theo và tự lên lịch sau.

Ví dụ: 9 - 10h30: Đi sáng với bố mẹ; 10h30 - 11h30: Ở nhà sách; 11h30 - 12h30: Ăn bún chả ngoài phố; 12h30 - 14h00: Ngủ trưa; 14 - 16h: Đi bơi/Dọn nhà; 16h - 18h: Đi chợ và nấu ăn với bố mẹ; 18h - 20h: Ăn tối và xem phim với bố mẹ; 20h - 21h: Chơi bóng rổ với các bạn dưới sân tập.

Mới đầu, chị Liên trợ giúp lên lịch và hỗ trợ làm cùng cuối tuần. Khi con lớn lên lớp 6, chị cho con tự bắt xe đi chơi, đi học, tự đi chợ nấu ăn cho bố mẹ.

Với 2 bước này, chị luôn kiểm soát kết quả nên các con không thể không làm. Còn nếu làm nhanh tranh thủ xem tivi chị sẽ cho qua, coi như làm nhanh được thưởng tự chơi, xem tivi, chơi game.

2. Hỏi ý kiến con

Ngoài việc dạy con lên to do list và làm việc, để con tự chủ, chị Liên còn hay hỏi ý kiến con và cùng thảo luận với con để dung hoà giữa mong muốn của con và của bố mẹ. Chị không hay áp đặt con phải làm thế này hay thế kia hay phải làm theo cách này cách kia mới đúng.

"Vì con hay tự quyết và tự ra quyết định nên lâu ngày con mới thành người tự chủ. Do đó nếu từ bé làm gì bố mẹ cũng ra lệnh, áp đặt, yêu cầu rồi sau đó đến lớp 6 than là giờ con lười, ỉ lại, chống đối thì là bố mẹ sai. Bố mẹ không cho con tự quyết thì làm sao con tự chủ được, lúc lớn cho tự chủ thì kỹ năng tự chủ mới bằng trẻ lớp 1 thì làm sao mà tự chủ", chị Liên nói.

3. Nguyên tắc những điều có thể làm

Ngoài việc giao to do list, giao con tự quyết thì chị Liên chia sẻ nguyên tắc: Miễn không làm hại thân thể, và luôn tôn trọng người khác và pháp luật thì cái gì con cũng được làm.

Cả quá trình từ nhỏ được mẹ uốn nắn, động viên khuyến khích, cho tự quyết trên nền tảng tôn trọng mọi người thì cuối cùng đến năm lớp 6 - 7 con chị Liên tự điều phối được mọi việc. Lưu ý là mẹ phải quyết tâm, mẹ phải sắt đá nhưng lại phải tinh tế trong việc động viên con.

4. Tập trung rèn nếp tự học

Giai đoạn tập trung vào rèn nếp tự học. Chị Liên dạy con thêm tìm kiếm thông tin trên internet, một số kỹ năng tin học cơ bản, tập thuyết trình; dạy con tự đặt câu hỏi và tìm câu trả lời; dạy con việc nhà, nấu ăn; dạy con biết nhận diện cảm xúc và xử lý cảm xúc của bản thân, tự vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày và đưa ra giải pháp.

Để làm được những điều đó, chị dạy con:

Lớp 1 - 3: Hình thành nếp tự học, buổi tối biết tự ngồi bàn và làm bài, mỗi ngày đều học tiếng Anh 30 - 45 phút sau khi đã làm xong bài tập trên lớp. Giai đoạn tiểu học chị rất tập trung vào rèn kỹ năng tiếng Anh cho các con.

Lớp 1 bắt đầu phụ trách đổ rác, rửa cốc chén, lớp 2 học rửa bát, quét nhà, lau nhà, gập rút quần áo, lớp 3 cắm cơm, lớp 4 nấu 1 - 2 món cơ bản như rán trứng, nấu mỳ, làm các món rang như thịt rang, làm các đồ ăn nhẹ như bánh mỳ kẹp trứng.

Lớp 5 học giặt quần áo bằng tay, cọ rửa nhà vệ sinh. Mà đã làm được gì là mình giao luôn cho phụ trách việc đó chứ mình không kiểu khi làm khi không. (Trừ nấu ăn thì bé em có anh lớn nấu nên anh chàng lười không chịu nấu).

Đọc sách ở giai đoạn này nhiều hơn giai đoạn trước rất nhiều, và đều yêu cầu con kể lại cho mình nghe những câu chuyện đó, mỗi ngày con đọc sách từ 20 - 30 phút (sách chữ theo yêu cầu), còn các sách khác thì con đọc tự do theo nhu cầu giải trí của bản thân. Từ sách kỹ năng, sách về tiền tệ, sách về chi tiêu, sách văn học. Đọc xong con nhớ phải viết báo cáo sách hoặc tóm tắt lại xem là con học được gì từ quyển sách đó.

Chị cũng dạy con các loại cảm xúc và cách nói ra những cảm xúc đang có của con; hướng dẫn con cách ngồi tĩnh tâm hít thở lấy lại bình tĩnh khi bị những cảm xúc tiêu cực xâm chiếm. Với việc chỉ ra cho con nhận diện được cảm xúc của chính mình để từ đó có chiến lược đối phó với từng cảm xúc là rất quan trọng ở giai đoạn này.

Về kỹ năng tin học và thuyết trình (hai cái này gắn với nhau): Lớp 1 - 2 chị cho con học gõ 10 ngón bằng phần mềm mario typing, sau đó lớp 3 dạy con tra từ điển. Lớp 4 dạy tìm kiếm thông tin Google để trả lời các câu hỏi của con; dạy con cách viết câu trả lời trên word, lớp 5 bắt đầu tìm kiếm thông tin về một nội dung mẹ yêu cầu, biết viết bài và thuyết trình về một vấn đề bằng Powerpoint.

Theo Hiểu Đan

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU