Bà mẹ trẻ thú nhận "có suy nghĩ tiêu cực làm hại con", rung lên hồi chuông cảnh báo về trầm cảm sau sinh

Cứ 8 phụ nữ Mỹ thì có 1 người gặp phải các triệu chứng trầm cảm sau sinh, theo một nghiên cứu năm 2018. Nhận biết triệu chứng là bước đầu tiên để chống lại trầm cảm sau sinh.

Ngày 5/3, trên một group của các mẹ bỉm sữa, một bà mẹ trẻ đã viết những lời cầu cứu khi thấy mình có triệu chứng của trầm cảm sau sinh.

"Các mom cho em biết dấu hiệu trầm cảm là như thế nào được không ạ?", bà mẹ trẻ viết trên group Facebook 66,7 nghìn thành viên. "Em đang có những suy nghĩ rất tiêu cực làm hại con và hại chính bản thân mình".

Bài viết của người mẹ trẻ thu hút rất nhiều icon đồng cảm và chia sẻ từ các mẹ bỉm sữa khác.

"Mình bị cách đây 2 năm, khá nặng, nằm ngủ tim đập thình thịch toàn thân run bần bật ý, đi khám bác sĩ chỉ định uống nhiều thuốc lắm mà uống vào nó làm cho cơ thể mệt rũ ra cứ sao sao ấy, nên mình bỏ thuốc, cố gắng gắn tươi cười lên mặt và đi gặp bạn bè thật nhiều, không để mình rơi vào trạng thái tĩnh, tự nhiên đỡ dần…", một người mẹ chia sẻ thẳng thắn.

"Đợt trong tháng mình rất sợ đến trời tối vì sợ nghe tiếng con khóc. Có nhiều đêm có ý định muốn ném con ra ngoài cửa sổ vì khóc nhiều quá. Xong mình kể với chồng, chồng mình bắt đi ra ngoài cho thư giãn đầu óc, thỉnh thoảng đi cà phê này... Xong là qua đó mom. Cố lên", người mẹ khác kể về câu chuyện của mình.

Bài đăng của người mẹ trẻ cũng thu hút nhiều bình luận tư vấn.

"Chị ơi cố gắng đi ra ngoài thư giãn đầu óc, tránh ở nhà nhiều nghĩ quẩn. Nếu bé quấy khóc thì chị cho bé ngậm ti giả và có thể để con nằm trong nôi thật an toàn rồi ra 1 phòng khác ngồi cho bình tâm lại rồi vào với con sau. Chị nên tâm sự với bạn thân hoặc chồng, nếu cảm thấy không đỡ thì đi bác sĩ", một thành viên khác trong nhóm tư vấn.

"Mọi chuyện rồi sẽ qua, mom ráng vượt qua giai đoạn này nhìn lại sẽ thấy mình mạnh mẽ giỏi giang như thế nào. Con quấy quá thì bạn bước ra ngoài chút, khóc một trận cho đã để giải toả tâm lý", thành viên M.X viết.

Nếu bạn bị trầm cảm sau sinh, điều trị kịp thời có thể giúp bạn kiểm soát các triệu chứng và giúp bạn gắn kết với con mình. (Ảnh minh họa)

Trầm cảm sau sinh là gì?

Sự ra đời của một em bé có thể kích hoạt rất nhiều cảm xúc mạnh mẽ, từ phấn khích, vui sướng đến sợ hãi và lo lắng. Nhưng nó cũng có thể dẫn đến một điều mà bạn không ngờ tới - trầm cảm.

Theo website của Phòng khám Mayo (Mỹ), hầu hết những người mới làm mẹ đều trải qua hiện tượng được gọi là "baby blues" (tạm dịch là sự buồn bã khi mới có con). Baby blues thường bao gồm thay đổi tâm trạng, khóc nhiều, lo lắng và khó ngủ. Baby blues thường bắt đầu trong vòng hai đến ba ngày đầu tiên sau khi sinh và có thể kéo dài đến hai tuần.

Nhưng một số người mới làm mẹ lại trải qua một dạng trầm cảm kéo dài và nặng hơn được gọi là trầm cảm sau sinh.

Trầm cảm sau sinh không phải là một khuyết điểm hay một điểm yếu của tính cách. Đôi khi nó chỉ đơn giản là một biến chứng của việc sinh nở. Nếu bạn bị trầm cảm sau sinh, điều trị kịp thời có thể giúp bạn kiểm soát các triệu chứng và giúp bạn gắn kết với con mình.

Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ, trầm cảm là một căn bệnh phổ biến và nghiêm trọng.

Bao nhiều phụ nữ trải qua trầm cảm sau sinh?

Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ, trầm cảm là một căn bệnh phổ biến và nghiêm trọng. Một nghiên cứu của CDC trong giai đoạn 2008-2014 cho thấy khoảng 1/10 phụ nữ ở Hoa Kỳ đã báo cáo các triệu chứng cho thấy họ đã trải qua một giai đoạn trầm cảm nặng trong năm trước nghiên cứu.

Sử dụng Hệ thống Giám sát Đánh giá Rủi ro Khi Mang thai (PRAMS), một nghiên cứu khác năm 2018 của CDC cho thấy trên toàn nước Mỹ, cứ 8 phụ nữ thì có 1 người gặp phải các triệu chứng trầm cảm sau sinh.

Dấu hiệu của trầm cảm sau sinh

Quay trở lại câu hỏi của người mẹ trẻ, vậy đâu là dấu hiệu của trầm cảm sau sinh?

Theo website của Phòng khám Mayo (Mỹ), các dấu hiệu và triệu chứng của trầm cảm sau sinh khác nhau ở mỗi người, và chúng có thể diễn biến từ nhẹ đến nặng. Để tránh nhầm lẫn với baby blues, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về triệu chứng của baby blues trước.

Các triệu chứng của baby blues

Các dấu hiệu và triệu chứng của baby blues - chỉ kéo dài vài ngày đến 1-2 tuần sau sinh - có thể bao gồm:

• Tâm trạng thay đổi

• Lo lắng

 

• Buồn

• Cáu gắt

• Cảm thấy choáng ngợp

• Khóc

• Giảm tập trung

• Vấn đề về ăn uống

• Khó ngủ

Theo website của Phòng khám Mayo (Mỹ), các dấu hiệu và triệu chứng của trầm cảm sau sinh khác nhau ở mỗi người, và chúng có thể diễn biến từ nhẹ đến nặng.

Các triệu chứng của trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh có thể bị nhầm lẫn với baby blues - nhưng các dấu hiệu và triệu chứng của trầm cảm sau sinh nghiêm trọng và kéo dài hơn, và cuối cùng có thể ảnh hưởng đến khả năng chăm sóc con và xử lý các công việc hằng ngày khác.

Các triệu chứng thường phát triển trong vài tuần đầu sau sinh, nhưng có thể bắt đầu sớm hơn - trong khi mang thai - hoặc muộn hơn - cho đến một năm sau khi sinh.

Các dấu hiệu và triệu chứng của trầm cảm sau sinh có thể bao gồm:

• Tâm trạng chán nản hoặc thay đổi tâm trạng nghiêm trọng• Khóc quá nhiều

• Khó gắn kết với em bé

• Xa lánh gia đình và bạn bè

• Chán ăn hoặc ăn nhiều hơn bình thường

• Không thể ngủ (mất ngủ) hoặc ngủ quá nhiều

• Quá mệt mỏi hoặc mất năng lượng

• Giảm hứng thú và niềm vui trong các hoạt động bạn từng yêu thích

• Khó chịu và tức giận dữ dội

• Lo sợ rằng bạn không phải là một người mẹ tốt

• Vô vọng

• Cảm giác vô dụng, xấu hổ, tội lỗi hoặc kém cỏi

• Giảm khả năng suy nghĩ rõ ràng, tập trung hoặc đưa ra quyết định

 

• Bồn chồn

• Lo lắng nghiêm trọng và thi thoảng hoảng loạn

• Có suy nghĩ làm hại bản thân hoặc em bé

• Suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử lặp đi lặp lại

Nếu không được điều trị, trầm cảm sau sinh có thể kéo dài nhiều tháng hoặc lâu hơn.

Phải làm gì khi có dấu hiệu của trầm cảm sau sinh?

Nếu cảm thấy trầm cảm sau khi sinh con, bạn có thể xấu hổ khi thừa nhận điều đó. Nhưng nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào của trầm cảm sau sinh, hãy đến gặp bác sĩ.

Điều quan trọng là gặp bác sĩ càng sớm càng tốt nếu các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh trầm cảm có bất kỳ đặc điểm nào sau đây:

 

• Không giảm dần sau hai tuần

• Trở nên tồi tệ hơn

• Khiến bạn khó chăm sóc con mình

• Khó hoàn thành công việc hằng ngày

• Có ý nghĩ làm hại bản thân hoặc con mình

(Nguồn: Mayo Clinic, CDC Mỹ)

Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/ba-me-tre-thu-nhan-co-suy-nghi-tieu-cuc-lam-hai-con-rung-len-hoi-chuong-canh-bao-ve-tram-cam-sau-sinh-161210803104352336.htm

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU