Lộ trình tăng học phí từ năm 2021 - 2026 theo nghị định 81 của Chính phủ.
Đại diện lãnh đạo Đại học Mở Hà Nội chia sẻ, trường sẽ họp bàn về phương án điều chỉnh học phí năm học 2023 - 2024 theo hướng không tăng như Chính phủ yêu cầu.
"Đại học Mở Hà Nội mong các cơ quan hữu quan tính toán đến cân đối chi ngân sách của các trường gặp khó khăn, bị thắt chặt chi tiêu sau 3 năm liên tiếp giữ nguyên mức học phí", vị đại diện nói.
Đại diện Đại học Ngoại thương Hà Nội cũng cho hay, trong đề án tuyển sinh trường dự kiến học chương trình đại trà là 25 triệu đồng/năm học, chương trình chất lượng cao, định hướng nghề nghiệp và phát triển quốc tế là 45 triệu đồng/năm. So với năm học 2022 - 2023, mức học phí mới này dự kiến tăng 5 triệu đồng/năm.
Học phí với chương trình tiên tiến dự kiến là 70 triệu đồng/năm, tăng 10 triệu đồng. Còn chương trình Quản trị khách sạn, Marketing số, Kinh doanh số, Truyền thông Marketing tích hợp vẫn giữ mức 60 triệu đồng.
Tuy nhiên, nếu không được tăng, nhà trường buộc điều chỉnh lại học phí đã thông báo trước đó, đồng thời có phương án thắt chặt chi dài hạn và các hoạt động không cần thiết. Tất cả ưu tiên cho chi thường xuyên và lương cho giảng viên.
Trước đó, Học viện Hàng không Việt Nam bị yêu cầu hoàn trả hơn 56 tỷ học phí cho sinh viên do "thu lố" trong hai năm qua. Cụ thể, tháng 4/2021, Bộ GD&ĐT đề nghị các bộ, ngành, địa phương giữ ổn định mức thu học phí như năm học trước. Tuy nhiên, Học viện Hàng không Việt Nam vẫn thu tăng khoảng 10% theo Nghị định 81 mà không sửa lại theo quy định của Bộ. Do đó, các trường phải hoàn trả lại mức thu chênh theo quy định và bị kiểm điểm.
Không tăng học phí năm học 2023 - 2024
Hôm 31/7, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo sửa đổi, nghị định số 81 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT tiếp thống nhất với các bộ liên quan sớm hoàn thiện dự thảo nghị định 81 sửa đổi, trình Chính phủ trước 8/8/2023.
Nghị định cần sửa đổi theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí. Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu không tăng học phí năm học 2023 - 2024.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất bổ sung vào chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng về nội dung xây dựng, ban hành nghị định thay thế nghị định số 81 theo quy định.