Bác sĩ Australia mất cha khi vừa kết thúc chiến dịch giải cứu đội bóng nhí

Richard Harris vừa ra khỏi hang Tham Luang sau khi giải cứu đội bóng nhí thì được báo tin cha ông đã qua đời.

Bác sĩ gây mê Australia Richard Harris. Ảnh: AAP

Theo ABC, bác sĩ gây mê Australia đang để tang cha, người qua đời ở quê nhà Adelaide trong khi ông tham gia chiến dịch cứu hộ nghẹt thở ở Thái Lan. Ông là một trong 20 người Australia góp sức vào hoạt động này và được mô tả như một gương mặt không thể thiếu.

Harris từ chối phát biểu trước truyền thông nhưng Andrew Pearce, giám đốc Cơ quan Cứu hộ Y tế Nam Australia MedSTAR, nơi ông đang làm việc, xác nhận thông tin trên. 

"Rất buồn khi tôi phải xác nhận rằng cha của Harris đã qua đời đêm qua, không lâu sau khi chiến dịch cứu hộ ở Thái Lan thành công", ông Pearce nói. "Đây rõ ràng là khoảng thời gian đau buồn với gia đình Harris, bên cạnh những đòi hỏi về thể chất và tinh thần của chiến dịch cứu hộ vô cùng phức tạp và cuối cùng đã thành công tuần này.

Pearce cho biết Harris sẽ sớm về nhà và dành thời gian nghỉ ngơi bên gia đình. "Cậu ấy mong được tôn trọng quyền riêng tư của gia đình vào thời điểm này", ông nói thêm.

Kỳ nghỉ dưỡng biến thành sứ mệnh cứu người

Ban đầu, Harris định đi nghỉ nhưng cuối cùng lại nhận lời hỗ trợ giới chức Thái Lan sau khi được nhóm thợ lặn Anh đề xuất đích danh. Ông được đánh giá là người giỏi nhất trong lĩnh vực này với các kỹ năng y tế cùng kinh nghiệm lặn 30 năm. 

Trong khi cả thế giới chúc mừng toàn bộ đội bóng nhí Lợn Hoang được giải cứu thành công thì ông Harris và 3 thợ lặn của SEAL vẫn đang lần đường ra ngoài. Họ lộ diện vài giờ sau đó và Harris là người cuối cùng ra khỏi hang.

Trước đó, ông vào hang Tham Luang làm nhiệm vụ đánh giá sức khỏe cho 12 thiếu niên và huấn luyện viên mắc kẹt. Harris đảm bảo về mặt y tế cho mỗi đợt giải cứu các nạn nhân và quyết định ai là người di chuyển trước, ai ở lại.

Harris (đứng thứ 5 từ phải sang) chụp ảnh cùng nhóm bác sĩ Thái Lan sau khi chiến dịch giải cứu kết thúc hôm qua. Ảnh: DFAT

"Harris là một người trầm tính, tốt bụng và đã không đắn đo khi được đề nghị hỗ trợ trong sứ mệnh lần này", ông Pearce nói. "Toàn đội ở Cơ quan Cấp cứu Nam Australia đều vô cùng tự hào về Harris. Đó là một tuần đầy biến động với nhiều thăng trầm. Chúng tôi rất vui khi Harris cùng các cậu bé đã an toàn và cậu ấy đóng vai trò đáng kể trong lực lượng phản ứng của Australia". 

Ngoại trưởng Julie Bishop cũng ca ngợi vai trò then chốt của Harris và cho hay ông là thành viên của Nhóm Hỗ trợ Y tế Australia, thuộc Bộ Ngoại giao và Thương mại, từng làm việc tại nhiều quốc gia đang phát triển. 

"Cậu ấy đã được các quan chức cao nhất trong chính phủ Thái Lan mời sang và may mắn là cậu ấy có thể đến Chiang Rai và tham gia cứu hộ. Cậu ấy đã nổi tiếng quốc tế nhờ chuyên môn về cứu hộ trong hang động", bà nói.

Bill Griggs, sếp cũ của Harris ở MedSTAR, cho rằng những kỹ năng hiếm có đã khiến Thái Lan phải tìm đến ông.

"Để lặn trong hang, các bạn phải chú ý đến từng chi tiết và phải rất tỉ mỉ", tiến sĩ Griggs nói. "Sự kết hợp giữa kiến thức y khoa và kỹ năng lặn hang của ông ấy rõ ràng là lý do mà các thợ lặn Anh yêu cầu ông ấy góp mặt". 

Tuy nhiên, khi trao đổi với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull qua mạng, ông Harris cho rằng những "anh hùng lớn" ở đây là những cậu bé và các thợ lặn của đặc nhiệm hải quân Thái Lan, những người chăm sóc các em trong hang động.

"Họ là những người và những đứa trẻ cứng rắn nhất tôi từng có vinh hạnh gặp gỡ", ông nói. "Họ là những người tự chịu trách nhiệm về tinh thần và an toàn của riêng mình, và nếu không có họ, chúng tôi không thể làm được gì". 

Theo vnexpress.net

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU