Chủ quan với dấu hiệu suy tĩnh mạch
Sáng 28/11, bà Nguyễn Thị V., Hoàn Kiếm, Hà Nội đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khám vì triệu chứng tê bì, phù ở chân. Khi khám, nhìn lâm sàng bác sĩ nghi suy tĩnh mạch chi dưới độ 4. Kết quả khi siêu âm chân, bác sĩ phát hiện bệnh nhân đã bị suy rất nhiều đoạn tĩnh mạch, chưa có loạn dưỡng trên da.
Trường hợp của bà V., thạc sĩ Khổng Tiến Bình – Trưởng khoa Nội can thiệp và hô hấp, Bệnh viện Việt Đức cho biết các bác sĩ sẽ tiến hành cho bệnh nhân điều trị nội khoa trước bằng thuốc và đi tất chuyên khoa.
Tuy nhiên, bệnh nhân bị béo phì nên việc lựa chọn cỡ tất sẽ rất khó vì vòng đo chân quá lớn. Bác sĩ Bình cho biết trường hợp không đo được tất chuyên khoa, bệnh nhân sẽ được nẹp chân để điều trị suy tĩnh mạch phòng huyết khối tĩnh mạch.
Thạc sĩ Bình khám cho bệnh nhân
Bà V. cho biết, bà chung sống với đôi chân tê bì, các đường gân xanh nổi lên mặt da nhưng đi khám không biết bệnh gì nên cứ sống chung.
Hàng ngày, bà còn ngâm nước muối ấm, xông chân cho dễ chịu. Tuy nhiên, bác sĩ Bình lại cho rằng việc ngâm chân, xông chân lại gây nguy hiểm hơn cho bệnh nhân chứ không hoàn toàn dễ chịu như bệnh nhân cảm nhận.
Thạc sĩ Bình cho biết bệnh suy tĩnh mạch chi dưới đang ngày càng tăng và trẻ hoá. Bệnh viện Việt Đức ghi nhận mỗi ngày khoảng 20 bệnh nhân tới khám và điều trị bệnh này.
Đáng chú ý, trường hợp bệnh nhân N.L.A. 24 tuổi, Hà Nội, mới sinh con được 1 tháng nhưng có hiện tương đau ở vùng chi dưới, nhất là khi gập chân, da chân nóng ran, chân phù.
Bệnh nhân được người nhà đưa vào bệnh viện khám. Tại Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ cho biết chị L.A bị huyết mạch sâu chi dưới. Nếu không can thiệp điều trị có thể gây tắc động mạch phổi và tử vong nhanh chóng.
Chị L.A. mới sinh con. Từ khi mang thai lần 1 chị đã bị các vết màng nhện trên da nhưng chị chủ quan không đi khám vì không thấy nó ảnh hưởng gì. Đến khi sinh bé thứ 2 được hơn 1 tháng thì xuất hiện hiện tượng trên.
Khi hỏi về lối sống, L.A. cho biết cô làm công nhân và thói quen chỉ sử dụng quần jean mặc đi làm. Những chiếc quần jean ôm sát chân cộng với ngày ngồi từ 10 tới 12 tiếng đã gây nên suy tĩnh mạch cộng với quá trình mang thai trong 2 năm liên tiếp làm áp lực lên tĩnh mạch chi lớn và gây suy.
Bệnh nhân không biết và chủ quan dẫn tới tình trạng huyết khối. May mắn bệnh nhân tới viện kịp thời.
Nguyên nhân tử vong ít người biết
Theo thạc sĩ Bình, suy tĩnh mạch chi dưới là căn bệnh của phụ nữ, 5 bệnh nhân mắc bệnh thì mới có 1 bệnh nhân nam.
Nguyên nhân tỷ lệ bệnh này ở nữ nhiều hơn đó là do thói quen lựa chọn thời trang của nữ giới. Việc thường xuyên mang giày cao gót, mặc quần áo bó sát sẽ tăng áp lực đến hệ tĩnh mạch ngoại biên, gây tăng áp lực lên chân, dẫn đến tình trạng suy giãn tĩnh mạch chi dưới ở phụ nữ.
Thạc sĩ Bình cho biết chị em phụ nữ thích mặc quần ôm sát và đi giày cao gót. Thói quen đi giày cao gót khiến cho vận cơ ở vùng bàn chân khó hơn so với người đi giày bệt.
Mặc quần bó nên khi ngồi nhiều khiến toàn bộ vùng chậu hông và đùi sẽ ép vào phần mềm trong đùi làm hồi lưu tĩnh mạch khó hơn.
Bệnh suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới là một nguyên nhân gây tử vong mà ít người biết đến. Khi biến chứng nặng, máu ứ trong lòng tĩnh mạch hình thành các cục máu đông, trôi về tim gây thuyên tắc động mạch phổi có thể gây tử vong
Suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới là tình trạng tĩnh mạch chi dưới bao gồm cả hệ thống tĩnh mạch sâu, nằm trong các khối cơ và hệ thống tĩnh mạch nông nằm ngay dưới da bị giãn, hệ thống van tĩnh mạch bị giảm chức năng. Tình trạng này dẫn đến hiện tượng rối loạn về huyết động học làm cho máu ứ trệ trong lòng tĩnh mạch và trở về tim khó khăn.
Máu ứ nhiều trong tĩnh mạch làm chân bị phù, hình thành các cục máu đông trong lòng tĩnh mạch và nếu điều trị không tốt các cục máu đông có thể trôi theo dòng máu về tim và gây thuyên tắc động mạch phổi gây nên một biến chứng có thể dẫn đến cái chết cho bệnh nhân.
Tăng áp lực trong lòng các tĩnh mạch ở chân bị giãn nặng có thể gây chảy máu khó điều trị gây tử vong đã được ghi nhận.
Trong khi đó, hiểu biết về suy tĩnh mạch còn rất hạn chế: 92,5% bệnh nhân không biết về bệnh lý tĩnh mạch trước nghiên cứu và 91,8% bệnh nhân suy tĩnh mạch không được điều trị.
Các dấu hiệu ở giai đoạn bệnh muộn như cẳng chân bệnh nhân bị sưng to, có triệu chứng đau buốt mặt sau cẳng chân, chuột rút về đêm.
Nặng hơn, bệnh nhân có thể bị viêm tắc tĩnh mạch, chân nóng, sưng đỏ, các tĩnh mạch nông nổi rõ và viêm cứng.
Để phòng bệnh, thạc sĩ Bình cho biết chị em phụ nữ nên hạn chế mang giày cao gót, hạn chế mặc quần bó sát nhất là vùng hông, chậu.
Uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh chống táo bón. Đặc biệt, phụ nữ cần có thói quen khám sức khoẻ và kiểm tra suy tĩnh mạch chân để biết sớm và điều trị kịp thời nhất là những người phải làm việc đứng nhiều như giáo viên, người ngồi lâu như nhân viên văn phòng, công nhân.
Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/bac-si-bv-viet-duc-chi-em-can-bo-thoi-quen-mac-quan-qua-chat-162202811203213667.htm
Theo ttvn.vn