Va quệt xe, tự té ngã…là những tai nạn thường gặp và để lại những vết xây xát ngoài da vùng gối, bàn chân, cổ chân, bàn tay... Thường những vết thương này bạn không cần phải vào bệnh viện điều trị mà có thể tự chăm sóc tại nhà.
Vết xây xát do tai nạn nếu không xử lý đúng cách thường để lại sẹo xấu |
Theo BS Nguyễn Xuân Anh, Phòng khám Chấn thương chỉnh hình Mỹ Quốc, nhiều bệnh nhân đến khám sau 3-4 tuần bị tai nạn, sau khi đã điều trị hoặc tự điều trị rửa bằng oxy già, bôi trực tiếp Povidin lên vết xây xát và không băng để vết thương khô quắt queo... Bàn chân sưng nề, đau nhức nhiều khi đi lại, sẹo viêm tấy đỏ nhiễm trùng.
Điều trị đúng cách ngay từ đầu sẽ tránh khỏi những phiền toái này. BS Nguyễn Xuân Anh đã chia sẻ phương pháp xử lý vết xây xát do tai nạn như sau.
Đầu tiên, ngay sau tai nạn hãy vặn vòi nước sạch dội thẳng vào vết thương, nhằm rửa sạch vết xây xát, có thể dùng xà phòng chà lên vết thương cho sạch đất cát tạm. Bước này tuy hơi sót, nhưng đỡ đau hơn việc xối oxy già, cồn hoặc Povidine nguyên chất.
Sau đó dùng nước muối sinh lý (NaCl 9 phần ngàn) hoặc pha loãng Povidine rửa lại vết thương, đắp lên vết thương một miếng gạc. Không nên dùng bông gòn sẽ dính lên vết thương gây đau khi thay băng.
Cần thay băng vết thương mỗi ngày |
Tiếp theo, đắp lên vết thương gạc Urgotul hoặc Vaselin hoặc các gạc sinh học. Nếu không có thì có thể bôi kem lên vết thương như kem Silvirin, Vaselin, pomade Tetra... Rồi băng vết thương lại bằng gạc vô trùng. Mục đích giữ môi trường ẩm cho vết thương mau lành. Da xung quanh sẽ luôn mềm mại, không bị đóng mài khô gây ứ dịch mủ, làm viêm tấy bàn chân.
Nên nhớ, mỗi ngày, bạn phải vệ sinh vết hương bằng nước sạch, sau đó lặp lại các bước, rửa lại bằng nước muối sinh lý hoặc nước pha Povidine loãng, đắp gạc giữ ẩm chống dính vết thương, bôi kem, băng lại bằng gạc vô trùng.
Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Anh, thông thường các vết xây xát da sẽ lành sẹo và ít đau sau 2-3 tuần tùy vết xây xát da nông hay sâu. Xây xát da ở bàn chân lâu lành hơn bàn tay, vết thưưng ở mắt cá hoặc cạnh bên bàn chân là lâu lành nhất.
Nếu vết thương sâu, trong một tuần đầu, bạn có thể uông thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau không chứa corticoid như Meloxicam, Diclofenac..., thuốc tan máu bầm Alphachymotrypsin. Hạn chế đi lại, kê chân cao, chườm đá khi chân sưng đau nhiều do viêm.
Nhiều người có thói quen dùng oxy già rửa vết thương, tuy nhiên, đây là cách xử lý cực kì sai lầm. Theo các bác sĩ, oxy già chỉ có tác dụng diệt khuẩn khi vết thương mới xuất hiện hay chỉ rửa sạch vết thương dơ nhờ khả năng oxy hóa mạnh và tạo bọt đẩy bụi, đất cát, mủ, mô hoại tử từ sâu bên trong ra ngoài. Nên nếu sử dụng oxy gìa hàng ngày sẽ làm vết thương lâu khô, làm thời gian điều trị kéo dài và có thể để lại sẹo.