Bài học từ một đời tiết kiệm của bố mẹ

(lamchame.vn) - Lớn lên, khi đã kiếm được tiền, tôi dần hiểu về cách chi tiêu và tiết kiệm của bố mẹ.

Bố mẹ tôi đã tiết kiệm tiền trong suốt cuộc đời của họ. Trước hết, bố tôi làm chủ một tiệm đồ ăn bình dân, mẹ tôi làm trong một tiệm cắt tóc, đều là những tiệm bình thường và không mấy nổi bật trên phố.

Nhà tôi ở tầng trên cửa tiệm đồ ăn của bố, vì vậy đó không chỉ là nhà của tôi, mà còn là nhà bếp và nhà kho chứa đầy nguyên liệu nấu ăn của bố. Bốn cái tủ đông chen chúc phòng khách, bộ ghế sô pha gỗ chất đầy bột ngọt, đậu phộng, bún, vỏ đậu… trong những cái túi đan lớn. Chiếc ghế được chừa một khoảng nhỏ ở giữa vừa vặn cho hai người ngồi, bên cạnh đó là một chiếc bàn nhỏ để nước mỗi khi có ai đó ngồi xuống xem thời sự.

Ảnh minh hoạ - Pinterest

Trước khi học trung học, quần áo của tôi thoang thoảng mùi gia vị và dầu mỡ vì phòng tôi được bố trưng dụng là nơi đựng gia vị. Ngoài ra, vì bố mẹ tôi không muốn sử dụng máy giặt để giặt quần áo nhỏ, nên họ luôn sử dụng chậu rửa thịt sống để giặt tất cả quần áo của tôi, trừ áo khoác và ga trải giường.

Bữa cơm gia đình chúng tôi cũng cực kỳ đơn giản. Đừng nghĩ nhà là tiệm bán đồ ăn thì mình cũng được đổi món mỗi ngày. Trước hết, nhà có ba người thì ba người lại ăn những giờ khác nhau. Tôi sẽ ăn cơm ngay sau khi đi học về, bố và mẹ sẽ tranh thủ ăn lúc cửa tiệm vắng khách. Đồ ăn đã được mẹ chuẩn bị từ tối hôm trước như cá kho, thịt luộc… Chúng tôi ăn đi ăn lại những món đó 7 ngày trong tuần mà chẳng ai buông lời cằn nhằn hay chê bai, vì đơn giản, chúng tôi hiểu được đồ ăn và công sức người nấu thực sự quý giá như thế nào.

Không chỉ vậy, mẹ tôi ngại chi bất cứ khoản tiền nào mà bà cảm thấy là không cần thiết, tất nhiên, theo quan điểm của bà, rất nhiều thứ được quy vào mục không cần thiết. Quần áo của tôi toàn là những nhãn hiệu linh tinh trong chợ và giày của tôi là những chiếc Nike logo đám mây hay Adidas bốn vạch bán bên đường. Quần thể dục bị rách và tuột đế giày khi đứng nhảy xa đều là những ký ức như ác mộng trong đầu tôi. Hai chiếc áo khoác dạ hiệu 361° mua một tặng một trong ngày giảm giá gì đó đã theo tôi từ những ngày cấp 2 đến khi ra ngoại tỉnh để học đại học.

Ảnh minh hoạ - Pinterest

Lớn lên, tôi không có ấn tượng về việc bố mẹ tôi từng đi taxi. Đến bản thân tôi còn ít khi đi tàu điện ngầm, vì xe buýt chỉ tốn mấy ngàn, chỉ cần không quá xa là bố tôi sẽ dắt tôi đi bộ. Nếu không có chuyện gì đặc biệt, bố tôi dậy lúc 6 giờ sáng và đóng cửa tiệm đồ ăn bình dân lúc 9 giờ tối, còn mẹ tôi mở cửa tiệm tóc lúc 9 giờ sáng và đóng cửa lúc 9 giờ tối. Không đi du lịch, không nghỉ lễ, làm lụng cả ngày, quanh cả năm, bố mẹ tôi đã trải qua hơn 20 năm như vậy đấy.

Hơn 20 năm, cuộc sống của họ vẫn vậy cho đến khi tôi đi học đại học ở tỉnh khác. Tôi được nhận vào trường khá có tiếng rồi ra trường tìm được công việc ổn định, và họ nghĩ tôi là niềm tự hào của họ, bởi họ luôn nói rằng chỉ với tấm bằng trung học cơ sở, họ có thể sinh ra được một đứa con gái tốt nghiệp đại học loại giỏi.

Sau khi tôi vào đại học, tài chính của tôi cuối cùng cũng trở nên tương đối tự do, bố mẹ cho tôi 3 triệu mỗi tháng để chi phí sinh hoạt, ăn uống, quần áo và tôi đã tích được hơn 100 triệu cho đến khi tốt nghiệp. Trong quá trình này, khi thấy rằng tiền trong tài khoản dần dần tăng lên, tôi thực sự yên tâm, và thực sự cảm thấy thành tựu. Rất nhiều khoản chi thực sự không cần thiết, não bộ của tôi liền quẳng nó sang một bên. Tôi thấy rằng mình có thể dần hiểu bố mẹ mình, cũng như có thể dần buông bỏ những ký ức buồn vì họ quá tiết kiệm trong quá khứ.

Ảnh minh hoạ - Pinterest

Sau khi giành cả cuộc đời để tiết kiệm, cuộc sống của bố mẹ tôi ra sao? Tôi kết hôn năm ngoái, và họ đã mua một căn nhà nhỏ hai phòng ngủ ở một thành phố mới cấp một - nơi tôi làm việc với toàn bộ số tiền tiết kiệm để vợ chồng tôi sinh hoạt, trong khi tôi đã nói rằng tự tôi có thể làm việc, tiết kiệm và vay ngân hàng để trả. Họ cũng có ba cửa hàng và hai dãy nhà trọ ở quê, mỗi năm thu gần 400 triệu tiền thuê nhà và tiền lãi ngân hàng. Họ đã đóng hai cửa tiệm nhỏ gắn liền với tuổi thơ của tôi để ở nhà làm vườn, trò chuyện với những người hàng xóm và làm những gì mình thích. Đây có lẽ chính là quả ngọt sau một thời gian rất dài họ đã chăm chỉ trồng cây.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU