Báo động về việc cha mẹ kéo con cùng chết

Ông cha ta vẫn có câu: “cá chuối đắm đuối vì con”, việc cha mẹ yêu thương con cái là lẽ đương nhiên. Thế nhưng, trong thời gian gần đây, nhiều vụ trọng án cha, mẹ giết con xảy ra khiến chúng ta hết sức đau lòng.

Thiết nghĩ, đã đến lúc mỗi người, mỗi nhà và ngành chức năng cần nhìn nhận thẳng thắn về hiện tượng này, cũng như cần có những biện pháp để bảo vệ con trẻ.

“Hổ dữ còn không nỡ ăn thịt con”

Có lẽ, đó là câu nói mà nhiều người đã thốt lên khi nghe tin về bất kỳ một vụ án cha, mẹ giết con xảy ra. Chiều 27/5, Công an tỉnh Bình Dương có thông tin chính thức vụ phát hiện 3 người chết trong căn phòng trọ khoá trái cửa ở khu phố Bình Đường 4 (phường An Bình, TX.Dĩ An, Bình Dương).

Đối tượng Nguyễn Công Diện và Đỗ Hữu Phong tại cơ quan công an.

Các nạn nhân được xác định gồm: Trần Văn Cường (35 tuổi), Phạm Thị Hằng (31 tuổi) và bé gái Trần Kim Phượng (hơn 3 tuổi, con anh Cường và chị Hằng). Theo điều tra ban đầu, anh Cường và chị Hằng cùng quê Thanh Hóa vào Bình Dương làm ăn sinh sống, tạm trú ở phường An Bình.

Bước đầu cơ quan điều tra nhận định thời gian gần đây giữa chị Hằng và anh Cường xảy ra mâu thuẫn tiền bạc nên Cường đã sát hại vợ và con rồi tự tử. Càng đau xót hơn khi chị Hằng đang mang thai nhiều tuần tuổi.

Trước đó, trong vòng chưa đầy một tuần, tại tỉnh Gia Lai đã liên tiếp xảy ra 2 vụ án cha giết con. Vào khoảng 17h ngày 25/5, Công an xã Ia Hrú (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) nhận được tin báo có một thi thể trẻ em tại mương nước cách thôn Lũh Rưng khoảng 1km. Từ những thông tin thu thập được, cơ quan công an xác định cha ruột của cháu bé là Nguyễn Công Diện (SN 1990, ngụ huyện M’Dăk, tỉnh Đắk Lắk), là đối tượng tình nghi nên đã mời về trụ sở để làm việc.

Tại cơ quan công an, Diện đã thừa nhận toàn bộ hành vi giết hại con trai ruột của mình. Theo đó, sau khi xảy ra xích mích với vợ, Diện đã bế con trai đi ra một con mương cách nhà khoảng 1km. Tại đây, Diện đã dìm con xuống một vũng nước cạnh con mương cho đến chết rồi đi về nhà. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai cũng vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam đối với Đỗ Hữu Phong (SN 1979, ngụ thôn Cầu Vàng, xã Kdang, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai) về tội Giết người.

Nạn nhân trong vụ án là cháu Đỗ Nguyệt A. (SN 2010, con ruột của Phong). Khoảng 6h30 ngày 20/5, trong lúc cháu A. chuẩn bị đến trường học thì Phong nghi ngờ con gái lấy trộm tiền của mình nên đã dùng gậy tre đánh đập, dùng chân đạp vào đầu con gái. Khi thấy cháu A. ngất xỉu, Phong chở cháu đến cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Đắk Đoa.

Tại đây, các bác sĩ xác định cháu A. tử vong ngoại viện nên trình báo lực lượng công an. Ngoài ra, cũng cần kể tới vụ án nữ sinh giao gà bị sát hại ở Điện Biên. Những diễn biến mới nhất về vụ án và vai trò của người mẹ đã khiến nhiều người bất ngờ.

Thiếu tướng Sùng A Hồng, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho biết: Khi xét hỏi thì cơ quan điều tra biết trong quá trình làm ăn mua bán ma túy với nhau, các đối tượng này đã không sòng phẳng dẫn đến việc trả thù lẫn nhau. Điểm rất quan trọng của vụ án là bà Trần Thị Hiền có biết việc con mình bị bắt.

Nói về quá trình điều tra vụ án này, ông Hồng cho biết bản thân bà Hiền (mẹ của nạn nhân Duyên) không trung thực báo cáo cơ quan điều tra để cơ quan điều tra truy tìm và cứu Duyên. Khi cơ quan điều tra lấy lời khai, cho bà Hiền viết tường trình, thậm chí cơ quan công an gặp tất cả thân nhân gia đình nhưng bà Hiền vẫn khai báo không trung thực.

Điều này dẫn đến cơ quan điều tra bị đối tượng đánh lạc hướng. Có lẽ, nếu không có sự vô cảm đến lạnh lùng của người mẹ thì nữ sinh Duyên đã có thể được cứu.

 

Bà Trần Thị Hiền - mẹ nữ sinh giao gà.

Vì đâu nên nỗi?

Những vụ án mạng như trên đã gióng lên hồi chuông về một hiện tượng đáng lo lắng đang tồn tạo trong xã hội hiện nay. Đó là sự suy thoái lương tâm, đạo đức của một số người. Khi không đạt được điều mà mình muốn thì sẽ dễ xuất hiện những hành vi tiêu cực. Theo các chuyên gia tâm lý, những mâu thuẫn thường xuyên trong đời sống vợ chồng, hay những khó khăn triền miên của kinh tế gia đình, có thể dẫn đến những căng thẳng tâm lý, thậm chí có thể dẫn đến stress, mức độ nặng hơn có thể là trầm cảm. Riêng về những mâu thuẫn giữa vợ và chồng, cần nhắc đến đặc trưng “giận quá mất khôn”. Những cảm xúc tiêu cực nảy sinh mạnh mẽ, quá trình ức chế cao hơn quá trình hưng phấn, khiến việc làm chủ bản thân vô cùng khó khăn. Với những cá nhân làm chủ bản thân kém, khí chất nóng nảy hoặc ưu tư… thì nguy cơ cao hơn, nếu cá nhân không kịp thời bình tĩnh có thể dẫn đến những hành vi kích động, vượt khỏi tầm kiểm soát dẫn đến hành vi tiêu cực như: tự sát, giết con hoặc tự sát cùng con. Để không còn những vụ án như trên xảy ra, các chuyên gia tâm lý cho rằng, về lâu dài cơ quan quản lý nhà nước cần phải thúc đẩy việc mở lớp học kỹ năng sống, lớp tiền hôn nhân, giúp họ có kỹ năng giải quyết mâu thuẫn trong cuộc sống, khúc mắc giữa vợ chồng… Việc hóa giải những mâu thuẫn trong đời sống, trong mỗi gia đình là điều hết sức quan trọng. Tự thân mỗi người cần phải biết yêu cuộc sống của mình, yêu gia đình mình,sống có trách nhiệm. Mâu thuẫn, xung đột là điều khó tránh khỏi nhưng mỗi người cần phải nghĩ cho người khác, đừng vì “cái tôi” quá lớn để những mâu thuẫn, xung đột càng đẩy lên cao đến mức không thể kiểm soát được. Bên cạnh đó, người thân trong gia đình cần phải có sự quan tâm, có trách nhiệm với nhau. Đặc biệt là việc giáo dục đạo đức, lối sống, coi đó là nền tảng xây dựng gia đình bền vững nhằm ngăn ngừa những bi kịch xảy ra. Cộng đồng dân cư và các tổ chức quần chúng ở cơ sở có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các hiện tượng tương tự. Nếu cứ kiểu “đèn nhà ai, nhà nấy rạng” thì sẽ không thể phát hiện và giúp đỡ những người đang rơi vào hoàn cảnh bất lợi. Các tổ chức xã hội như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, tổ hòa giải, tổ an ninh nhân dân, tổ dân phố... cần phải nắm chắc tình hình mọi mặt ở địa bàn, có trách nhiệm giúp người dân vượt qua những khó khăn, trở ngại, ngăn chặn kịp thời những hiện tượng tiêu cực. Có như vậy mới mong những cái chết thương tâm như trên sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi.

Có công bằng với các cháu?

Từ những hành động giết con này, lại nghĩ tới cảnh trong các bệnh viện, đặc biệtlà khoa ung bướu dành cho nhi, mới thấy cuộc sống đáng quý nhường nào. Nhiều gia đình kiệt quệ vì lo tiền chữa bệnh, giành giật cuộc sống cho con. Giật gấu vá vai, lo từng đồng để kéo dài cuộc sống cho con dù chỉ được tính bằng ngày tháng. Vậy mà có những người cha, người mẹ,trong lúc nóng giận lại đang tâm giết chính đứa con do mình dứt ruộtsinh ra, như vậy có công bằng với các cháu? Chưa hết, mỗi ngày có hàng trăm cặp vợ chồng thường trực ở các bệnh viện để điều trị hiếm muộn, mong muốn có được một đứa con. Thế nhưng, có những người lại ra tay chấm dứt sự sống của chính những đứa con do mình đứt ruột sinh ra.

Theo Pháp Luật Plus

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU