Bão Goni đi theo "vết xe" của bão số 9

Siêu bão Goni (bão số 10 trên Biển Đông) đã giảm 9 cấp sau khi càn quét qua khu vực Philippines và hiện đi vào Biển Đông chỉ mạnh cấp 8. Tuy nhiên, theo dự báo, bão số 10 còn diễn biến phức tạp do tác động của nhiều yếu tố, đặc biệt bão sẽ đi vào và gây mưa ở khu vực tương tự như bão số 9.

Bão số 10 dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp do tác động của nhiều yếu tố trong vài ngày tới

Bão Goni đi theo "vết xe" bão số 9

Ngày 2/11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp ứng phó với bão số 10. 

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, khoảng 13 giờ 2/11, bão số 10 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 680km về phía Đông Đông Nam với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. 

Về cơn bão này, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, từ khi hình ảnh đến khi đổ bộ vào Philippines là khoảng 4 ngày và lúc đổ bộ là lúc siêu bão Goni đạt cường độ mạnh nhất, đạt cấp 17. Tuy nhiên, sau khi càn quét qua đất liền ở Philippines, cường độ bão Goni đã giảm mạnh khi vào Biển Đông. 

"Chỉ trong vòng một ngày mà bão giảm đến 9 cấp, từ cấp 17 giảm xuống đến cấp 8 khi vào Biển Đông rạng sáng nay", ông Khiêm nói. 

Tuy nhiên, theo ông Khiêm, dù duy trì ở cường độ bão yếu, nhưng bão số 10 được nhận định khó dự báo hơn so với những cơn bão khác. Bởi khi sức gió yếu, diễn biến của bão không phụ thuộc vào nội lực từ bên trong mà chủ yếu do các yếu tố bên ngoài tác động.

Giám đốc Trung tâm dự báo phân tích thêm: Có hai yếu tố tác động đến cường độ, quỹ đạo đi của bão là khối cao cận nhiệt đới đang lấn sâu vào và khối không khí lạnh đang tăng cường trong khoảng 48 giờ tới làm tăng khí áp nên bão số 10 vẫn có khả năng mạnh thêm cấp 9.

Tuy nhiên, khi bão đi vào phía trong quần đảo Hoàng Sa, sẽ gặp vùng biển nhiệt độ giảm hơn ở phía ngoài, cùng với không khí khô nên bão sẽ giảm xuống cấp 7-8, nhưng bão ít có khả năng tan trên Biển Đông.

Các tính toán của cơ quan dự báo Việt Nam và một số đài trong khu vực cũng cho thấy, khoảng 2-3 ngày tới bão vẫn giữ nguyên cấp 8, chỉ có một phương án bão có khả năng mạnh lên cấp 9. Khi bão vào đất liền Phú Yên - Đà Nẵng dự báo khoảng cấp 7-8.

Ông Khiêm cũng cho rằng, do tác động của không khí lạnh và hoàn lưu bên ngoài có thể ảnh hưởng đường di chuyển, nhưng đa số các nhận cho rằng, bão đi vào khu vực bão số 9 vừa đổ bộ.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia

Về mưa, theo ông Khiêm, sẽ có 2 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 mưa sẽ kéo dài từ ngày 4 đến 6/11, tập trung từ khu vực Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi tới 300-400mm, khu vực Bình Định, Phú Yên và Bắc Tây Nguyên mua 100-200mm.

Ở giai đoan thứ 2, hoàn lưu của bão kết hợp với không khí lạnh sẽ gây mưa trở ra phía Bắc khu vực ảnh hưởng của bão. Đợt nưa này kéo dài từ ngày 5 đến 7/11, tập trung ở các tình từ Nghệ An đến Quảng Trị với lượng mưa 150-350mm.

Với lượng mưa trên, ông Khiêm lưu ý, trên số hệ thống sông ở miền Trung có thể lên báo động 2, báo động 3 và nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Đáng lưu ý, mưa từ ngày 6/10 đến nay, cả tuyến miền núi phía Tây dọc các tuyến từ Nghệ An vào Quảng Ngãi đã có nhiều nơi mưa trên 1.500mm, nên nguy cơ sạt lở, lũ quét rất cao nếu dội thêm đợt mưa này.

Không chủ quan

Tại cuộc họp, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, siêu bão Goni sau khi đi qua 2 lớp đảo của Philippines, gây ma sát lớn nên khi vào Biển Đông đã giảm cấp.

Tuy nhiên, ông Cường lưu ý, do bão nhỏ, nên không tự quyết định số phận, mà phụ thuộc tác động bên ngoài. Do nhiều hình thái chi phối, kể tốc độ, cường độ, hướng tuyến, quy mô ảnh hưởng chưa dự báo dài được.

Bộ trưởng NN&PTNT lưu ý, rút kinh nghiệp từ cơn bão số 9, hoàn lưu của bão gây mưa lớn ở nhiều khu vực, trong khi toàn bộ giải miền Trung gần như mưa nhiều gần cả tháng qua, đất đá trương hết nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương không chủ quan với bão số 10

"Chỉ cần một đợt mưa 100-200mm trong hai, ba ngày là cực kỳ nguy hiểm liên quan đến sạt lở, lũ quét", ông Cường cảnh báo và yêu cầu các địa phương khu vực sườn Tây dọc tuyến miền Trung cần lên phương án với lũ quét, sạt lở đất và an toàn hồ chứa thuỷ lợi lẫn thuỷ điện nhỏ.

Chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương "không được chủ quan" với bão số 10, dù có giảm cấp khi đi vào Biển Đông, nhưng diễn biến còn phức tạp, có thể gây mưa lớn ở các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ.

Phó Thủ tướng yêu cầu lực lượng phối hợp với địa phương kêu gọi toàn bộ tàu thuyền thoát khỏi khu vực nguy hiểm của bão. Lên phương án sơ tán người dân khu vực lồng bè, chòi cảnh.

Cần đảm bảo an toàn cho tàu tìm kiếm cứu nạn. Bởi hiện có 5 tàu của lực lượng tìm kiếm cứu nạn đang tổ chức 23 người mất tích trên 2 tàu cá Bình Định, bị chìm do cơn bão số 9. 

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu quản lý, vận hành đảm bảo an toàn cho hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi, đê điều (đặc biệt là những hồ xung yếu), cần có sự rà soát các hồ đập, tuyến đê xung yếu có nguy cơ mất an toàn để tu bổ, sửa chữa. 

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT theo dõi sát để dự báo cảnh báo về bão, mưa lũ, đồng thời sớm hoàn thành bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt. 

Link gốc : https://www.tienphong.vn/xa-hoi/bao-goni-di-theo-vet-xe-cua-bao-so-9-1744201.tpo

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU