Bạo hành gia đình với con trẻ không chỉ là đòn roi

(lamchame.vn) - Một mái nhà không chỉ là nơi có đủ cả cha mẹ, mà ở đó trẻ phải cảm nhận được tình yêu thương, được chăm sóc, bảo vệ và không có bạo hành.

Các bậc cha mẹ cần chú ý đến vun đắp hạnh phúc cho trẻ. Ảnh minh họa INT

Thống nhất trong cách giáo dục

Cô Nguyễn Thị Hà, Trường THPT Lương Tài (Bắc Ninh), cho rằng, cần cho vào quy định về hành vi bạo lực gia đình, quy định hành vi phát tán hình ảnh, thông tin, tài liệu riêng tư của thành viên gia đình khi chưa được sự đồng ý của người đó. Trường hợp là trẻ em thì phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ là hành vi bạo lực gia đình.

Theo cô Hà, trong thời đại công nghệ 4.0, với sự đa dạng các nền tảng xã hội cùng nhu cầu chia sẻ thông tin, sẽ có nhiều trường hợp người thân trong gia đình chia sẻ những hình ảnh mà không hỏi ý kiến tất cả các thành viên trong gia đình.

“Hiện, chúng ta sẽ thấy những câu chuyện bôi xấu nhau trên mạng khi không vừa lòng nhau. Đây cũng là bạo lực và bạo lực này còn khủng khiếp hơn nội hàm bên trong nội bộ gia đình”, cô Hà nói.

Bên cạnh đó, cô Hà đề nghị cần có các giải pháp hỗ trợ đối tượng đặc thù là trẻ em bị bạo lực gia đình và bị ảnh hưởng bởi bạo lực gia đình. Ngoài việc hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu hỗ trợ về y tế, tâm lý, pháp lý, chúng ta nên quan tâm tới các biện pháp hỗ trợ liên quan đến việc học tập của trẻ em. Mục đích nhằm bảo đảm việc học tập không bị gián đoạn trong thời gian trẻ đang điều trị các tổn thương về thể chất và tâm lý.

“Một gia đình thường xuyên có mâu thuẫn, lâu ngày cũng sẽ dẫn đến bạo lực, rồi thành bi kịch. Một đứa trẻ sống với người bố có xu hướng bạo lực, người mẹ thường xuyên quát mắng khi lớn lên sẽ có hành vi lệch lạc về thái độ sống cũng như ứng xử với người xung quanh. Ở mọi lứa tuổi, từ sơ sinh đến khi lớn lên, luôn bị ảnh hưởng bởi cách cha mẹ giải quyết các mâu thuẫn trong đời sống hôn nhân”, cô Hà nói.

Việc không thống nhất được quan điểm dạy dỗ đôi khi khiến người “yếu thế” hơn cảm thấy bất lực rồi… mặc kệ. Bởi họ bế tắc và không làm cách nào khác được, khi bản thân họ cũng không có “trọng lượng” đối với người kia. Cuối cùng, vẫn là con trẻ phải chịu thiệt thòi.

Vì vậy, cha mẹ cho con một mái nhà nghĩa là cần cho con đủ tình yêu thương trọn vẹn và cách chăm sóc, dạy dỗ phù hợp nhất. Đặc biệt là sự thống nhất quan điểm của bố mẹ để con có điều kiện phát triển tốt nhất.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU