Bạo lực học đường - nặng hậu quả, nhẹ giải pháp: Kí ức "đen"

(lamchame.vn) - Hậu quả của bạo lực học đường (BLHĐ) để lại là tâm lí và thể chất của nạn nhân bị ảnh hưởng sâu sắc và kéo dài. Nhiều vụ việc đáng tiếc liên quan BLHĐ đang bị bỏ qua một cách dễ dàng. Vậy đâu là giải pháp hiệu quả?

Những năm gần đây, nhiều học sinh bị bạn học tấn công một cách tàn nhẫn bằng hành động và lời nói trong thời gian dài khiến cuộc sống trở nên u tối, thậm chí không lối thoát...

Gần một tháng sau khi bị nhóm bạn đánh hội đồng, người nhà của Giang T.C., học sinh lớp 8, Trường THCS Xuân Nộn, huyện Đông Anh (Hà Nội), vẫn phải đưa con đi khắp các bệnh viện ở Hà Nội để khám, điều trị. Anh Giang Công Băng, bố C., cho biết, từ ngày bị đánh, con hoảng loạn, không cho mẹ tới gần nên một mình anh chăm sóc và đưa đi các viện để khám và điều trị. Nói đoạn, anh vạch tay áo của con gái lên, cánh tay nhằng nhịt vết cắt. Đó là kết quả của những lần con vớ được vật nhọn và tự làm đau bản thân. Trong người C. cũng chi chít vết bầm vì bị đánh. “Với tôi đây là một cú sốc. Cũng có lần, con có nói với mẹ bị bạn bắt nạt, bị đánh ở lớp nhưng nghĩ chỉ là chuyện trẻ con nên không giúp con giải quyết tận gốc. Chúng tôi không ngờ dẫn đến việc con bị hành hạ đau đớn đến như vậy”, anh Băng nghẹn ngào nói.

Ngọc Hà vừa chữa bệnh ung thư, vừa nỗ lực sống bình thường. Ảnh: Châu Linh

Theo bệnh án tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, bệnh nhân sưng nề vùng mắt, sưng đau vùng đầu, buồn nôn. Tại Bệnh viện Bạch Mai, C. được chẩn đoán: sang chấn tâm lí, rối loạn tâm thần. Trong video được lan truyền trên mạng xã hội trước đó, C. bị một nhóm khoảng 5-7 học sinh túm tóc, đánh vào mặt, đầu nhưng không một ai can ngăn. Khi phóng viên tỉ tê, gặng hỏi, nữ sinh này cho biết: “Trước đó ở lớp em đã bị nhóm bạn đánh cả trong lớp và ngoài trường. Nhiều bạn biết nhưng không ai dám can ngăn vì nhóm bạn kia rất hung hăng. Em rất sợ hãi nhưng không dám nói với bố mẹ hay thầy cô vì bị nhóm bạn đe dọa nếu mách lẻo sẽ tiếp tục đánh”. Chỉ đến khi bị cả nhóm kéo đến tận nhà, đánh hội đồng, bố mẹ mới phát hiện ra để đưa đi chữa trị.

Những lời nói sát thương

Cơ thể em C. chi chít vết rạch, vết cắt. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Năm 14 tuổi, Ngọc Hà vừa chống chọi ung thư phần mềm vùng hàm mặt, vừa chịu đựng sự cô lập, miệt thị ngoại hình của bạn bè. Hà nghẹn ngào nói: “Ung thư với em không quá đáng sợ, còn vết thương tinh thần mãi chẳng có hóa chất để truyền”. Đó là khoảng thời gian sau khi Hà phẫu thuật lấy u ở hốc trong chân hàm, gương mặt em bị lệch hẳn. Cộng với tác dụng phụ sau đợt truyền hóa chất kéo dài liên tục 7 tháng, xạ trị 2 tháng, em bị rụng hết tóc. Hà quay trở lại trường học trong diện mạo kín mít, đeo khẩu trang và đội tóc giả vì trong lớp luôn có một nhóm bạn chuyên lấy sự khác biệt của người khác để biến thành tâm điểm đùa cợt trong mỗi giờ ra chơi. “Các bạn hỏi nhưng em không trả lời, nên đã bị giật tóc, quăng khắp lớp. Khi em nói ra mình bị bệnh, các bạn lại đi kể hết cho các bạn xung quanh về việc em bị ung thư phải đội tóc giả. Rồi liên tục chê em bị mặt lệch, đầu trọc, hay cái đồ không có tóc…”, Hà kể. Thời gian sau đó, Hà chỉ trò chuyện được với 2 bạn trong lớp, bởi đa số bạn bè đều bị rủ cô lập em. “Từ một đứa trẻ ham học, thích đến trường vui đùa, con dần sợ đến trường, sợ gặp bạn bè hơn trước, không dám gặp ai và không dám đi ra ngoài nhiều, không dám mặc váy hay tết tóc đến trường”, mẹ của Hà bộc bạch. Mỗi ngày tan học, Hà trở về nhà thu mình ở góc học tập, “gặm nhấm” những vết thương từ thể xác đến tinh thần. Có thời điểm, em có ý định dại dột để chạy trốn khỏi mọi nỗi đau, nhưng hễ nghĩ đến mẹ, người đã hi sinh tất cả để chữa bệnh cho mình, Hà lại nỗ lực đến cùng. Không lâu sau, Hà chuyển đến trường học gần bệnh viện để vừa thuận tiện cho việc điều trị, vừa tìm kiếm môi trường học đường mới lành mạnh hơn. Tại đây, chỉ có giáo viên chủ nhiệm biết về hoàn cảnh của em, Hà cũng hạn chế giao lưu, tiếp xúc với bạn bè mới. Hà thổ lộ: “Em chỉ mong, các bạn không để ý đến mình để em được làm một học sinh bình thường”.

Lời người trong cuộc

Một ngày cuối tháng Tư, phóng viên theo hướng dẫn của các thầy Trường THCS Nguyễn Du (thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) tìm về nhà của M. nhưng hỏi thăm mãi không ai biết. Chỉ khi nói tìm nhà nữ sinh bị đánh hội đồng, một cụ bà lập tức nhớ ra và nhiệt tình dẫn sang tận nơi.

Bà ngoại của M. cho hay, trước lúc xảy ra sự việc, M. ở với bà để tiện đường đi học. Tuy nhiên, sau sự việc bị đánh hội đồng, ông bà nội M. đưa em về bên ấy, thay nhau đưa đón. Sau khi bị đánh, M. mang tâm lí khá nặng nề, dù được gia đình, thầy cô động viên. Có lần, M. kể với bà việc bạn bè vẫn lấy câu chuyện mình bị đánh ra bàn tán. Sợ cháu nghĩ dại nên ông bà nội đưa về chăm sóc, gần gũi. “Hôm ấy, tôi đi bán đến trưa mới về. Lúc này, M. đã đi học về nhưng đóng cửa trong phòng. Tôi thấy lạ nên gọi hỏi nhưng cháu không kể chuyện gì. Đến khi xuất hiện clip quay lại cảnh cháu bị đấm đá, bị bạn cùng trường dùng mũ bảo hiểm đập liên tiếp vào đầu, tôi và mẹ cháu mới hay biết và lập tức đưa cháu đi bệnh viện”, bà ngoại M kể.

Về lí do M. bị đánh, mẹ em, chị H.T.T.D., kể rằng, trước đó, em L. (học sinh lớp 6 cùng trường) nhờ con chị giữ hộ 1 mũ bảo hiểm. Sau đó, một bạn học khác làm hỏng mũ bảo hiểm nên con chị chưa trả. Sau đó, em L. nhờ nữ sinh T.T.Y.N. và L.T.T.T. (cùng học lớp 8 của trường) đòi M. trả mũ bảo hiểm, nếu không phải đền mấy trăm ngàn đồng. Do không có tiền, M. hẹn đền sau thì bị nhóm N. đánh ngay trong trường và được bảo vệ phát hiện, yêu cầu lên phòng viết bản tường trình. “Sau khi viết xong, các nữ sinh khác vào học, riêng nữ sinh N. bỏ về nhà. Đến trưa cùng ngày, sau giờ tan học, nữ sinh N. kéo theo một số nữ sinh khác nắm tóc, dùng tay đánh nhiều cái vào đầu và dùng mũ bảo hiểm đánh M. tới tấp. Đánh xong, một nữ sinh còn nhảy chân sáo”, mẹ M. xót xa kể. Chị có phần trách móc khi tại hiện trường có rất nhiều học sinh nhưng không ai có hành động can ngăn, ngược lại còn dùng điện thoại dí sát vào mặt M. để quay, có người còn xúi “thêm cái nữa đi”…

Chia sẻ về hành động đánh bạn một cách thô bạo, N. tỏ ra hối hận. Chỉ vì một phút bốc đồng của bản thân mà để lại nỗi đau cho bạn. Một tuần ở nhà chấp hành hình thức kỉ luật buộc thôi học có thời hạn của nhà trường, N. đã nghiêm túc kiểm điểm lại bản thân; đồng thời rút ra kinh nghiệm khi giải quyết mâu thuẫn trong cuộc sống.

Thầy Huỳnh Tấn Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, cho biết, nguyên nhân dẫn đến đánh nhau của học sinh phần lớn chỉ vì mâu thuẫn nhỏ. Tuy nhiên, các em lại chọn cách giải quyết bằng bạo lực thay vì chia sẻ với người thân hoặc thầy cô. Có trường hợp như nhóm nữ sinh đánh hội đồng em M., dù được thầy cô phát hiện, khuyên ngăn nhưng các em không nghe, lại hành động theo cảm xúc. Nhà trường mời công an vào cuộc để phối hợp xử lí, kể cả những em tham gia đánh và đứng ngoài cổ xúy, kích động. Nhà trường cũng đã có hình thức kỉ luật thích đáng cho những em vi phạm.

Theo Bộ GD&ĐT, năm 2022 có 49/63 tỉnh thành phố báo cáo cho thấy, năm học 2021-2022 có 386 vụ BLHĐ liên quan 1.161 đối tượng. Tuy nhiên, ngành cũng xác định, con số trên thực tế sẽ lớn hơn rất nhiều.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU