Bảo vệ mải kiếm 'hoa hồng', dân chung cư nháo nhào chạy giữa đêm

Theo anh Nhật, bảo vệ ở khu chung cư nơi anh ở thường là những người đã qua tuổi nghỉ hưu, hoặc nếu là thanh niên, thì sự đào tạo vẫn chưa thật rốt ráo, thiếu kỹ năng nên nếu có cháy, cư dân thường phải tự mình xoay sở.

Chuông báo cháy 'nhạy' bất thường

Kể từ sau vụ cháy ở chung cư Carina ở TP.HCM, vấn đề phòng cháy chữa cháy  được quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên cũng từ đây, câu chuyện về chiếc chuông báo cháy bỗng trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi ở nhiều diễn đàn cư dân.

Anh Hoàng Mạnh Hùng (SN 1969, cư dân ở tổ hợp chung cư thuộc địa bàn huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, suốt 3 năm ở tòa nhà này, anh chỉ nghe tiếng chuông báo cháy kêu khoảng 5 lần. Lần nào có chuông báo cháy, bảo vệ tòa nhà cũng tìm được lý do để giải thích với người dân.

Tuy nhiên kể từ sau vụ hỏa hoạn ở TP.HCM khiến 13 người thiệt mạng vào tháng 3 vừa qua thì hệ thống báo cháy ở tòa nhà anh trở nên “nhạy” bất thường.

Người dân dọn dẹp sau thử nghiệm hệ thống tự chữa cháy của tòa nhà. Ảnh: Lê Trọng

“Cả chục ngày nay, gần như ngày nào chuông báo cháy cũng réo 1 lần. Có ngày, chuông báo cháy kêu tới 2 lần khiến người dân sợ hãi chạy liên tục. Đáng nói, có hôm, chuông báo cháy kêu lúc nửa đêm khiến cư dân ở tầng 15, 20 cũng vội vàng ôm con tháo chạy xuống mặt đất” - anh Hùng cho biết.

“Chúng tôi đi làm cả ngày đã mệt, về đến nhà lại hoảng loạn rồi chạy lên chạy xuống như tập trận.

Điều đáng nói là mọi người sợ hãi nên gọi nhau tán loạn, mà không thấy bất cứ hỗ trợ nào từ ban quản lý hay bảo vệ tòa nhà. Sau đó chúng tôi chỉ được nghe những lời giải thích qua loa như ai đó nghịch ngợm ấn chuông báo cháy hoặc gia đình nào  nướng đồ ăn trong nhà, khói bốc lên kích hoạt hệ thống báo cháy. Thậm chí, có gia đình thắp hương ngày rằm, khói bốc lên cũng báo cháy…”, anh Hùng bức xúc nói.

Anh Hùng cho rằng, thỉnh thoảng người dân phải diễn tập làm quen với tình huống cháy là việc rất cần thiết. Tuy nhiên nếu là tình huống phát sinh thì bảo vệ tòa nhà phải nhanh nhạy và làm việc có trách nhiệm hơn.

“Thông thường, khi chuông báo cháy kêu, bảo vệ tòa nhà có thể nhìn bảng điều khiển thông tin báo cháy (thường đặt ở tầng 1) để phát hiện tín hiệu báo cháy xuất hiện ở tầng nào.

Từ đó, bảo vệ có thể kiểm tra thông tin và thông báo, hướng dẫn người dân. Đằng này, cư dân cứ hoảng loạn tháo chạy mà không hề biết đám cháy đang ở đâu và chuông báo cháy là thật hay giả”, anh Hùng cho biết.

Người dân náo loạn chạy cháy.

Bảo vệ chỉ mải môi giới, kiếm phần trăm 'hoa hồng'?

Cùng thái độ bức xúc với trách nhiệm và cách làm việc của bảo vệ chung cư như anh Hùng, anh Đoàn Minh Nhật (cư dân khu chung cư ở Thanh Trì, Hà Nội) cũng cho rằng, một số bảo vệ làm việc rất thiếu trách nhiệm và không hề có kỹ năng. 

"Khi xuất hiện chuông báo cháy, nếu bảo vệ là người nhanh nhạy, có trách nhiệm cao với công việc, họ sẽ đến tận nơi phát ra tín hiệu báo cháy đầu tiên để kiểm tra hoặc gọi điện cho trưởng tầng đi tìm hiểu tình hình.

Nếu là đám cháy thật, bảo vệ lập tức hô hào và tham gia chữa cháy trước khi đội PCCC tới, đồng thời có thông báo hướng dẫn người dân chạy lên hoặc chạy xuống để thoát nạn.

Nếu là thông tin báo cháy giả hoặc tin cháy có khả năng kiểm soát tốt thì họ thông báo để người dân đỡ hoảng loạn. Như vậy, cho dù có xảy ra cháy thì hậu quả cũng không đến mức nặng nề", anh Nhật nói. 

Tuy nhiên theo anh Nhật, bảo vệ ở khu chung cư nơi anh ở thường là những người đã qua tuổi nghỉ hưu, hoặc nếu là thanh niên, thì sự đào tạo vẫn chưa thật rốt ráo, thiếu kỹ năng nên khi có cháy, cư dân thường phải tự mình xoay sở. 

"Ở tòa nhà nơi tôi ở có 3 bảo vệ. Một người chuyên trực tầng hầm nhưng không mấy khi thấy ông ta đi tuần tra mà chỉ ngồi một chỗ hút thuốc, xem ti vi, nghe đài. Một ông thì chỉ sốt sắng đi tìm hiểu những gia đình đang ý định bán nhà hoặc cho thuê nhà để môi giới lấy phần trăm 'hoa hồng'.

Khi có chuông báo cháy, gần như không thấy bóng bảo vệ. Chúng tôi toàn phải tự đi tìm hiểu rồi thông báo cho người quen ở tầng khác chứ không trông chờ được vào bảo vệ", anh Nhật nói. 

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU