Vì sao trẻ dễ bị chốc?
Theo chia sẻ trên mạng, một phụ huynh thấy con bị sổ mũi nên đã lấy dầu gió xanh bôi vào mũi. Sau mấy ngày trẻ bị chốc lở ở lỗ mũi và trên hai mí mắt.
Sau chia sẻ trên, mọi người cho rằng dầu gió đã làm bỏng da và do đó không nên dùng cho trẻ…
Tuy nhiên, theo BS Trương Hoàng Hưng - Phòng khám Nhi MD KIDS PEDIATRICS, TP Irving, Texas, Hoa Kỳ, hình ảnh của cháu bé trên là bị chốc lở (impetigo), là loại nhiễm trùng da thường gặp nhất ở trẻ con, nhất là trong độ tuổi 2 - 5 tuổi.
BS Hưng cho biết đây là loại nhiễm trùng trên bề mặt của da, nhẹ, dễ điều trị, không để lại sẹo nhưng có thể lây lan.
Nguyên nhân của chốc lở là do vi trùng có thể sống trên da chúng ta, nhất là những người lười tắm rửa. Loại nhiễm trùng này thích nơi nóng ẩm, có thể lây lan qua tiếp xúc gần trong gia đình, hoặc qua quần áo, khăn tắm.
Những người dễ bị chốc lở là người lười vệ sinh, có làn da không khỏe, điển hình là những trẻ bị viêm da cơ địa. Làn da khô, nứt nẻ là nơi 'mời chào' các thể loại virus, vi trùng như chốc ghẻ, molloscum contagiosum, mụn cóc,… Ngoài ra, những người có tổn thương da qua các vết xước, vết cắt cũng có nguy cơ bị chốc lở.
Ở trẻ em, BS Hưng cho rằng chốc lở rất thường gặp ở vùng xung quanh mũi, miệng, mặt. Thông thường, trẻ bắt đầu với một đợt viêm hô hấp trên, chảy nước mũi, trẻ dùng tay quệt đi quệt lại suốt ngày, cha mẹ chùi mũi liên tục làm trầy xước vùng da ở mũi, từ đó gây nhiễm trùng. Và trẻ tiếp tục dùng tay đang nhiễm khuẩn phát tán vi khuẩn ra vùng khác như mặt, tay chân, thân mình.
Vệ sinh kém dễ gây chốc lở ở da.
Hai loại chốc lở
Loại chốc lở thứ nhất là loại không có bóng nước (nonbullous)
Loại này thường bắt đầu bằng một nhóm các mụn nước nhỏ, gây ngứa, hơi viêm đỏ. Sau đó, các mụn nước vỡ ra tạo thành một vết loét nông có lớp màu màu vàng như mật ong hay nâu trên mặt. Các vết thương này có thể tiếp tục lan ra xung quanh và nhiều vùng khác trên cơ thể nếu không được giữ gìn vệ sinh tốt, nhất là ở trẻ em.
Loại chốc lở thứ hai là loại bóng nước (bullous)
Loại này nhìn đáng sợ hơn loại kia, thường là những bóng nước to như vết phỏng, sau đó vỡ ra để lại vùng loét da nông, viêm đỏ. Loại này hay bắt gặp ở thân người, tay chân, vùng mang tã. Loại này thường do tụ cầu Staph.
Khi bị chốc lở, nếu vết lở nhỏ và ít, có thể vệ sinh sạch và bôi thuốc sát trùng da như Povidon và Chlorhexidine, thuốc oxy già.
Tuy nhiên, nếu vết lở lan rộng và có nhiều vùng khác nhau thì cha mẹ nên dùng các thuốc kháng sinh ngoài da từ 7-10 ngày và bắt buộc phải là loại có tác dụng lên Strep và Staph. Loại thuốc thường được dùng nhiều nhất là Mupirocin 2% và Fucidin. Cha mẹ nên rửa sạch bằng nước muối hay nước sạch, gỡ bỏ các lớp vàng trên mặt nếu được trước khi bôi kháng sinh.
Nếu chốc lở xuất hiện ở nhiều vùng khác nhau hoặc là loại bóng nước thì cha mẹ nên dùng thêm kháng sinh đường uống như Cephalexin, Augmentin, Bactrim, Clindamycin.
Chốc lở thường nhẹ và không có biến chứng. Một số trường hợp hiếm hoi có thể gây viêm cầu thận cấp sau nhiễm Strep.
Để phòng bệnh, theo BS Hưng, tốt nhất là mọi người nên vệ sinh tốt, rửa tay thường xuyên, chăm sóc da để có làn da khỏe mạnh; điều trị viêm da cơ địa tốt, dùng kháng sinh Mupirocin cho vùng mũi mỗi tháng để phòng ngừa Staph thường trú nếu viêm da cơ địa nặng.
https://soha.vn/be-choc-lo-quanh-mui-va-mat-sau-khi-boi-dau-gio-chuyen-gia-chi-ro-nguyen-nhan-20220316193158199.htm
Theo soha.vn