Bé gái suýt chết vì sở thích làm đẹp sớm cho con của bà mẹ trẻ

(lamchame.vn) - Tại nhiều bệnh viện hiện nay có dịch vụ bấm lỗ tai cho bé gái ngay sau khi chào đời nên ngày càng nhiều bà mẹ chọn lựa. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ rủi ro của việc bấm lỗ tai sớm cho trẻ. 

Nhiều người khác lại chờ con đầy tháng, hay 5-6 tháng sẽ mang con đi bấm lỗ tai nhưng sau đó vô tư đeo vòng vàng, bạc cho con để làm dáng gây nhiễm trùng.

Con suýt chết vì nhiễm trùng huyết

Chị Lê Hoa (24 tuổi, quận 7, TP HCM) sau khi sinh con ở Bệnh viện Từ Dũ, các y tá giới thiệu các sản phụ dịch vụ bấm lỗ tai khi con chỉ mới được 1-2 ngày tuổi. “Tôi nghĩ việc bấm sớm sẽ giúp lỗ tai nhanh lành, đỡ đau cho bé khi lớn lên. Mặt khác, do đây là dịch vụ của bệnh viện nên tôi rất yên tâm”, chị kể.

Tuy nhiên, khi mang con về nhà chăm sóc, do vẫn còn trong tháng nên chị bận hút sữa, ru bé ngủ, chồng chị lại bận tắm bé, vệ sinh rốn, thức khuya cho con uống sữa… nên việc vệ sinh lỗ tai con bữa được bữa không.

 

Thêm nữa, ngày đầy tháng, bà nội bé tặng cháu một đôi bông tai vàng để cháu đeo cho đẹp. Nể mẹ chồng, chị phải đeo cho con hầu hết thời gian khi ở nhà. Hai hôm sau, tai bé có biểu hiện sưng tấy đỏ, sau đó chảy mủ, có mùi hôi nặng. Hoảng hốt, vợ chồng tháo bông tai và sát trùng cho con, sau đó đem con lên bác sĩ.

Tại bệnh viện, con chị Hoa đã được các bác sĩ đã làm vệ sinh tại vùng nhiễm trùng, dùng kháng sinh dạng chích và theo dõi nhiễm trùng huyết. "Tôi rất ân hận, tôi đã đã suýt giết con mình chỉ vì thích làm đẹp cho con khi còn quá bé", chị Hoa nghẹn ngào kể.

Không chỉ riêng chị Hoa, rất nhiều bà mẹ đã cho con mình bấm lỗ tai ngay từ khi mới ra đời nhưng lại không thiếu kiến thức chăm sóc cơ bản gây nguy hại cho con.

Trước đó, ở Tiền Giang, một bé gái 15 ngày tuổi đã phải nhập viện vì tình trạng sốt cao, mệt lả, không bú mẹ, mang tai có biểu hiện tấy đỏ, chảy mủ…

Một người mẹ từng gây tranh cãi khi cố bấm lỗ tai cho con gái vài tháng tuổi

Sau khi thăm khám, các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang chẩn đoán bệnh nhi bị viêm mô tế bào vùng quanh 2 bên lỗ tai, có nguy cơ bị nhiễm trùng huyết nặng. Lập tức, các bác sĩ đã cấp cứu rửa vết thương, cắt sợi chỉ xỏ lỗ tai, lấy mủ ra, đồng thời tiêm thuốc kháng sinh cho bé. Sau đó, bé gái liền giảm sốt, hai bên tai bớt sưng, bé bú được, sức khỏe có nhiều chuyển biến tích cực.

Đợi con lớn bấm lỗ tai vẫn chưa muộn

Các chuyên gia cho biết việc bấm lỗ tai không an toàn có thể dẫn đến nhiều biến chứng, nặng nhất là nhiễm trùng huyết gây tử vong. Sau khi bấm lỗ tai không đúng cách, bệnh nhân thường bị nhiễm trùng, gây viên sụn vành tai và áp xe sụn vành tai.

Về biến chứng nặng nhất của bấm lỗ tai là nhiễm trùng huyết, các bác sĩ giải thích nguyên nhân xuất phát từ việc vi khuẩn xâm nhập qua vết thương, đi vào máu gây sốt cao và tạo nhiều ổ viêm trong cơ thể. Những trường hợp này, cha mẹ không được vì nếu không được đưa vào bệnh viện xử lý kịp thời, các con có thể tử vong.

Do đó, lời khuyên cho các bậc cha mẹ là nếu muốn bấm lỗ tai, hãy đợi con 10 tuổi vẫn chưa muộn. Khi đó, do cân nặng và chiều cao phát triển, khả năng chịu đau của con cũng được cải thiện và cơ thể dễ dàng chống lại sự tấn công của vi khuẩn.

Ba mẹ nên chờ bé đủ 10 tuổi hãy bấm lỗ tai

Đối với những trường hợp con bị bệnh rối loạn đông máu, trẻ bị tim bẩm sinh, cha mẹ phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bấm vì dễ dẫn đến nhiễm trùng, nguy hiểm tính mạng.

Khi bấm lỗ tai, cha mẹ phải đưa con đến những địa chỉ uy tín, an toàn. Đừng nên cho con bấm lỗ tai bằng máy của những người bán dạo ven đường, có thể lây bệnh nguy hiểm cho con, lại dễ nhiễm trùng. Ngoài ra, nhiều mẹ hay cho con đến các salon, spa gần nhà để bấm lỗ tai cũng là sai lầm ảnh hưởng sức khỏe con. Sau khi con bấm lỗ tai về, cha mẹ cần hướng dẫn con chăm sóc, vệ sinh sạch sẽ phòng nhiễm trùng.

Theo sohuutritue.net.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU