Bé trai có bàn tay 8 ngón hiếm gặp

Một bé trai 5 tuổi ở TP.HCM có bàn tay trái bị dị tật 8 ngón, 2 bên đối xứng qua trục bàn tay. Đây là dị tật hiếm gặp - trong 200 năm có chưa đến 100 ca.

Bé trai được phẫu thuật thẩm mỹ, tái tạo chức năng bàn tay tại Bệnh viện FV. Theo bác sĩ Stéphane Guero, chuyên gia người Pháp sáng lập Viện Phẫu thuật bàn tay Pháp - phẫu thuật viên chính ca mổ, trường hợp này là dị tật bẩm sinh, gọi là "bàn tay soi gương’’ (mirror hand).

Bác sĩ Stéphane Guero cho biết tay trái bệnh nhi có 8 ngón, chia làm hai bên đối xứng qua trục bàn tay, có gấp đôi số xương bàn tay. Nhưng bàn tay trái không có chức năng ngón cái, thiếu xương quay của cẳng tay và có tới hai xương trụ (người bình thường có một xương quay và một xương trụ).

Ảnh chụp xương bàn tay của bệnh nhi 5 tuổi. Ảnh: BVCC

"Nguyên nhân dẫn đến dị tật chưa được xác định chính xác, nghi ngờ do biến đổi gen" - bác sĩ Guero nói.

Vì không có ngón cái nên bệnh nhi này không thể cầm nắm, chỉ kẹp được những vật nhỏ, mất chức năng của bàn tay khiến trẻ gặp khó khăn trong các sinh hoạt hằng ngày.

Để khôi phục chức năng bàn tay, thẩm mỹ, bác sĩ Guero đã loại bỏ 3 ngón thừa, nhỏ, ít chức năng. Đồng thời, ngón thứ ba (từ trái qua) được chuyển sang vị trí ngón thứ hai cũ để tạo thành ngón cái.

Bác sĩ Guero cho hay điều khó khăn nhất là lựa chọn ngón cái mới, do phải xác định được hệ thống mạch máu, thần kinh và hệ cơ cho từng ngón tay. Bên cạnh đó, ê kíp phải tính toán kỹ lưỡng việc di chuyển ngón được chọn làm ngón cái đến vị trí mới tối ưu, xác định độ dài của ngón cái mới để tạo hình, đảm bảo thẩm mỹ và chức năng hoàn thiện của bàn tay. Riêng cánh tay, bé vẫn có thể co tay nên bác sĩ chưa xử lý phần này.

Bác sĩ Stéphane Guero kiểm tra tay cho một bệnh nhi. Ảnh: BVCC

Ca mổ đã diễn ra thành công, bệnh nhi tiếp tục được ghim đinh cố định ngón tay trong 6 tuần. Sau đó, bé sẽ được hướng dẫn và dần làm quen với ngón cái và chức năng cầm nắm của bàn tay như bình thường.

Đây là một trong số 21 trường hợp dị tật bàn tay hiếm gặp, đa phần là trẻ em. Trường hợp nhỏ nhất mới 2 tuổi, được bác sĩ Guero phẫu thuật tại Bệnh viện FV trong 7 ngày trở lại Việt Nam.

Nhiều năm qua, bác sĩ Guero nhiều lần về Việt Nam để giúp hàng trăm bệnh nhân thoát cảnh tật nguyền.

Theo Người lao động

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU