Bệnh bạch hầu "tái xuất" nguy hiểm: Bác sĩ lưu ý những điều quan trọng

Trước khi có vắc xin, bệnh Bạch Hầu từng là nỗi ám ảnh cho nhiều quốc gia, gây ra cái chết cho rất nhiều trẻ em mắc bệnh này trên toàn thế giới, nay chúng đang quay trở lại.

Ngay kể cả Mỹ, các quốc gia phát triển cũng như các quốc gia đang phát triển khác đều phải đối phó với căn bệnh này. Nhờ có sự thành công của các chương trình tiêm chủng, trong đó có vắc xin phòng bệnh Bạch Hầu, căn bệnh nguy hiểm này về cơ bản đã được giải quyết ở Mỹ, ở Việt Nam hay đa số các quốc gia khác.

Tuy nhiên, trên thế giới, căn bệnh này vẫn còn tồn tại và có những đợt dịch nhỏ bùng phát đã được báo cáo những năm gần đây.

Năm 2018, theo số liệu được các quốc gia báo cáo cho Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) thì có hơn 16.000 trường hơp mắc bệnh Bạch Hầu. Con số này trên thực tế có lẽ nhiều hơn và số ca bệnh đang có xu hướng tăng dần.

Bệnh Bạch hầu cũng có xu hướng quay trở lại ở Việt Nam trong những năm gần đây với một vài ca bệnh lẻ tẻ. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2020, tại tỉnh Đắk Nông và thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện nhiều trường hợp mắc căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này. Bệnh Bạch Hầu đang quay trở lại.

1. Bệnh Bạch Hầu là gì?

Bệnh Bạch Hầu là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gây ra bởi vi khuẩn có tên khoa học Corynebacterium diphtheria (vi khuẩn Bạch Hầu). Vi khuẩn này khi xâm nhập vào cơ thể người bệnh sẽ tiết ra độc tố. Độc tố này theo máu đến các cơ quan và gây các tổn thương cho các cơ quan này.

Vi khuẩn Bạch Hầu có khả năng lây từ người sang người, thường thông qua các giọt nhỏ của đường hô hấp. 

Giả sử tôi mắc bệnh bạch hầu, tôi ho và tiếp xúc gần với bạn, bạn nhận những giọt nước bọt nhỏ li ti từ tôi. Vì một lý do nào đó, bạn chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu, thế là bạn bị. Bệnh Bạch Hầu rất dễ lây. 

Vì khả năng dễ lây lan này mà bệnh Bạch Hầu có khả năng trở thành dịch. Khi đã thành dịch thì sẽ để lại rất nhiều hậu quả cả về vật chất và con người. 

Bạn thử nghĩ, một bệnh nhân bị bệnh, hai bệnh nhân bị bệnh, chúng ta tập trung phát hiện sớm và điều trị sớm thì kết quả sẽ tốt. Nhưng khi đã thành dịch, rất nhiều người cùng bị trong khi nhân lực và vật lực y tế có hạn, tất nhiên việc điều trị tốt sẽ khó khăn hơn rất nhiều (đại dịch COVID – 19 hiện nay là một ví dụ điển hình).

2. Triệu chứng của bệnh Bạch Hầu là gì ?

Vi khuẩn Bạch Hầu có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp và trên da. Triệu chứng của bệnh Bạch Hầu phụ thuộc vào cơ quan mà vi khuẩn này tác động.

2.1. Triệu chứng của đường hô hấp:

Vi khuẩn Bạch Hầu thường gây nhiễm trùng đường hô hấp, bao gồm cả đường hô hấp trên (mũi, họng…) và đường hô hấp dưới (phế quản, phổi). Khi vi khuẩn xâm nhập vào đường hô hấp, nó có thể gây:

- Mệt mỏi

- Viêm họng

- Sốt nhẹ

- Sưng hạch vùng cổ.

Vi khuẩn tiết ra độc tố. Độc tố này sẽ giết chết các tế bào khỏe mạnh của đường hô hấp. Trong vòng 2 đến 3 ngày, các tế bào chết này tập hợp lại tạo thành lớp màng quánh mỏng, màu xám che lấp vùng hầu họng. Lớp màng quánh này che lấp mũi, amidan, họng và thanh quản khiến bệnh nhân khó thở, khó nuốt, có nguy cơ không thở được.

Khi độc tố đi vào máu, nó có thể gây tổn thương các cơ quan đích mà nó đi tới như tổn thương tim, thần kinh, thận.

2.2. Triệu chứng trên da:

Vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng trên da, gây ra các vết loét nhỏ. Tuy nhiên, các tổn thương trên da thường ít khi trở thành các vấn đề nguy hiểm.

3. Các biến chứng có thể gặp:

Các biến chứng trên đường hô hấp của bệnh Bạch Hầu có thể gồm:

- Tắc đường thở.

- Phá hủy tế bào cơ tim (viêm cơ tim).

- Phá hủy tế bào thần kinh.

- Mất chức năng di chuyển (liệt).

- Suy thận.

Bệnh Bạch Hầu có thể gây chết người. Thậm chí, khi bệnh nhân đã được điều trị thì cứ 10 bệnh nhân cũng có 1 bệnh nhân tử vong. Nếu không được điều trị, có đến 50% bệnh nhân sẽ tử vong.

4. Chẩn đoán bệnh Bạch Hầu:

Chẩn đoán bệnh Bạch Hầu dựa vào những triệu chứng của bệnh.

Các bác sĩ có thể lấy dịch ở vùng hầu họng hoặc dịch mũi của bệnh nhân để làm test tìm vi khuẩn Bạch Hầu hoặc cấy dịch đó để xem có vi khuẩn gì mọc hay không. 

Nếu mẫu bệnh phẩm đó mọc lên vi khuẩn Bạch Hầu thì bác sĩ sẽ khẳng định tình trạng hiện tại của bệnh nhân là do vi khuẩn Bạch Hầu gây ra. Tuy nhiên, cấy bệnh phẩm cần chờ thời gian để có kết quả. 

Nếu chờ kết quả cấy sẽ làm chậm chễ việc điều trị. Vậy nên, điều quan trọng là phải điều trị sớm nếu bác sĩ nghi ngờ viêm đường hô hấp này là do vi khuẩn Bạch Hầu gây ra.

5. Điều trị bệnh Bạch Hầu:

Điều trị bệnh Bạch Hầu có 2 phần: Sử dụng kháng sinh có khả năng tiêu diệt vi khuẩn Bạch Hầu và trung hòa độc tố do vi khuẩn Bạch Hầu tiết ra. 

Những vấn đề này sẽ do bác sĩ quyết định. Bác sĩ sẽ giải thích cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hiểu để hợp tác điều trị.

6. Phòng bệnh Bạch Hầu:

  • Phương pháp rất đơn giản và hiệu quả là tiêm vắc xin phòng bệnh Bạch Hầu. Hiệu tại, vắc xin phòng bệnh Bạch Hầu có trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia và hoàn toàn miễn phí.

Sau nhiều năm kiểm soát bệnh Bạch hầu cũng như các bệnh khác rất tốt bằng tiêm phòng vắc xin, bệnh không xuất hiện. Thì chúng mình lại chủ quan với nó. Hết hội nọ anti vắc xin, hội kia anti kháng sinh – những thứ được gọi là phát minh vĩ đại, cứu sống vô số người – nổi lên vì lợi ích nào đó. 

Thông tin không được kiểm chứng và một số người lại tự mang nỗi sợ phản khoa học vào người. Đây cũng là một mặt trái của bùng nổ thông tin.

Có một điều mình cần phải suy nghĩ. Vắc xin nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng khiến nhà nước tốn rất nhiều tiền để mình được tiêm miễn phí. Vì đó đều là những bệnh rất dễ mắc và rất nguy hiểm, rất dễ trở thành dịch nên cần phải kiểm soát. Đó đều là những vắc xin rất cần thiết. Đừng băn khoăn gì.

Link bài gốc

Theo Tri Thức Trẻ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU