Ngày 17/5, Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) thông báo thêm 4 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, nâng tổng số trường hợp nhiễm virus tại nước này lên tổng cộng 7 người. Giới chức y tế Anh nhận định đây là các trường hợp "hiếm gặp và bất thường" và họ đang điều tra mối liên hệ giữa các ca mắc. Tất cả bệnh nhân đều là đồng tính nam, song tính hoặc quan hệ tình dục đồng giới nam.
Trên Zing, TS Susan Hopkins (Cố vấn Y tế của Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh) cho biết: “Các bằng chứng cho thấy có thể virus đậu mùa khỉ đang lây lan trong cộng đồng qua những tiếp xúc gần gũi. Chúng tôi đặc biệt kêu gọi những người đồng tính nam, lưỡng tính lưu ý về bất kỳ vết phát ban hoặc tổn thương bất thường nào và liên hệ ngay với dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục".
Ngày 18/5, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) và Sở Y tế Công cộng Massachusetts xác nhận ca đầu tiên mắc đậu mùa khỉ, một căn bệnh hiếm gặp vừa bất ngờ xuất hiện ở một số nước châu Âu. Giới chức Mỹ đang phối hợp nhằm truy vết những người tiếp xúc bệnh nhân. Người này vừa quay về từ Canada và đã nhập viện điều trị. Tình trạng bệnh đang chuyển biến tốt. Đây là ca đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ tại Mỹ trong năm nay.
Virus gây bệnh đậu mùa khỉ được cho là rất hiếm khi lây nhiễm từ người sang người. Ảnh: BBC
Trước đó, Tây Ban Nha cảnh báo đợt bùng dịch của virus gây bệnh ở Madrid. Tổng cộng 23 người đã mắc bệnh ở nước này, trong đó 8 ca nghi nhiễm là người đồng tính nam. Bồ Đào Nha cũng ghi nhận khoảng 20 ca nghi nhiễm virus gây đậu mùa khỉ trong số các thanh niên ở khu vực gần Lisbon.
Virus gây đậu mùa khỉ hầu như không lây nhiễm từ người sang người. Tuy nhiên gần đây, số ca mắc bệnh này đang xuất hiện nhiều ở Anh và một số quốc gia khác khiến các nhà khoa học đặt câu hỏi.
Bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện khi nào?
Virus đậu mùa khỉ thuộc giống Orthopoxvirus trong họ Poxviridae. Nó được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1958 khi hai đợt bùng phát của bệnh giống như thủy đậu xảy ra trên những con khỉ ở phòng thí nghiệm. Do đó, được gọi là bệnh đậu mùa khỉ.
Các loại virus khác cùng họ thường gây ra các bệnh như đậu mùa, còn được gọi là bệnh đậu bò. Tuy nhiên, virus đậu mùa khỉ đã được tìm thấy ở một số loài động vật, bao gồm một số loài khỉ và động vật gặm nhấm khác. Nó cũng có thể lây sang người, nhưng con người không phải là ổ chứa tự nhiên của virus.
Virus xâm nhập và gây ra triệu chứng gì?
Virus có thể xâm nhập qua vết thương ngoài da, đường hô hấp, mắt, mũi hoặc miệng, lây qua giọt bắn hô hấp hoặc dịch thể.
Khi xâm nhập vào cơ thể con người, virus sẽ ủ bệnh trong khoảng từ 5 - 21 ngày. Sau đó, các triệu chứng sẽ xuất hiện, bao gồm nhiều triệu chứng giống bệnh đậu mùa như sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, ớn lạnh, kiệt sức và các tổn thương lan rộng trên da, nổi mủ và vỡ ra.
Các triệu chứng có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể sau 5-21 ngày nhiễm bệnh. Ảnh: CDC
Cách phân biệt bệnh đậu mùa khỉ và bệnh đậu mùa thông thường
Một số triệu chứng đặc hiệu giúp bác sĩ phân biệt bệnh đậu mùa thông thường và bệnh đậu mùa khỉ. Bệnh đậu mùa khỉ khiến các hạch bạch huyết sưng lên. Khi người bệnh bị sốt, đặc trưng của virus đậu mùa khỉ là phát ban khó chịu, khởi phát sau 1-3 ngày. Các vết phát ban thường bắt đầu ở mặt, sau đó lan sang những bộ phận khác của cơ thể.
Các tổn thương trên cơ thể người bệnh sẽ trải qua quá trình từ rát (tổn thương phẳng) đến sẩn (tổn thương nổi), mụn nước (tổn thương chứa đầy dịch) sau đó là mụn mủ. Cuối cùng, các vết tổn thương đóng vảy trước khi rụng hết và khỏi bệnh, để lại sẹo. Các triệu chứng có thể tồn tại hơn 4 tuần mới hồi phục, nhưng thường biến mất sau 2 tuần. Da của người mắc bệnh sẽ hình thành sẹo do tổn thương.
Cách thức lây truyền bệnh đậu mùa khỉ như thế nào?
Người lành có thể nhiễm virus thông qua 3 con đường chính:
Một là từ vết cắn hoặc vết xước của động vật mang virus. Hai là khi ăn thịt động vật mắc bệnh.
Ba là tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh hoặc chạm vào giường, quần áo bị ô nhiễm.
Virus đậu mùa khỉ xâm nhập vào cơ thể qua các tổn thương ở da, đường hô hấp hoặc niêm mạc (mắt, mũi, miệng). Ở người, virus lây truyền chủ yếu qua giọt bắn đường hô hấp, song, nó không thể văng xa đến vài m, vì vậy cần phải tiếp xúc gần mới có thể lây nhiễm.
Các nốt phát ban lan rộng trên cơ thể bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: WHO
Bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện chủ yếu ở đâu?
Bệnh đậu mùa ở người chủ yếu gây ra các đợt bùng phát ở các khu vực rừng mưa nhiệt đới ở Trung và Tây Phi và không thường thấy ở châu Âu. Vào năm 1970, đã ghi nhận trường hợp bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở người tại Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC).
Kể từ đó, các ca bệnh đã được báo cáo ở 11 quốc gia châu Phi: Benin, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Gabon, Bờ Biển Ngà, Liberia, Nigeria, Cộng hòa Congo, Sierra Leone và Nam Sudan.
Tiếp đó, năm 2003, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) thông báo đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên được báo cáo bên ngoài châu Phi. Nó liên quan việc nhập khẩu động vật có vú bị nhiễm bệnh vào Mỹ.
Vào những năm 2018, 2019, các du khách từ Vương Quốc Anh (2), Israel (1), Singapore (1) có lịch sử du lịch về từ Nigeria, được chẩn đoán mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Cách phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ
Ghi nhận từ Zing, hiện chưa có cách điều trị cụ thể cho bệnh này. Người mắc thường tự khỏi. Vaccine đậu mùa có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, bệnh đậu mùa đã được xóa sổ cách đây khá lâu nên các loại vaccine thế hệ đầu không còn được tiêm cho người dân.
Một loại vaccine khác đang được phát triển để phòng đậu mùa và đậu mùa khỉ. Nhà sản xuất Bavarian Nordic đặt tên vaccine là Imvanex, Jynneos và Imvamun, sau khi được giới chức y tế EU, Mỹ, Canada phê duyệt. Ngoài ra, thuốc kháng virus khác cũng đang được phát triển.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, phụ nữ mang thai mắc bệnh đậu mùa khỉ có thể gặp các biến chứng, bệnh đậu mùa khỉ bẩm sinh hoặc thai chết lưu. Các ca bệnh nhẹ có thể không được phát hiện và lây truyền từ người sang người.
Link gốc: https://suckhoedoisong.vn/benh-dau-mua-khi-virus-gay-benh-nguy-hiem-nhu-the-nao-169220520145519457.htm
Theo ttvn.vn