Gia tăng bệnh lý đường hô hấp
Trường hợp của bé L.V.T.N. (7 tháng tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) có triệu chứng sốt, ho, thở khò khè, người lừ đừ. Gia đình đưa bé N. đi khám tại phòng khám địa phương với chẩn đoán viêm phổi, được kê thuốc về uống.
Về nhà, bé N. vẫn khó thở, có thêm biểu hiện lõm ngực nên gia đình đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng thành phố khám. Qua thăm khám, các bác sĩ kết luận N. bị viêm tiểu phế quản, viêm phổi, phải thở NCPAP. Sau nhiều ngày điều trị tích cực, hiện bé N. thở êm hơn.
BSCK2 Dư Minh Trí - trưởng khoa Khám bệnh – Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) - cho biết hiện nay thời tiết "sáng nắng – chiều mưa" như hiện nay là yếu tố làm cho gia tăng bệnh lý đường hô hấp.
Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Nhi đồng thành phố có 100 trẻ đến khám bệnh có tới 70 - 80 trẻ mắc bệnh lý đường hô hấp.
Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do khí hậu vào thời điểm giao mùa. Đối với cơ thể của trẻ chưa quen với vấn đề thay đổi thời tiết làm gia tăng bệnh lý hô hấp.
Ngoài ra, bác sĩ Trí cho biết hiện nay độ ẩm cao cũng tạo thuận lợi cho các virus, vi khuẩn phát triển.
Trẻ bị viêm đường hô hấp
Bệnh lý đường hô hấp xảy ra từ mũi đến phế quản với các bệnh như viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi. Trẻ thường có triệu chứng sốt, ho, khó thở. Khi trẻ mắc các bệnh hô hấp, đa số sẽ hết bệnh trong vòng 10-14 ngày. Tuy nhiên nếu trẻ có biểu hiện sốt cao kéo dài trên 2 ngày, bỏ bú, nôn, ngủ li bì, khó thở, thở lõm ngực... cần nhanh chóng đưa trẻ đi cấp cứu.
Dấu hiệu đặc biệt cha mẹ cần nhớ
Trong các vấn đề đường hô hấp trên, bác sĩ Trí khuyến cáo phụ huynh cần lưu ý chăm sóc từng triệu chứng của trẻ
Trẻ sốt: Trẻ bị viêm đường hô hấp hầu hết đều sốt. Đặc thù sốt của trẻ diễn tiến nhanh, cấp tính. Trẻ dưới 6 tuổi còn có thêm nguy cơ thêm co giật. Vì thế, khi trẻ sốt cần hạ sốt cho trẻ sớm. Sử dụng thuốc hạ sốt paracetamol. Khi trẻ bị sốt cần hạ sốt đúng liều tương đương 10 – 15 mg/kg cân nặng.
Chú ý, khi trẻ sốt là có dấu hiệu mất nước nên cần bổ sung thêm nước cho trẻ.
Trẻ bị ho: Khi em bé bị đường hô hấp dễ ho, nước mũi, đờm có thể chảy ngược về phía sau nuốt vào bụng nên trẻ rất dễ bị nôn ói. Khi trẻ bị ho, trẻ mệt, mất ngủ nhưng ho là cơ chế bảo vệ của cơ thể. Ho giúp tống xuất các dị vật ra khỏi cơ thể. Ho để tống đờm, nhớt ra ngoài. Ho không hẳn là triệu chứng đáng lo lắng.
Bác sĩ Trí cho biết phụ huynh nên biết cách chăm sóc trẻ bị ho. Ví dụ khi cho trẻ ăn nên cho trẻ ăn ít, chia nhỏ bữa ăn. Thức ăn cần lựa chọn loại mềm.
Dấu hiệu trẻ suy hô hấp
Trẻ khó thở: BS Trí nhấn mạnh đây thực sự là dấu hiệu nguy hiểm. Trẻ khó thở có thể tự hết nhưng có thể là dấu hiệu biến chứng đầu tiên là suy hô hấp.
Cơ thể trẻ có phản ứng khó thở khi thiếu oxy máu. Ở mức độ nhẹ trẻ thở nhanh hơn, lồng ngực nhấp nhô nhanh hơn bình thường.
Nếu thở nhanh trẻ vẫn không đủ oxy thì trẻ sẽ thở gắng sức. Ngực trẻ sẽ rút lõm lúc thở. Chính vì thế, bác sĩ Trí nhấn mạnh nếu trẻ bị viêm hô hấp cha mẹ cần quan sát thật kỹ lồng ngực của trẻ. Vén áo của con và quan sát nhịp thở, độ co rút của các xương sườn. Nếu trẻ thở đều dễ không đáng lo nhưng trẻ thở nhanh, lõm ngực cần nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế.
Bác sĩ cần khám để xem tổn thương trên hệ hô hấp của trẻ và có can thiệp kịp thời.
Khác với người lớn, khi bị ốm, trẻ nhỏ không thể nói hết triệu chứng nên nếu thấy con khác với bình thường cha mẹ cần đặc biệt lưu ý.
Mùa bệnh viêm đường hô hấp, bác sĩ Trí khuyến cáo cha mẹ cần chuẩn bị sẵn các loại thuốc cho tủ thuốc gia đình. Những vật dụng không thể thiếu đó là nhiệt kế, thuốc hạ sốt, nước muối sinh lý.
Nhiệt kế là dụng cụ bắt buộc trong gia đình. Bác sĩ Trí khuyến cáo dùng nhiệt kế trực tiếp kẹp nách điện tử. Khi dùng nhiệt kế điện tử cần đặt nhiệt kế thẳng dọc làm sao đầu kim loại tiếp xúc với nách của trẻ.
Trong nhà luôn luôn có thuốc hạ sốt. Nên chọn thuốc hạ sốt có thành phần paracetamol. Cha mẹ trang bị thêm nước muối sinh lý để rửa mũi cho trẻ.
Theo soha.vn