Bị cánh quạt công nghiệp chém vào mặt, cậu bé phải đi 3 bệnh viện

'Hai vợ chồng đang làm thì nghe mọi người hô lên: Giang ơi, con mày bị gì kìa. Mình chạy ra thì thấy con té nằm dưới đất, đã bị cây quạt ngã xuống, cánh quạt chém qua mặt',

'Hai vợ chồng đang làm thì nghe mọi người hô lên: Giang ơi, con mày bị gì kìa. Mình chạy ra thì thấy con té nằm dưới đất, đã bị cây quạt ngã xuống, cánh quạt chém qua mặt', anh Lê Văn Giang bàng hoàng kể lại.

Bệnh nhi đã phục hồi - Ảnh: Nguyên Mi

Chiều 28.8, bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận cấp cứu bệnh nhi T.V.H (6 tuổi, ngụ Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) trong tình trạng khuôn mặt sưng to, có nhiều vết khâu dài trên mặt do bị cánh quạt công nghiệp chém.

“Hai vợ chồng đang làm thì nghe mọi người hô lên: Giang ơi, con mày bị gì kìa. Mình chạy ra thì thấy con té nằm dưới đất, đã bị cây quạt ngã xuống, cánh quạt chém qua mặt”, anh Lê Văn Giang bàng hoàng kể lại.

Đó là cây quạt công nghiệp (đường kính khoảng 80 cm) dùng để quạt khô gạch. Cánh quạt lại không có lồng bảo vệ bên ngoài.

“Lúc đó, máu trên mặt bé cứ phun lênh láng. Ảnh (ba của bé - PV) sợ quá té xỉu luôn. Còn tui ôm con, nhờ thằng em trong xưởng chở đi cấp cứu. Một tay bế con, một tay níu áo nó. Cũng muốn ngất xỉu nhưng nghĩ phải tỉnh để cứu con", mẹ của bé chia sẻ.

Mẹ của bé kể thêm, nghỉ hè, cháu chưa đi học lại nên hai vợ chồng phải dắt theo con đến chỗ làm là lò gạch. Lúc đó cháu chạy chơi với một bạn khác và vấp phải sợi dây điện của cây quạt, làm cây quạt ngã xuống nên tai nạn xảy ra.

May là, khi vấp dây điện, phích cắm cây quạt rơi ra nên cánh quạt mới từ từ dừng lại, chứ không, hậu quả chắc nặng nề hơn.

Bệnh nhi được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương), rồi chuyển tiếp lên bệnh viện của tỉnh. Qua hai bệnh viện này, bệnh nhi được khâu vết thương.

Tuy nhiên, sau một tuần nằm viện, thể trạng bệnh nhi yếu hơn và khuôn mặt sưng to, vết khâu không lành. Vì vậy, bệnh nhi được chuyển tiếp lên Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM).

Bác sĩ Nguyễn Minh Hằng, Phó trưởng khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1, đánh giá: Khi nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 1, vết thương của bé đã được khâu trước đó chỉ mang tính chất cầm máu. Bệnh nhân có tình trạng nhiễm trùng, ứ dịch trên mặt. Vết khâu cũng không đảm bảo tính thẩm mỹ cho khuôn mặt bé sau khi lành.

"Đánh giá vết thương không ổn, các bác sĩ đã quyết định cắt một miếng chỉ nhỏ trên vết thương thì toàn bộ đường may bung ra. Máu và dịch ứ đọng cũng ào ào chảy ra (khoảng hơn 30cc)", bác sĩ Hằng cho biết.

Qua thăm khám, các bác sĩ nhận thấy, vết chém của cánh quạt vào mặt bên phải của bé cắt toàn bộ mô mềm, sâu đến tận xương hàm, làm tổn thương một phần xương hàm. Rất may là không đứt động mạch cảnh (là động mạch chính ở cổ - PV).

Vì vậy, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đã mở lại vết thương, sát trùng, dẫn lưu dịch máu mũ nhiễm trùng ra ngoài và khâu lại vết thương cho bệnh nhân.

Các bác sĩ đã dùng 6 sợi chỉ (mỗi sợi dài 75 cm) để khâu vết thương cho bé, cố gắng khâu thẩm mỹ lại cho khuôn mặt bé.

Hiện tại tình trạng của bé đã ổn định.

Theo bác sĩ Đẩu, vết thương trên dù đã được xử lý lại tốt hơn nhưng di chứng vẫn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhi. Vết cắt của cánh quạt có thể làm đứt dây thần kinh ở mặt, khiến bệnh nhi cười méo; đứt tuyến nước bọt gây chảy nước bọt liên tục.

Ngoài ra, theo bác sĩ Hằng, bệnh nhi không được chích ngừa uốn ván khi cấp cứu ban đầu nên có nguy cơ bệnh này. Bác sĩ Hằng khuyến cáo, trường hợp bệnh nhân bị các tai nạn tương tự, đơn vị xử lý ban đầu cần chích ngừa uốn ván cho bệnh nhân (trong vòng 24 giờ).

Qua đó, các bác sĩ khuyến cáo, trẻ em rất hiếu động, quý phụ huynh cần trông nom cẩn thận, đặc biệt, đưa trẻ đến chỗ làm (công xưởng, nơi lao động sản xuất) rất nguy hiểm, dễ gặp tai nạn.

 

 

Theo baomoi.com

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU